Bi kịch và tội lỗi của nữ chủ quán bar

Chồng chết, một nách 6 đứa con, lại thêm người mẹ già đã 77 tuổi, người phụ nữ một thời là một chủ quán bar ngay trong lòng phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) đã rơi vào vòng xoáy của ma túy.

Kết cục cuối cùng đã dẫn người phụ nữ ấy tới con đường phạm tội và chỉ đến khi ngồi sau những song sắt của trại giam, bỗng chốc những đứa trẻ thơ vô tội và người mẹ già bơ của người phụ nữ ấy đã không còn nơi nương tựa…

Từ bi kịch gia đình…

Người phụ nữ ấy là Đoàn Thị Xuân Lan (SN 1967), nhà ở tổ dân phố Hà Phước, Vĩnh Phước, Nha Trang. Lan mồ côi cha, đầu tắt mặt tối mưu sinh từ tấm bé. Đến giờ Lan cũng không còn nhớ nhiều về người cha đã bỏ rơi mẹ con thị, vì khi đó Lan chỉ mới 6 tuổi và từ đó đến giờ cũng chưa một lần gặp lại cha. Mẹ Lan là người phụ nữ bán hàng gánh đầu chợ, cuối chợ, cũng chỉ đủ khả năng nuôi Lan lớn, còn đường học hành Lan đã bỏ ngang ngay từ lớp 9 để phụ mẹ mưu sinh.

Ngoài 20 tuổi, Lan cũng có một tấm chồng. Hai bên gia đình cùng nghèo khó nên cũng chẳng làm đám cưới dù chỉ vài mâm cơm. Do kém hiểu biết, Lan đã không làm giấy đăng ký kết hôn. Hai vợ chồng Lan thuê một căn phòng nhỏ, bên Cồn Dê (Ngọc Hiệp, Nha Trang) để ở. Chồng Lan, anh Trần Văn Hiếu làm nghề đạp xích lô, còn Lan buôn bán quần áo cũ ngay bên hông chợ Đầm. Nhà nghèo, lại thêm 3 đứa con kế tiếp nhau ra đời chỉ cách nhau năm một, nên cuộc mưu sinh ngày càng thêm vất vả. Hiếu lúc này lại sinh tật nhậu nhẹt và thói vũ phu. Cứ mỗi lần nhậu về là đánh vợ và đòi tiền. Đã vậy lại còn có bồ nhí. Chỉ sau 4 năm ăn ở với nhau, đến năm 1993, Hiếu bỏ rơi Lan và 3 đứa con thơ, cùng nỗi nghèo khó mưu sinh. Khi đó, có người an ủi Lan: Có khi thế mà lại hơn, vì tránh được kẻ vũ phu và nát rượu!

Năm 1998, lúc này du lịch phát triển, thành phố Nha Trang ngày càng có thêm nhiều khách nước ngoài, nhiều công việc mưu sinh mới được hình thành từ việc phục vụ, cung ứng các dịch vụ cho khách du lịch. Nhanh nhạy, Lan theo một số người đổi hướng sang buôn bán quần áo dạo cho du khách ngoại quốc dọc theo các bãi biển. Công việc mới cũng không kém phần vất vả, nhưng bù lại có thu nhập cao hơn. Một vài lần Lan được khách nước ngoài cảm thông hoàn cảnh giúp đỡ Lan ít nhiều tiền bạc.

Vào đầu năm 2001, Lan gặp một người thanh niên đến từ nước Bỉ là Schoolmeester Wesley. Thua Lan đến 10 tuổi, lại là thanh niên độc thân chưa vợ, nhưng bất chấp tất cả, Schoolmeester đã ngỏ lời yêu Lan. Người đàn bà trung niên với một đời chồng và 3 đứa con, ngay từ đầu đã không dám chấp nhận tình yêu đó. Tuy nhiên người thanh niên ngoại quốc vẫn quyết tâm theo đuổi, mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Sau lần gặp đầu tiên, Schoolmeester trở về nước sắp xếp công việc, để rồi ngay cuối năm đó quay trở lại Nha Trang tìm gặp và kết hôn cùng Lan. Cảm phục tình yêu của Schoolmeester, Lan đã đồng ý. Lần lập gia đình này có đầy đủ hôn thú cùng buổi tiệc cưới vui vẻ đầm ấm, với ít bà con phía Lan và đông đảo bạn bè người nước ngoài của người chồng.

Cưới nhau xong, vợ chồng Lan bỏ vốn liếng mở quán Bar Bè bạn, còn có tên tiếng anh là “Friends”, nằm trong “Khu phố Tây” trên đường Nguyễn Thiện Thuật, thành phố Nha Trang. Với sự chịu thương chịu khó của Lan, cùng mối quan hệ rộng rãi, bạn bè của Schoolmeester trong giới khách nước ngoài ủng hộ, nên Bar “Friends” khá đông khách. Công việc làm ăn thuận lợi đã giúp cho gia đình Lan có ít tiền dư dả, chồng Lan quyết định xây lại căn nhà tồi tàn trong hẻm cho mẹ con Lan, trong đó có cả 3 đứa con với người chồng trước và mẹ Lan.

Những năm sau đó, Lan lại sinh liền cho Schoolmeester 3 đứa con, 2 trai, 1 gái xinh xắn. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Công ăn, việc làm đang ổn định, hạnh phúc gia đình đang đơm hoa kết trái thì tai họa bất ngờ lại đến. Lại thêm một lần bi kịch gia đình đến với Lan. Năm 2009, trong một lần về Bỉ thăm gia đình và kết hợp chữa bệnh, Schoolmeester đã mãi mãi ra đi vì một căn bệnh hiểm nghèo chỉ sau hơn 1 tháng, bỏ lại Lan và những đứa trẻ thơ dại cùng người mẹ già đã ngoài 70 tuổi.

…đến buôn bán ma túy

Mặc dù Lan rất cố gắng làm ăn, nhưng có lẽ do thiếu Schoolmeester và các mối quan hệ nên bar “Friends” ngày càng vắng khách. Tiền thu nhập không đủ các chi phí, đã buộc Lan phải tính toán bỏ kinh doanh quán bar. Chính trong lúc thu xếp đồ đạc tại quán bar Lan lại tìm thấy những bịch cần sa trong các ngăn tủ của Schoolmeester. Lan bắt đầu nhớ lại có lần bắt gặp chồng và các bạn bè người nước ngoài sử dụng thứ ma túy này tại quán bar. Schoolmeester cũng có lần mang bán cho những người nước ngoài để lấy tiền. Trong lúc túng quẫn tiền bạc, Lan bàn với đứa con gái và con rể mang bán số cần sa này cho số người nước ngoài có nhu cầu trong “Khu phố Tây”.

Tưởng rằng chỉ bán một lần khi túng quẫn, nhưng cái khó và lòng tham lại thôi thúc Lan buôn bán tiếp tục thứ hàng chết người, quốc cấm trên. Từ giữa năm 2010, Lan bắt đầu đi tận Cần Thơ để mua cần sa về bán cho người nước ngoài. Sau đó, Lan giao lại cho con gái và con rể bán cho các con nghiện để kiếm lợi nhuận. Cho đến một lần cuối tháng 6-2011, khi đứa con rể đang giao hàng (cần sa) cho một người nước ngoài tại ngã tư Nguyễn Thiện Thuật - Biệt Thự (Nha Trang), thì bị công an bắt quả tang. Khám xét nhà Lan lực lượng Công an cũng thu giữ nhiều cần sa được cất giấu. Con rể bị bắt giam, đứa con gái do đang có con nhỏ nên được tại ngoại. Lúc này, Lan đang còn ở Cần Thơ “mua hàng”, được tin báo liền bỏ trốn. Chỉ đến khi có lệnh truy nã của cơ quan điều tra Lan mới bị bắt giữ sau đó.

Cả nhà Lan có 4 người bị khởi tố, ngoài đứa con gái được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ 3 tháng tuổi, 3 người còn lại là Lan, con rể và đứa con trai mới 19 tuổi đã bị bắt tạm giam. Kể từ khi Lan bị bắt đến nay, ở nhà Lan còn 5 bà cháu, trong đó có 3 đứa con của Lan còn quá nhỏ, đứa lớn nhất mới 9 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi, một đứa lại bị bệnh thần kinh nhẹ. Bọn trẻ phải bỏ học. Ăn uống nhờ hảo tâm của bà con trong xóm.

Chúng tôi tiếp xúc với Lan trong trại tạm giam. Người đàn bà nói ngắt quãng trong tiếng thổn thức, đại ý rằng rất ân hận về hành vi phạm pháp của mình. Trước khó khăn của hoàn cảnh, Lan đã không đủ bản lĩnh để vượt qua. Để có tiền lo cho gia đình, Lan đã chọn con đường sai lầm buôn bán ma túy. Lan cũng giải trình do quá sợ bị bắt, tù tội, không ai lo cho gia đình nên đã lẩn trốn, không ra đầu thú để được khoan hồng. Những ngày qua ở trong trại giam, Lan rất nhớ con và thương người mẹ già không nơi nương tựa. Vì thế Lan mong được các cơ quan pháp luật giảm nhẹ một phần hình phạt để sớm về chăm sóc mẹ già và những đứa con thơ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Khoa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN