Xung đột mới làm thay đổi an ninh trên biển Hoa Đông

Vụ va chạm trên không gần đây giữa máy bay Nhật Bản và Trung Quốc và chính sách ngoại giao hạn chế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama có thể làm thay đổi môi trường an ninh trên biển Hoa Đông.

Biển Hoa Đông căng thẳng trở lại

Căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã leo thang trở lại khi các máy bay quân sự của hai quốc gia này đã bay cách nhau chỉ 30m vào cuối tuần qua. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 2 máy bay chiến đấu Su-27 của Bắc Kinh đã 2 lần bay cách 50m và 30m máy bay giám sát OP-3C và máy bay tình báo điện tử YS-11EB của Tokyo, khi các máy bay này đang thực hiện sứ mệnh thu thập thông tin.

Vụ việc xảy ra gần khu vực diễn ra cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga, tại vùng biển mà cả Bắc Kinh và Tokyo đều lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Phản ứng của hai nước đối với vụ việc rất nhanh chóng và mang tính chất kích động.

“Rất hiếm khi máy bay quân sự của Nhật Bản và Trung Quốc áp sát nhau trong một cuộc đối đầu” một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera sau đó gọi các hành động của Trung Quốc là “hoàn toàn sai lầm” và cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ đạo ông thực hiện những bước cứng rắn để đáp trả.

Ông Onodera cho hay, các máy bay của Nhật Bản không chịu giới hạn nào vì chúng bay trên vùng biển quốc tế và lực lượng phòng vệ nước này sẽ tiếp tục các hoạt động giám sát như trước. Ông cũng tiết lộ các chiến đấu cơ của Trung Quốc được trang bị tên lửa tại thời điểm xảy ra vụ va chạm.

Đáp lại, Trung Quốc nhanh chóng cáo buộc máy bay Nhật Bản xâm phạm vùng cấm bay, mà quân đội Nga và Trung Quốc đã thông báo vài ngày trước khi cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước này bắt đầu.

Ngày 25/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên án Nhật Bản về động thái này, đồng thời cáo buộc Tokyo đã vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và quy tắc toàn cầu. Điều này “có thể dễ dàng gây ra sự hiểu lầm và thậm chí dẫn tới một cuộc đụng độ trên không”. Bắc Kinh cũng đề nghị đàm phán với Tokyo về vụ việc và yêu cầu Nhật Bản “tôn trọng quyền hợp pháp của Hải quân Nga và Trung Quốc và dừng tất cả các hoạt động giám sát... Nếu không Nhật Bản sẽ chịu mọi hậu quả".

Xung đột mới làm thay đổi an ninh trên biển Hoa Đông - 1

Máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc.

Cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc đã kết thúc vào ngày 26/5. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang tiến hành các cuộc tập trận của Lực lượng phòng vệ mặt đất trên đảo Amami, ngoài khơi tỉnh Okinawa, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Các cuộc tập trận là một phần trong kế hoạch tái triển khai lực lượng phòng vệ của Nhật Bản, nhằm bảo vệ tốt hơn những quần đảo xa mà Tokyo cảm thấy bị đe dọa bởi âm mưu xâm chiếm từ Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản tuần trước đã thông báo kế hoạch đưa quân đội tới quần đảo Nansei, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 170km. Vào tháng Tư vừa qua, Nhật Bản cũng bắt đầu xây dựng một trạm radar và triển khai 100 quân nhân trên đảo Yonaguni, cách Senkaku 150km.

Mỹ công bố chính sách ngoại giao hạn chế

Việc Nhật Bản tăng khả năng tự lực chống Trung Quốc xâm lấn ở biển Hoa Đông có thể hiểu một phần là do họ phải miễn cưỡng phụ thuộc hoàn toàn vào đồng minh Mỹ trước đây. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố vào tháng Tư vừa qua rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được bảo vệ theo Điều 5 của Hiệp ước Mỹ-Nhật về Hợp tác an ninh, Tokyo vẫn tỏ ra miễn cưỡng đặt toàn bộ số phận vào khả năng của đồng minh để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản. Tokyo vẫn chưa tin tưởng Washington cam kết xoay trục sang Đông Á.

Sự lưỡng lự của Nhật Bản có thể thấy rõ. Tổng thống Obama dự định sẽ có bài phát biểu vào ngày 28/5 tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point. Trong bài phát biểu này, ông sẽ thông báo về chính sách ngoại giao mới hạn chế hơn. Thông tin được đưa ra khi ông Obama bất ngờ tới thăm quân đội Mỹ ở Afghanistan. Trong khi chính sách ngoại giao mới của Washington được đánh giá hợp lý với tình hình tại Syria, Ukraine cũng như Iraq và  Afghanistan, nó có thể sẽ không được chào đón tại Nhật Bản.

Nhà Trắng đã nhanh chóng giải thích rằng ông Obama sẽ lập luận chính sách ngoại giao mới không phải theo chủ nghĩa biệt lập mà theo “chủ nghĩa can thiệp và quốc tế”. Mặc dù vậy, những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ có thể khiến Nhật Bản xem xét lại tính toán an ninh trong khu vực của nước này. Nếu Mỹ muốn lùi lại và “tránh sai lầm” thì Nhật Bản phải bắt đầu xem xét lại họ bị ảnh hưởng như thế nào từ chính sách của Washington.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Phong (Theo Diplomat) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN