Bộ Công an chỉ cách nhận biết công an “dỏm”

Sự kiện: Tin ngắn

Theo Bộ Công an, người dân cần nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an và vận dụng một số cách nhận biết quan sát, phân tích...

Thời gian qua, xuất hiện nhiều trường hợp giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đã có rất nhiều trường hợp bị phát hiện và Bộ Công an đã chỉ ra những cách để nhận biết công an “dỏm”.

Trần Văn Sơn và Trần Hồng Thái giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhằm thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản” đã bị Công an quận 11 bắt giữ. Ảnh: CA

Trần Văn Sơn và Trần Hồng Thái giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhằm thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản” đã bị Công an quận 11 bắt giữ. Ảnh: CA

Cách nhận biết người giả công an

Theo Bộ Công an, Các đối tượng giả danh Công an thường sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định khi tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự.

Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả.

Theo Bộ Công an, đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình để người khác thấy giấy tờ, thẻ ngành Công an.

Trong trường hợp người dân chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

Ngoài ra, người dân có thể gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác Công an. Nếu nghi ngờ người giả danh Công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.

Cụ thể, có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại ở đâu, lãnh đạo là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể là gì?...

Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh Công an hay không.

Diệp Ngọc Hà giả Phó cục trưởng Cục cơ yếu - Bộ Công an để đến công an huyện Châu Thành A “thăm anh em”. Ảnh: CA

Diệp Ngọc Hà giả Phó cục trưởng Cục cơ yếu - Bộ Công an để đến công an huyện Châu Thành A “thăm anh em”. Ảnh: CA

Bộ Công an cũng khuyến cáo, người dân khi gặp các trường hợp này cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh Công an hay không.

Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, những người đang công tác trong ngành Công an phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.

Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh Công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành Công an… có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an.

Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh Công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.

Có thể phạt tù chung thân

Theo Bộ Công an, hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân là vi phạm pháp luật.

Công an Q.1, TP.HCM tạm giữ hình sự Nguyễn Hồng Thái (35 tuổi) để điều tra làm rõ việc mặc sắc phục giả danh cán bộ công an với âm mưu gây rối tại khu vực trung tâm.

Công an Q.1, TP.HCM tạm giữ hình sự Nguyễn Hồng Thái (35 tuổi) để điều tra làm rõ việc mặc sắc phục giả danh cán bộ công an với âm mưu gây rối tại khu vực trung tâm.

Cụ thể, Khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016 của Chính phủ quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Đối với những tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này thuộc trường hợp kinh doanh hàng cấm, sẽ bị xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung.

Riêng tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi vận chuyển hàng cấm, chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm, người có hành vi giao nhận hàng cấm cũng bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Nhiều trường hợp giả công an

+ Ngày 30-8, Công an Q.11 (TP.HCM) đã tạm giữ Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) để điều tra vụ việc giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhằm thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Thời điểm kiểm tra đưa về trụ sở làm việc, cả Sơn và Thái đều mặc đồng phục công an, trong đó Sơn có cầu vai quân hàm thiếu tá, Thái có cầu vai quân hàm thiếu úy.

+ Vào cuối năm 2019, Diệp Ngọc Hà (46 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) giả Phó cục trưởng Cục cơ yếu - Bộ Công an đến công an huyện Châu Thành A “thăm anh em” đã bị Công an huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bắt giữ.

+ Tháng 6-2018, Công an quận 1, TP.HCM đã tạm giữ hình sự Nguyễn Hồng Thái (35 tuổi) để điều tra làm rõ việc mặc sắc phục giả danh cán bộ công an với âm mưu gây rối tại khu vực trung tâm.

+ Cũng trong 6-2018, Công an TP.Cần Thơ đã bắt giữ Nguyễn Hoàng Hôn (29 tuổi, ngụ Hậu Giang) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hoàng Hôn là nghi phạm giả đại uý công an để lừa đảo tiền của người dân.

Cùng thời gian này, Công an Q.3 cùng các phòng nghiệp vụ của Công an TP.HCM đã bắt giữ 1 cá nhân tàng trữ trái phép số lượng lớn quân phục CAND và các công cụ hỗ trợ trang bị cho ngành công an.

Nguồn: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/bo-cong-an-chi-cach-nhan-biet-cong-an-dom-944436.html

Giả danh Công an lừa nhận tiền “chạy án”

Với chủ tâm giả danh Công an để lừa đảo, Quí đặt mua bộ trang phục An ninh nhân dân, còng số 8, bộ đàm, bật lửa giả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tự Sang (Pháp luật TPHCM)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN