Đại án tham nhũng tại Oceanbank: Hà Văn Thắm khai gì?

Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm.

Đại án tham nhũng tại Oceanbank: Hà Văn Thắm khai gì? - 1

Ông Hà Văn Thắm lúc đương nhiệm

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm về các tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cho vay trăm tỷ đồng không cần thế chấp

Theo kết luận điều tra, từ năm 2011 – 2014, ông Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cả nghìn tỷ đồng cho Oceanbank. Đáng chú ý là việc ông Thắm cho Cty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung vay 500 tỷ đồng trái quy định. Đến nay, Cty Trung Dung vẫn chưa có khả năng trả nợ cho Oceanbank. Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm việc này thuộc về ông Hà Văn Thắm và 5 đồng phạm khác.

Tài liệu điều tra thể hiện khoản 500 tỷ đồng nêu trên bản chất là Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng vừa bị TAND TPHCM tuyên phạt 30 năm tù - PV) vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín. Cụ thể, năm 2012, lợi dụng chủ trương tái cơ cấu, sát nhập các ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước, ông Thắm muốn thâu tóm các ngân hàng này nên gặp bà Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) nhằm gây sức ép, buộc bà Phấn phải chuyển cổ phần cho mình.

Tháng 2/2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,9% vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm với giá hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Ông Thắm phải chịu trách nhiệm trả nợ và sở hữu tài sản từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng. Sau đó, ông Thắm cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Khi bà Phấn doạ sẽ lấy lại cổ phần, bán cho người khác, ông  Thắm liền môi giới chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho ông Phạm Công Danh và ông Danh hứa trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng tiền môi giới. Ông Danh sau đó đổi tên Đại Tín thành ngân hàng TMCP Xây Dựng nhưng cũng không trả tiền cho bà Phấn và 800 tỷ cho ông Thắm như thỏa thuận.

Việc giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh nếu không thực hiện được sẽ không thể thanh khoản khiến NHNN tiếp tục sát nhập Đại Tín vào ngân hàng khác. Vì vậy, cả ba thống nhất Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Ông Danh và ông Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Cty Trung Dung để thực hiện việc này. Số tiền này ông Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Đại Tín đồng thời ghi nhận việc ông Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín.

Huy động lãi suất vượt trần

Ngoài ra, để huy động vốn của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank. Ông Thắm và ông Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Cty CP BSC và triển khai tổ chức thực hiện, dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại đây, vượt trần huy động đối với khách hàng gửi tiền tại OceanBank số tiền hơn 985 tỷ đồng.

CQĐT xác định, bị can Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bàn bạc thống nhất với ông Thắm đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Cty Cổ phần BSC (Cty do ông Thắm nhờ người đứng tên) trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sơn còn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu, Phó TGĐ (bị bắt giữ tháng 1/2015) triển khai thực hiện chủ trương trên dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, ông Sơn thu lời bất chính hơn 69 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Thắm, Sơn và các lãnh đạo OceanBank thống nhất về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng thuộc PVN gửi tiền tại ngân hàng này vượt trần lãi suất, gây thiệt hại hơn 544 tỷ đồng...

Theo cơ quan điều tra, ông Thắm khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác nhằm làm rõ sự thật vụ án. Trong khi đó, ông Sơn thiếu hợp tác, khai báo quanh co, liên tục thay đổi lời khai.

Ngày 6/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, quá trình điều tra giai đoạn hai vụ án tại ngân hàng Oceanbank, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một cựu Giám đốc Phòng giao dịch Hà Đông - ngân hàng Oceanbank để điều tra về hành vi “cố ý làm trái…”. Ông này bị xác định đã thực hiện chủ trương, chỉ đạo và cùng các nhân viên tiếp nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ Hội sở Oceanbank để chi cho khách hàng gửi tiền trái quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Dương - Xuân Ân (Tiền phong)
Trọng án Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN