Ác quỷ trong vai nữ giáo viên (P.2)

Bà ơi sao mẹ Thuận ác thế? Sao mẹ Thuận đốt nhà bác Hưng, giết chị Thảo Hiền?

Kỳ 2: Lời thú tội trong đêm giao thừa: Tức em, trả thù anh

Khi mới bị bắt, mặt Thuận đanh lại, cong cớn dọa một điều tra viên áp giải mình: “Danh dự của tôi lớn lắm, các ông biết chứ?”. Trước nỗi phẫn uất của người dân xung quanh, mặt chị ta không hề biến sắc, trái lại còn nhâng nháo, thách thức. Người được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với Thuận khi chị ta bị đưa về Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội trong một thời gian dài là thiếu tá Đào Trung Hiếu. Biết “đối thủ” của mình là một người có trình độ, thiếu tá Hiếu hiểu rằng đó là một cuộc “so găng” không hề đơn giản, nhất là khi vụ án xảy ra đã lâu, những gì thuộc về vật chứng đã bị đám cháy thiêu rụi, ngoại trừ những bản ảnh hiện trường và nỗi đau hiển hiện của thân nhân gia đình anh Hưng - chị Hà.

Đòn cân não đầu tiên được tung ra với Thuận, khi chị ta đang ngồi trong phòng làm việc ở số 7 Thiền Quang, các điều tra viên tình cờ đưa Hoàng Hải Tiệp và Bùi Tiến Hà đi ngang qua. Rất nhanh nhưng cũng đủ để họ kịp nhận ra và gặp nhau ở ánh mắt thoáng có phần bối rối. Một giây thôi nhưng cũng đủ để thiếu tá Hiếu hiểu rằng chị ta đang mất bình tĩnh và hoang mang. Nhưng Thuận cũng lấy lại được phong độ rất nhanh, chỉnh sửa tư thế ngồi và thái độ lại tỏ ra bất cần như lúc đầu. Thuận cười nói, trả lời từng câu hỏi một cách trơn tru, ráo hoảnh về vụ cháy nhà anh Hưng. Khi được hỏi: “Vì sao nhà cũ của chị chỉ cách nhà anh Hưng khoảng 500 mét và nhận được điện thoại báo cháy vào giữa đêm, mà tới tận 7 giờ sáng hôm sau chị mới tới xem thế nào?”, Thuận không suy nghĩ, trả lời rất nhanh, thể hiện bản chất gian ngoan, ác độc: “Tôi nghĩ là đằng nào cũng chết rồi, đến thì giải quyết được gì”. Trả lời xong Thuận hơi khựng lại vì biết mình hớ. Đòn cân não thứ hai được tung ra. Khi những tấm di ảnh của các nạn nhân được đặt lên bàn, Thuận không dám nhìn vào đó, chị ta chỉ lướt qua chừng nửa giây rồi vội vàng lảng sang chỗ khác, từ đó cho đến hết buổi làm việc Thuận không dám ngoái lại thêm lần nào nữa.

Dù Nguyễn Thị Thuận cố tỏ ra lạnh lùng và kiên quyết “đổ bê tông” trước những câu hỏi nhạy cảm nhưng thiếu tá Hiếu nhận thấy chị ta vẫn là một phụ nữ, mang những tâm sự rất đàn bà mà nếu biết cách khơi gợi thì có thể mở gút mắc trong lòng. Chuyện về trường lớp, việc giảng dạy, về con cái được chia sẻ rất nhiều giữa điều tra viên và đối tượng. Bàn về đề tài này, Thuận vô cùng sôi nổi, dường như chỉ chạm đến vấn đề ấy, chi ta mới trở về vẻ hồn nhiên đích thực của một cô giáo yêu nghề. Cuối buổi chiều làm việc hôm ấy, Thuận nhỏ nhẹ: “Cho tôi gặp bố”. Ông C. - bố Thuận - một cán bộ tỉnh Yên Bái - được đưa đến. Thuận xin lỗi bố mẹ và ủy quyền giải quyết việc tài sản, đất đai cho bố. Bản tường trình đầu tiên về tội lỗi của mình đã được Thuận ngồi viết cắm cúi, rất dài. Đó là một đêm giao thừa. Ngoài đường phố, mọi người nô nức đi chơi; còn Thuận phải đối diện với tội ác của mình trong bốn bức tường giam. Cái giá phải trả của chị ta quả là đắt.

Nguyên nhân đầu tiên được Thuận kể lại là do nghi ngờ chồng mình có quan hệ với một phụ nữ khác, chị ta đã nổi cơn ghen vì thế mà tình cảm vợ chồng liên tiếp mâu thuẫn. Dù rất nhiều lần cất công theo dõi nhưng không thu được chứng cứ gì, Thuận bất lực ngồi viết “nhật ký theo dõi chồng”. Khi thấy những đổ vỡ khó có thể hàn gắn, Thuận cũng tìm cho mình niềm vui khác: cặp kè với một người đàn ông tên S., vốn học cùng Đại học tại chức Kinh tế với chị ta. Nhưng đó cũng chỉ là cuộc tình thoáng qua, không để lại dư âm gì. Mối quan hệ này, anh Tuấn cũng biết nên tình cảm vợ chồng Thuận càng lúc càng rạn nứt, cho đến khi không chịu đựng được nhau nữa, họ quyết định ly thân. Anh Tuấn thuê nhà nơi khác ở, còn Thuận và con trai vẫn sống tại nhà cũ. Khi anh Hưng lựa lời khuyên răn Thuận, mong vợ chồng Thuận đoàn tụ, chị ta đã nổi cơn điên vì cho rằng anh Hưng bênh em trai nên đã nhờ Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp ra tay cho bõ tức. Hoảng Hải Tiệp thấy cháy lớn cũng gọi cho cứu hỏa 114 báo nhưng đã ngắt máy ngay sau khi kết nối.

Người đàn bà máu lạnh

Suốt hai năm trời Nguyễn Thị Thuận cũng như Bùi Tiến Hà, Hoàng Hải Tiệp đều thành khẩn khai nhận tội lỗi. Thế nhưng, đến khi được đưa ra xét xử tại Tòa án Quân khu Thủ đô, cả ba đều đồng loạt cho rằng mình bị bức cung, bị đánh đập. Riêng Nguyễn Thị Thuận thì tự trang bị cho mình bộ mặt nhâng nháo, đôi lúc chị ta còn quay xuống thách thức thân nhân bị hại, những người một thời cũng là người thân thiết của chị ta. Ba tấm di ảnh được đặt ở bàn đầu tiên kèm theo những lời kêu khóc đau đớn của thân nhân bị hại không làm Thuận thay đổi thái độ. Bản chất dã man của chị ta được thể hiện tột cùng trong cả hai phiên xét xử sơ và phúc thẩm. Rất đông người tham dự phiên tòa, trong đó cánh báo chí cũng chiếm lượng lớn, nhưng trước một rừng ống kính máy ảnh, Thuận vẫn nhếch mép cười, đứng bắt chéo chân, thỉnh thoảng lại giơ bàn tay lên ngắm nghía, vô cảm trước nỗi đau đang ngùn ngụt dâng của gia đình nạn nhân. Thậm chí, Thuận còn quay lại nhìn một cách trâng tráo vào những tấm di ảnh. Thái độ phản cảm ấy làm tất cả phiên tòa phẫn uất.

Cả hai phiên xử có thể nói là hỗn loạn, bi thương chưa từng thấy. Xen lẫn tiếng vị đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng là tiếng khóc ai oán của ông bà nội ngoại cháu Thảo Hiền, của cô dì chú bác, của bạn bè anh Hưng, chị Hà và sự phẫn uất của những người tham dự... Nguyễn Thị Thuận nhận án chung thân, Bùi Tiến Hà 20 năm tù, Hoàng Hải Tiệp 18 năm. Lời sau cùng, Thuận nói rằng sai lầm lớn nhất trong đời chị ta là đã lấy anh Nguyễn Chí Tuấn làm chồng. Không một chút ăn năn, chẳng một giây hối hận, người đàn bà ác độc đó thậm chí cũng không phút nào quay mặt lại tìm đứa con trai bé bỏng. Chị ta đã tự chọn cho mình con đường vào vòng lao lý, tự nguyện rời bỏ núm ruột của mình chẳng mảy may suy nghĩ, chỉ vì thói ghen tuông, cay cú rất đàn bà của mình.

“Gieo nhân nào gặt quả nấy”, Nguyễn Thị Thuận đã gây ra tội ác tày trời và những gì thị phải nhận lấy hôm nay là kết cục xứng đáng. Đứa con trai duy nhất của chị ta rất nhiều lần ôm cổ bà nội và nói: “Bà ơi sao mẹ Thuận ác thế? Sao mẹ Thuận lại đốt nhà bác Hưng, giết chị Thảo Hiền?”. Câu hỏi tưởng là ngây thơ của con trẻ ấy, Nguyễn Thị Thuận có trả lời được không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Phương (Công An Tp.HCM)
Cô giáo thiêu chết 3 người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN