Bảo kê, bất lực với tội phạm?

Dù hoạt động công khai, diễn ra trong một thời gian dài nhưng chỉ đến khi Bộ Công an trực tiếp ra tay, các sới bạc, các băng nhóm côn đồ mới bị triệt phá.

Bốn tháng đầu năm, gần chục sới bạc lớn, nhiều nhóm côn đồ hoạt động kiểu “xã hội đen” ở nhiều địa phương bị Bộ Công an chỉ đạo triệt phá. Điều đáng nói, các hoạt động phi pháp này ngang nhiên diễn ra từ nhiều năm mà không bị bất cứ ai “sờ gáy”.

Ai cũng biết, chính quyền địa phương không biết?

Chỉ trong một thời gian ngắn, Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm trật tự xã hội (C45) phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (đều thuộc Bộ Công an) đã liên tiếp triệt phá các sới bạc lớn, hoạt động trong thời gian dài ở nhiều tỉnh, thành lân cận Hà Nội.

Mới nhất là lúc 13 giờ ngày 25-4, 120 trinh sát và cảnh sát hình sự thuộc C45 đã đột kích sới bạc gần bãi khai thác đá trên đồi Núi Võng, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn - Hòa Bình. C45 cho biết sới bạc này hình thành từ lâu, được tổ chức rất rầm rộ, mỗi ngày có hàng chục con bạc tới đây sát phạt.

Vài tuần trước đó, ngày 3-4, lực lượng trên cũng đã phá sòng bạc di động tại chợ Đường Cái, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm - Hưng Yên, bắt 27 con bạc, thu giữ hơn 300 triệu đồng. Sòng bạc này tồn tại nhiều năm do Nguyễn Văn Thành (Thành “vẩu”), Nguyễn Văn Minh (Minh “xoăn”) và Hoàng Ngọc Diệp cầm đầu.

Bảo kê, bất lực với tội phạm? - 1

Chỉ đến khi Bộ Công an vào cuộc, sới bạc hoạt động rầm rộ nhiều năm liền ở đồi Núi Võng, huyện Lương Sơn - Hòa Bình mới bị triệt phá Ảnh: THẾ KHA

Ngày 14-3, một sới bạc “khủng” tại khu lán lò gạch nằm giáp ranh giữa xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội) và phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên - Vĩnh Phúc) cũng bị Bộ Công an đánh sập. Qua đó, bắt giữ 68 con bạc (31 nữ); thu  2,4 tỉ đồng, 7.000 USD, 2 khẩu súng ngắn, nhiều đạn cao su và dao…

Trao đổi với phóng viên, đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, cho biết các sới bạc lớn bị triệt phá trong thời gian qua đều được tổ chức công khai, thường nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác hoặc ở giữa vùng đồi núi, địa hình hiểm trở. Cầm đầu các sới bạc là những đối tượng có tiền án, tiền sự nên tổ chức khá chuyên nghiệp. Với lực lượng công an địa phương, đặc biệt là công an xã, huyện thì để triệt phá các sới bạc này là hầu như không thể. Vì vậy, buộc phải có lực lượng chuyên trách và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan.

“Địa phương cũng biết có sới bạc đó nhưng việc tổ chức truy bắt gặp nhiều khó khăn. Từ đây mới đặt ra chuyện liệu có bảo kê, làm ngơ cho sới bạc hoạt động hay không. Tôi cho rằng việc này cần phải tiếp tục xem xét mới có thể kết luận được” - ông Tiến nói.

“Nếu vậy có thể hiểu chính quyền địa phương bất lực nên Bộ Công an phải cử lực lượng tham gia triệt phá rầm rộ như vừa qua?”. Trả lời câu hỏi này của phóng viên, đại tá Tiến thừa nhận một số địa phương chưa quyết liệt trong triệt phá nạn bài bạc. “Nếu quyết tâm và phối hợp đồng bộ thì chắc chắn sẽ triệt phá được các sới bạc này” - ông Tiến nhận định.

Có dấu hiệu bảo kê

Không chỉ các tụ điểm cờ bạc, mấy tháng qua, hàng loạt băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đã bị Bộ Công an triệt phá. Điểm chung của các băng nhóm này manh động, hung hãn và hoạt động một cách công khai nhưng hành vi phạm tội của chúng chỉ được phát hiện khi Bộ Công an trực tiếp vào cuộc.

Điển hình là vụ gần 10 đối tượng đầu sỏ trong băng nhóm tội phạm chuyên hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tại địa bàn huyện Khoái Châu - Hưng Yên bị C45 bắt giữ và đưa ra công luận. Khi đó, người dân cả nước giật mình đặt câu hỏi: Tại sao chúng lại ngang nhiên qua mặt chính quyền, hoạt động trong nhiều năm mà không ai dám đụng đến?

Theo C45, băng nhóm tội phạm ở Hưng Yên có gần 100 đối tượng do Phạm Khắc Tú (hay còn gọi Tú “khỉ”) cầm đầu, chuyên tổ chức bảo kê, cá độ, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản và đòi nợ thuê. Tú từng bị kết án 1 năm tù về tội tổ chức đánh bạc nhưng chỉ bị tạm giam 5 ngày rồi được tại ngoại.

“Nạn nhân” mới nhất của băng này là Nhà máy Gạch Sông Hồng. Khi chúng đòi tiền bảo kê, doanh nghiệp không chấp nhận nên các xe ra vào xí nghiệp bị làm khó khiến sản xuất đình trệ suốt một thời gian dài. Khi đó, đơn tố cáo không được các cơ quan chức năng địa phương giải quyết, doanh nghiệp này buộc phải cắn răng “nộp phí”.

Ngoài đòi tiền bảo kê vô lối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, các tàu khai thác cát không có giấy phép phải “nộp phí” cho băng này 2 triệu đồng/ngày/tàu. Các doanh nghiệp làm ăn khuất tất thì phải nộp tiền “bảo kê” tùy theo mức độ vi phạm. Chưa hết, băng nhóm này còn tổ chức đánh bạc, xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản và thanh toán lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Thượng tá Nguyễn Công Trứ, thuộc C45, cho biết khi lực lượng của bộ xuống điều tra, người dân không dám cung cấp thông tin. Trước đó, có một số người từng làm đơn tố cáo băng nhóm này với công an các cấp của địa phương và kết quả là bị đe dọa, khủng bố bằng “bom bẩn”. Do vậy, dù rất bức xúc nhưng họ không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. “Ở đây, có thể có sự dung túng, bao che và thậm chí không loại trừ sự bảo kê đối với băng nhóm này” - đại tá Hồ Sỹ Tiến nhận định.

Ông Bùi Văn Huy, Trưởng Công an xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu - Hưng Yên, từng bị băng Tú “khỉ” tấn công bằng hung khí gây thương tích 4%. Sau khi tố cáo vụ việc, không hiểu rõ lý do gì, ông Huy lại làm đơn bãi nại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN QUYẾT - THẾ KHA (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN