Băng bảo kê công viên: Lời khai của ông trùm

Như đã phản ánh, sau gần một tháng lẩn trốn khắp các tỉnh phía Bắc, “trùm bảo kê” Đỗ Mạnh Hóa bị bắt và di lý từ Hải Phòng vào TPHCM. Tại cơ quan công an, ban đầu Hóa vẫn tỏ ra ngoan cố, thậm chí hắn còn dùng cả nước mắt hòng “lau” sạch tội lỗi. Tuy nhiên, trước hàng loạt chứng cứ mà CQĐT thu thập được, hắn đã phải nhận tội.

Đỗ Mạnh Hóa khai bắt đầu đặt ra khoản phí “canh công an” cho những người bán hàng rong khu vực công viên Hoàng Văn Thụ từ khoảng thời gian đầu năm 2007. Thời điểm này vợ chồng Hóa vẫn đang bán nước dừa trên đường Phan Thúc Duyện (phường 2, Q.Tân Bình). Miệng lưỡi giảo hoạt, hắn ba hoa quen biết với công an và trật tự đô thị. Muốn yên ổn làm ăn, phải đóng tiền chung chi, mỗi khi có lực lượng tuần tra thì sẽ được báo trước để dọn hàng. Theo đó, mỗi người bán hàng ở khu vực này phải đóng cho Hóa một tháng 600.000 đồng (trong đó tiền “bến bãi” 300.000 đồng và tiền công “canh công an” 10.000 đồng/ngày), ai không đóng thì lập tức sẽ bị hắn đến đe dọa, hành hung, buộc phải đi buôn bán ở khu vực khác.

Khoản phí “canh công an” sau này được Hóa giao lại cho Lê Khắc Công - một đệ tử thân tín chạy xe ôm. Công được thu và hưởng lợi khoản tiền này, đổi lại y phải đậu xe trước cổng trụ sở Công an Q.Tân Bình để “canh” và báo cho Hóa mỗi khi thấy xe công an đi tuần tra. Công còn là tay sai đắc lực trong việc cùng đám đàn em hù dọa và dằn mặt nếu ai không chịu đóng tiền. Được nước, “trùm” Hóa ngày càng lấn tới, thẳng tay thu “phí bến bãi”, thậm chí đặt thêm nhiều loại phí vô lý khác mà những người buôn gánh bán bưng buộc phải cắn răng cống nộp.

Một trong những người bán hàng phải “cống nộp” cho Đỗ Mạnh Hóa là bà Phạm Thị L. (quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Từ tháng 2-2008 đến tháng 8/2012, bà phải đóng cho nhóm Hóa mỗi tháng 300.000 đồng tiền phí “bến bãi”. Ngoài ra bà còn phải đóng mỗi ngày 10.000 đồng phí “canh công an”. Khoản tiền này tên Hóa trực tiếp đứng ra thu và sau này giao lại cho đàn em của hắn là Lê Khắc Công.

Tính đến thời điểm tên Công bị bắt và “trùm” Hóa cao chạy xa bay, bà L. đã phải đóng cho chúng 27.270.000 đồng. Số tiền này đối với một người buôn thúng bán bưng như bà L. quả là không nhỏ. Nhóm Công - Hóa cũng buộc bà Huỳnh Thị H. (quê An Nhơn, Bình Định) - một phụ nữ gánh chè bán dạo phải nộp tiền đều đặn mỗi tháng 600.000 đồng. Tính từ tháng 3/2007 đến khi hành vi của chúng bị Công an Q.Tân Bình phát hiện, bà L. đã phải đóng cho chúng hơn 22 triệu đồng. Với số tiền này, bà L. đã phải oằn lưng gánh hàng, đội nắng dầm mưa không biết bao lâu mới có được. Vào dịp Tết, vợ chồng Hóa lại chở nhau dạo quanh công viên và chỉ mặt từng người để thu tiền “quà Tết” cho “cán bộ”. Mặc dù không biết vị “cán bộ” mà vợ chồng Hóa nói là ai, song hết thảy mọi người đều phải chi 200.000 đồng cho chúng.

“Trùm” Hóa cũng thừa nhận do bà Nguyễn Thị Tr. (quê Quảng Ngãi, bán cà phê dạo ở khu vực công viên) không đóng tiền nên hắn cùng đám đàn em đến dằn mặt. Từ tháng 3/2007 đến tháng 6/2010, bà Tr. đã phải đóng cho chúng hơn 15.000.000 đồng. Khoảng tháng 7/2011, mặc dù những khoản tiền này bà đóng cho nhóm Công - Hóa không thiếu một xu nhưng hàng quán vẫn bị công an và thanh tra đô thị phường bắt. Khi thắc mắc với Hóa, hắn cười hềnh hệch: “Lâu lâu cũng phải để công an trật tự bắt chứ chạy xe ra mà không bắt thì quê độ!”. Bà Tr. không tiếp tục đóng tiền, lập tức Hóa dẫn theo đám đàn em đến gây sự, đập phá bàn ghế và dùng nhiều thủ đoạn ép bà phải đi nơi khác buôn bán. Trong lần túm cổ áo hành hung bà Tr., hành vi của Hóa và đồng bọn đã bị người dân phát hiện và tố cáo lên cơ quan công an, từ đó hoạt động của chúng mới bị triệt phá.

Đỗ Mạnh Hóa đã khai nhận hành vi tội lỗi của mình. Hóa và Lê Khắc Công đã bị khởi tố và bắt giam để điều tra về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Cơ quan công an đề nghị những ai là nạn nhân của chúng liên hệ Đội CSĐTTP về TTXH Công an Q.Tân Bình để cung cấp thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Hòa (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN