Chuối "tiến vua" trấn Sơn Nam Hạ

Chuối tiến vua, món ăn tráng miệng sau khi ngự thiện nên được gọi là chuối Ngự.

Làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân xưa, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được nhiều người biết đến bởi đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Nhưng ít người biết rằng đây cũng là nơi duy nhất trồng được giống chuối ngon xếp đầu bảng trong hơn 30 giống chuối ở Việt Nam. Chuối tiến vua, món ăn tráng miệng sau khi ngự thiện (dùng bữa) nên được gọi là chuối Ngự.

Chuối Ngự có nhiều loại: Ngự Mít quả to, ruột vàng múi mít; Ngự Tía quả khi chín vỏ hơi lốm đốm vàng như chuối tiêu; Ngự Trâu quả to, dài từ 9 đến 12cm, mỗi buồng dài từ 45cm đến 100cm; Ngự miền Nam quả xanh như chuối tiêu, dài, thân cây màu tím…, nhưng ngon nhất vẫn là chuối Ngự Thóc trồng trên đất Đại Hoàng.

Tương truyền, loại chuối này có từ thời nhà Trần

"Quần thần bất triệu bất đáo
Tửu La, Ngự Tảo nguyệt nhi đáo"

(Quần thần, vua không triệu thì không được vào cung. Riêng rượu làng La, chuối Ngự làng Tảo thì mỗi tháng cung tiến hai lần)

Làng La và làng Cảo môn đều nằm trong phủ Thiên Trường xưa, nhưng Cảo môn nằm sát bờ sông Châu, đoạn đổ ra cửa sông Hồng, ngày xưa có tên là Hoàng Giang. Lâu dần, do sạt lở, đất từ bờ hữu chuyển sang bờ tả, dân cũng chuyển theo lập thành một làng mới lấy tên là Tảo môn-làng Đại Hoàng bây giờ.

Người xưa bảo chuối ngon là do đất. Chuối Ngự chỉ trồng trên đất cát pha. Nơi trồng chuối tốt nhất là nền đất ải, quanh bờ ao. Nhưng ngay ở mấy làng bên như Trung Kỳ, Phàn Nhị chuối cũng không ngon. Một số người của làng di cư lên Bắc Giang đem theo giống chuối để trồng cũng không có được hương thơm như trồng trên đất Đại Hoàng.

Chuối "tiến vua" trấn Sơn Nam Hạ - 1

Chuối Ngự quả chỉ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng tang, nuột nà, ruột vàng ươm, ăn vào ngọt dịu, thơm nức mũi.

Theo kinh nghiệm, đất trồng chuối phải chuẩn bị thật kỹ. Các hốc cây đặt cách nhau khoảng hai mét, ủ tro trấu, phân chuồng hoai mục xuống hốc. Chọn cây chuối giống cao khoảng 40 đến 50cm, không bị sâu bệnh. Sau khi đặt bầu chuối vào hốc, lấy đất bùn phủ quanh gốc.

Thời gian trồng chuối Ngự hợp nhất khoảng từ giữa đến cuối mùa xuân, sau một năm là có quả. Thời gian đầu phải thường xuyên giữ độ ẩm cho cây, sau một tháng khi cây bén rễ mới tưới phân. Ngày trước chỉ có phân bắc, phân chuồng, bây giờ có thêm phân vi sinh, phân lân trộn với bùn ao để bón.

Người trồng chuối nhìn tàu lá mà biết cần tăng giảm lượng phân cho phù hợp, dường như ngày nào cũng phải để mắt đến từng cây chuối, có bẹ già là bóc đi ngay, chớm có sâu phải tìm cách diệt trừ. Khi chuối đang thì con gái (chưa mang buồng) phải đóng cọc tre bên cạnh để chống giữ vì nếu khi mang buồng mới trồng cột đỡ thì cây sẽ bị "chột". Khi chuối Ngự trổ buồng phải lấy những tấm áo cũ mà trùm lên nó để tránh cho khỏi sương sa nắng gắt.

Cây chuối Ngự có dáng từa tựa như cây chuối goòng, chuối mật nhưng nhỏ hơn, mảnh mai hơn. Chuối Ngự quả chỉ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng tang, nuột nà, ruột vàng ươm, ăn vào ngọt dịu, thơm nức mũi. Thường các thứ hoa quả chín cây là ngon nhất, riêng chuối Ngự thì không thế. Khi chuối trổ buồng được 45 ngày, da quả chuối có hiện tượng lấm tấm phải hạ xuống ngay để dấm (ủ), nếu để quá trên cây sẽ bị nứt vỏ, chín không đều mà lại kém hương.

Các triều Trần, Lê kinh đô đóng ở Thăng Long, việc đưa chuối đi tiến vua bằng thuyền tương đối dễ dàng. Đến thời Nguyễn kinh đô ở Huế, đường xa thăm thẳm, người ta phải dùng ngựa để thồ chuối. Mỗi con ngựa chỉ thồ hai buồng, lấy lá tươi quấn kỹ từng buồng.

Lý trưởng hay Chánh tổng đi theo đoàn ngựa với một người của quan phủ, quan huyện, chừng năm đến sáu ngày thì mới vào tới kinh đô. Sau mỗi chuyến đi như thế, ông Lý hoặc ông Chánh được vua ban sắc phong cho chức cửu phẩm. Đến đời Tự Đức vì chiến tranh loạn lạc, nhà vua bỏ lệ tiến cống.

Dẫu bây giờ đất Đại Hoàng-Lý Nhân không còn nằm trong địa phận hành chính tỉnh Nam Định nhưng trong tâm thức dân gian, chuối Ngự Đại Hoàng vẫn được coi là đặc sản của Nam Định vì từ lâu chuối Ngự chỉ được bày bán ở chợ Rồng thành Nam.

Chính cái màu vàng óng ả, đặc biệt của chuối Ngự ở chợ Rồng đã trở thành nỗi ám ảnh ngọt ngào ùa vào trang viết của nhà văn Nguyễn Tuân: "Chợ Rồng đủ thứ miếng sống, miếng chín. Hoa, lá, quả tươi cũng đủ mà phơi khô cũng có.

Đủ các mặt hàng của núi, của sông, của biển, của đồng rừng, của đồng xuôi như bất cứ cái chợ lớn nào. Nhưng đặc sắc nhất của chợ Rồng mà không một chợ tỉnh nào sánh được là tơ tằm và chuối Ngự. Chuối chín vàng lụa, vàng chóe, màu mùa hoa hòe nở rộ vào giữa mùa thì chữ Hán ngày xưa cũng khó mà đọ được với vàng chuối, vàng tơ của chợ Rồng chói lọi. Cái màu vàng giãy nảy lên ấy tưởng chỉ có trong nghệ thuật và tranh màu chứ không ngờ nó lại ê hề giữa thiên nhiên và gian chợ tỉnh Nam ".

Cùng với kẹo Sìu Châu Nguyên hương, chuối Ngự đã trở thành món quà quý đối với du khách thập phương mỗi khi ghé thăm mảnh đất này. Và cũng chỉ những người sống ở thành phố Nam Định lâu năm mới sành ăn chuối Ngự. Nhìn hình dáng, người ta phân biệt được đâu là Ngự Trâu, Ngự mít, Ngự lai…Người nơi khác đến đều thấy tất cả na ná như nhau, dễ nhầm với chuối Cau, chuối quả nhỏ lấy giống từ miền Nam ra.

Nải chuối Ngự được coi là ngon phải hội tụ đủ cả các yêu cầu về hình, về hương, về sắc. Hình quả nhỏ, thon đều, vỏ chuối mỏng, mỡ màng, sắc vàng rộm tự nhiên, hương thơm dịu nhẹ và nhất thiết mỗi đầu núm chuối vẫn giữ nguyên được cọng râu dài.

Mỗi nải chuối như một bông hoa xòe cánh, đặt lên lòng cái đĩa sứ gia bảo, hỏi còn có gì xứng hơn trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày giỗ, Tết?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tú (Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN