Vịt cỏ mê "mò".. sấu!
Vịt cỏ nấu sấu lạ miệng, thêm ít khoai môn sáp và nấm hương ngon mê mẩn.
Vịt cỏ kiếm ăn ngoài đồng còn trái sấu lủng lẳng trên cây. Nhờ một bàn tay, vịt "uống" chút nước sấu bỗng hóa... thiên nga.
Được biết, vịt cỏ là giống gia cầm thuần Việt, được nuôi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Thế nhưng không hiểu sao dân tây Nam bộ gọi “vịt Tàu”.
Có thể giống này ưa nhiều chuyện, tối ngày cứ “ù ù cạc cạc” suốt, làm người nghe cũng lùng bùng lỗ tai!
Xưa, người phụ nữ muốn chồng “trả bài” điểm 10, thường bắt vịt trời nấu cháo bồi dưỡng, có câu "thương chồng nấu cháo le le - nấu canh bông bí nấu chè hạt sen". Nay vịt trời khan hiếm, ta có thể lấy vịt cỏ thế!
“Tiễn” vịt cỏ, nhớ tặng củ gừng!
Nhưng cháo húp hoài cũng ngán. Vậy nên đổi sang món nấu sấu cho lạ miệng. Trước, sấu là trái gia vị tạo chua gần như “độc quyền” của người Hà Nội. Nay trái chua... nhăn mặt này vẫn có bán quanh năm ở Sài Gòn, nhờ kỹ thuật ủ muối hoặc trữ lạnh và vận chuyển thông suốt.
Nếu “gả” vịt cỏ cho nồi nước sấu nêm vừa miệng thì rất thuận hòa. Thêm ít khoai môn sáp và nấm hương để tăng độ béo, bùi lẫn ngọt tự nhiên. Rau ăn kèm cũng không khó tìm: rau muống trắng, rau nhút, bắp chuối bào...
Cũng đừng quên đĩa nước mắm gừng ngon. Gừng vừa là "ôsin" giỏi giang cho “cô chủ” vịt, vừa giúp khử tanh, trợ tiêu.
Mải mê vịt cỏ mò sấu!
Thường với bộ lòng và chân vịt, có các món xào mướp hương hoặc măng tươi thật ngọt nước. Riêng dược sĩ Bùi Kim Tùng gợi ý kiểu khác: xào chua ngọt với ít cà chua, ớt ngọt, hành củ. Món này giúp “bổ gân, ấm thận và mạnh ngũ tạng”.
Xin nói thêm, nếu bạn muốn chọn “chú” vịt cỏ đực thì chịu khó lắng nghe, hễ anh nào to tiếng khoe “nạc... nạc” (cạc cạc) thì chính hắn. Còn chị vịt cỏ đang đẻ, rờ vào phần mềm ở cổ sẽ nghe nổi cộm gân và hay làu bàu “cạp... cạp”.