9 năm ròng tìm cách giải oan cho anh trong kỳ án cướp đò

Sự kiện: Tin nóng

Vụ án cướp đò trên sông Ka Long (Quảng Ninh) được coi là 1 kỳ án khi có tới 4 phiên tòa xét xử; bị cáo 3 lần bị bắt giam, thả rồi lại bắt giam.

Từ khi anh trai vướng vòng lao lý, người em ròng rã đi tìm chứng cứ, tham gia bào chữa để minh oan cho anh.

Bị cáo Bùi Mạnh Giáp tại phiên tòa

Bị cáo Bùi Mạnh Giáp tại phiên tòa

Có hay không việc bắt nhầm người, ép nhận tội?

Những ngày đầu tháng 9/2021, dù Hà Nội đang trong thời gian giãn cách xã hội nhưng luật sư Bùi Văn Khương vẫn miệt mài chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để gửi bổ sung đề nghị Viện KSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm đối với vụ kỳ án cướp đò trên sông Ka Long (Quảng Ninh) xảy ra cuối năm 2012.

Đây là vụ án mà luật sư Khương ròng rã theo đuổi 9 năm qua và thân chủ của anh không ai khác chính là anh ruột của mình.

Theo Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh: Năm 2011, anh Bùi Mạnh Giáp (SN 1983, trú xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đến TP Móng Cái tập hợp một nhóm 10 người làm nghề bốc vác hàng hóa ở khu vực bờ sông Ka Long, sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Anh Giáp cùng với nhóm người này đã thuê một khu trọ để ở và sinh hoạt, làm nghề bốc vác.

Khoảng 18h ngày 15/12/2012, anh Giáp giao cho Nguyễn Quốc Cường (SN 1989, quê Sơn La) chỉ huy 9 người còn lại đi sang đường biên thuộc TP Đông Hưng (Trung Quốc) bốc hàng thuê.

Đến khoảng 2h ngày 16/12/2012, tại bến Cổ Ngỗng, bờ sông Ka Long, biên giới thuộc khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái xảy ra vụ cướp đò chở máy tính cũ.

Các đối tượng đã dùng hung khí đe dọa anh Tống Ân Hoa (người Trung Quốc) trên đò để cướp đi nhiều dàn máy tính cũ. Lực lượng biên phòng đã bắt 5 người gồm Nguyễn Quốc Cường, Bùi Văn Lâm, Lê Đình Đáng, Nguyễn Ngọc Tùng, Hồ Văn Trung (đều là những người trong nhóm cửu vạn ở cùng anh Giáp).

9 năm trước, khi vụ kỳ án cướp đò trên sông Ka Long xảy ra, anh Bùi Văn Khương đang là sinh viên luật. Khi nghe tin anh trai bị bắt, với niềm tin mãnh liệt anh mình vô tội, anh Khương đã tức tốc về Quảng Ninh.

Với những kiến thức luật mà mình học được, anh Khương tự mình tìm hiểu, lần lại các manh mối của vụ án. Qua quãng thời gian nhiều năm lăn lộn, lật lại hồ sơ vụ án, cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, anh Khương đã tìm ra nhiều hồ sơ, chứng cứ bào chữa cho anh trai mình.

“Có nhiều tình tiết trong vụ án cho thấy Công an Móng Cái đã bắt nhầm người. Có một nhóm khác của người tên Nhuận đã gây ra vụ cướp”, anh Khương chia sẻ.

Anh Khương đưa ra những chứng cứ lời khai của một nhân chứng là Lê Đình Đáng tại cơ quan CSĐT, nằm trong bút lục vụ án: “Thời điểm xảy ra vụ cướp, nhóm Nhuận cũng đang ở khu vực bờ kè và cùng chứng kiến vụ cướp. Nhóm của Nhuận có Nam, Trường, Long, Khoa” (Bút lục 243); “Cùng quan sát vụ cướp có Nhuận, Nam” (Bút lục 244, 247).

Trong kết luận điều tra, Công an TP Móng Cái cho rằng, sau khi cướp đò, nhóm cướp do anh Giáp chỉ huy đã vác hàng chạy lên bờ sông.

Để chứng minh luận điểm này là sai, anh Khương bắt xe ra TP Móng Cái, chờ 3 ngày làm Giấy thông hành sang Trung Quốc để chụp ảnh hiện trường nhìn từ phía nước bạn sang.

“Ngày 5/12/2018, tôi đi sang Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) để quay và chụp lại toàn cảnh hiện trường vụ án.

Bức ảnh tôi đưa ra tại tòa để chứng minh không thể nhảy từ đồi Cổ Ngỗng xuống đò của bị hại neo đậu ở dưới sông và vác bao hàng chạy ngược lên đồi theo vách đồi cao 8m, dốc 75 độ mà nhóm Nguyễn Quốc Cường (SN 1989) cùng 4 người khác bị ép nhận tội như vậy”, anh Khương cho hay.

Nhiều điều lạ tại các phiên tòa

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vào tháng 6 và tháng 9/2014, năm cửu vạn là: Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung bị buộc tội gây ra vụ cướp và bị tòa tuyên phạt từ 9 - 10 năm tù (khi đó, Công an TP Móng Cái tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với anh Giáp).

Tuy nhiên, khi chấp hành xong hình phạt tù, 3 người là Cường, Lâm và Tùng đã có đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng.

Theo đơn trình bày của anh Cường, anh này bị kết án oan vì không thực hiện hành vi. Trong khi anh Tùng cho rằng, sở dĩ trước đây nhận tội là do bị điều tra viên ép cung, dùng nhục hình.

Lâm cũng cho rằng, bản thân không thực hiện hành vi cướp tài sản và anh Giáp cũng không chỉ đạo ai cướp…

Tại phiên tòa sơ thẩm, nhân chứng Nguyễn Quốc Cường khai: “Anh Giáp bị oan, không có việc anh Giáp chỉ đạo đi cướp. Anh Giáp chỉ đạo chúng tôi đi bốc hàng, có hàng xóm ở đó. Sau khi bốc hàng ở Gốc Đa về, chúng tôi được anh Giáp chỉ đạo ra Cổ Ngỗng bốc hàng.

Do nước sâu chưa có hàng, thấy có vài tiếng nổ lớn, hỗn loạn, chúng tôi sợ, sau đó gọi anh Giáp về. Đang về đến đỉnh đồi thì gặp biên phòng, rồi họ mời chúng tôi về đồn”.

Đặc biệt, anh Cường còn khai: “Điều tra viên tên Tr. đánh đập, ép chúng tôi phải khai đi cướp là do anh Giáp chỉ đạo. Tại Công an TP Móng Cái, tôi hoảng loạn, không cần đánh đập tôi cũng sợ. Lúc đó, tâm trí tôi không bình thường. Họ bảo sao tôi làm thế. Lời khai tại tòa hôm nay của tôi hoàn toàn đúng sự thật”.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Giáp chia sẻ: “Trong quá trình xét xử, chúng tôi đã đưa ra những bằng chứng khẳng định, theo các bút lục trong hồ sơ điều tra thì có tới 3 người bị hại tên là Tống Ân Hoa (người Trung Quốc); hồ sơ vụ án khi từ Công an Móng Cái có 53 trang nhưng khi đưa ra xét xử lại là 63 trang. Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, lý do hồ sơ có 63 trang vì đây là hồ sơ bản sao.

“Tòa xét xử bằng bản sao hồ sơ là vi phạm, vì theo quy định phải xét xử bằng bản chính hồ sơ, nhưng ý kiến này của tôi không được xem xét đến.

Nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy việc truy tố bị cáo Giáp có nhiều vi phạm, sai sót trong việc thu thập chứng cứ như: Hồ sơ vụ án bị bớt các tài liệu, chứng cứ quan trọng, việc đánh giá chứng cứ vụ án theo suy đoán có tội, suy đoán bất lợi cho bị cáo Giáp.

Ngoài ra, có rất nhiều chứng cứ, tài liệu chứng minh anh Giáp không chỉ đạo 10 cửu vạn đi cướp tài sản mà thỏa thuận với họ về việc đi bốc hàng thuê.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23/9/2019, các luật sư đưa ra nhiều chứng cứ khẳng định Bùi Mạnh Giáp vô tội. Tuy vậy, kết thúc phiên tòa HĐXX vẫn tuyên phạt Bùi Mạnh Giáp 7 năm tù”, luật sư Cường nói.

Trong suốt 9 năm từ khi anh trai bị bắt lần đầu cũng chính là khoảng thời gian anh Khương đến mọi nơi cần đến, tìm kiếm nhân chứng, vật chứng, gõ cửa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để kêu oan cho anh.

“Anh trai tôi đang thi hành án tù và cũng sắp hết thời gian thi hành án. Tuy nhiên, kể cả khi anh tôi được ra tù, gia đình cũng sẽ tiếp tục kháng cáo.

Hiện, tôi đang chờ hết thời gian giãn cách xã hội để tiếp tục cung cấp hồ sơ kháng nghị Giám đốc thẩm”, anh Khương nói.

Ly kỳ bắt - thả - bắt

Tháng 12/2012, Công an TP Móng Cái bắt khẩn cấp Giáp rồi khởi tố Giáp và 5 cửu vạn về tội cướp tài sản.

Tại cơ quan điều tra, nhóm cửu vạn 5 người không nhận tội và khai Giáp không chỉ đạo cướp hàng. Sau thời gian bị tạm giam, đầu năm 2014, Công an TP Móng Cái tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với Giáp, chỉ truy tố Lâm, Đáng, Tùng, Trung và Cường.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/6/2014, cả 5 bị cáo không nhận tội. TAND TP Móng Cái vẫn tuyên phạt 5 bị cáo trên từ 9 - 10 năm tù.

Tại phiên phúc thẩm ngày 11/9/2014, các bị cáo lại nhận tội và khai Giáp là người chỉ đạo cướp. Tháng 10/2014, Công an TP Móng Cái phục hồi điều tra đối với Bùi Mạnh Giáp theo lời khai của nhóm bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26/11/2015, Giáp kêu oan, 5 cửu vạn Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung (đang thi hành án) ra tòa làm chứng cũng kêu oan cho Giáp. Giáp bị tòa phạt 7 năm tù.

Tới phiên tòa phúc thẩm ngày 15/4/2016, TAND tỉnh Quảng Ninh nhận định quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Giáp đều kêu oan, tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, nhân chứng đều khẳng định bị cáo Giáp oan. Cuối tháng 11/2016, Giáp được cho tại ngoại.

Sau gần 2 năm được tại ngoại, tháng 10/2018, Giáp lại bị bắt tạm giam để điều tra, sau đó TAND TP Móng Cái tuyên phạt Giáp 7 năm tù. Giáp kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23/9/2019, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên y án sơ thẩm phạt Giáp 7 năm tù. Giáp phải thi hành án phạt tù từ đó tới nay và vẫn một mực kêu oan.

Nguồn: [Link nguồn]

7 năm kêu oan cho anh trai và kỳ án cướp đò sông Ka Long: Kêu oan bằng lời của nhân chứng

Thạc sĩ Bùi Văn Khương cùng các luật sư cũng nhắm tới một chứng cứ quan trọng khác đó là có những người là nhân chứng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN