Bánh vắt vai người Cao Lan
Loại bánh khá lạ với tôi, lạ từ hình thức đến tên gọi – bánh vắt vai. Một lần đến vùng cao Lục Ngạn (Bắc Giang) tôi đã may mắn được thưởng thức món ăn này của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Phải khó khăn lắm tôi mới đến được Đèo Gia sau gần ba giờ đồng hồ vật lộn với những ổ voi, ổ gà và con đường đất đỏ nhão nhoét. Nhưng đổi lại, tôi thấy thích thú bởi lần đầu được thưởng thức món bánh vắt vai độc đáo của đồng bào nơi đây. Thật tình cờ, hôm đó là ngày mùng 3.3 (âm lịch), với dân tộc Cao Lan thì đây là cái tết quan trọng trong năm (chỉ sau tết Nguyên đán) và bánh vắt vai là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình. Vào ngày này, thầy cúng Chung Văn Thảo (67 tuổi) cũng tất bật chạy sô hết bản nọ đến xóm kia để làm lễ tạ đất trời, cầu mong may mắn cho xóm làng và gia chủ, ông kể: Thường thì một năm người Cao Lan làm bánh vắt vai hai lần (tết Nguyên đán và mùng 3.3), ngoài thờ cúng tổ tiên đây còn là quà biếu. Vì thế bánh được thiết kế thành hai phần riêng biệt ở hai phần đầu, thắt ở giữa nên có thể vắt lên vai mang đi biếu người thân trong dịp tết, mang theo mình lên rẫy. Từ lâu, bánh vắt vai hiện diện như một nét văn hoá độc đáo của người Cao Lan.
Chuẩn bị lá gói bánh
Chị Đàm Thị Hồng, thôn Đồng Bụt vừa thoăn thoát nặn bánh vừa chia sẻ: Làm bánh vắt vai không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi phải khéo léo và có chút kinh nghiệm. Người Cao Lan quan niệm nếu năm nào được mùa lúa, ngô tươi tốt, vật nuôi đầy nhà thì họ sẽ làm nhiều bánh và ăn tết to hơn.
Màu sắc bánh vắt vai bên trong của người Cao Lan
Trong gia đình, làm bánh do phụ nữ đảm nhiệm, do vậy trẻ em gái từ khi lên tám đã được cha mẹ truyền dạy cách làm bánh. Nguyên liệu làm bánh vắt vai có gạo nếp Phì Điền (một loại gạo nương thơm ngon nổi tiếng ở Lục Ngạn), đường, đậu xanh, lá chuối, rau ngải cứu… Theo đó, để làm nên những chiếc bánh thơm ngon, ngọt bùi ấy, cần thực hiện các công đoạn sau: gạo nếp nghiền nhỏ bằng cối xay đá; lá ngải cứu luộc lẫn nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng, sau đó nghiền nhỏ và trộn cùng bột nếp.
Công đoạn nặn bánh khá đơn giản, làm sao để thành những viên tròn, rồi cho nhân bánh gồm đường, đậu xanh vào giữa. Dùng lá chuối tươi nướng qua trên than hồng để gói bánh. Khi gói xong, bỏ bánh vào nồi đưa lên bếp luộc cách thuỷ chừng hai giờ đồng hồ là bánh chín, vớt ra cho ráo nước là có thể dùng được. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải bảo đảm cả về hình thức và hương vị, có màu xanh của lá chuối, hương thơm của đậu xanh và lá ngải cứu, vị ngọt… sẽ thêm đậm đà, quyến rũ đến khó quên, nhất là đối với du khách đã một lần ghé thăm và ăn tết với đồng bào Cao Lan.