Xử lý thế nào khi gặp bom, đầu đạn?

Chuyên gia về vật liệu nổ hướng dẫn cách nhận dạng bom, đầu đạn và cách xử lý.

Xử lý thế nào khi gặp bom, đầu đạn? - 1

Hiện trường vụ nổ ở KĐT Văn Phú, Hà Đông khiến 4 người tử vong

Khoảng 15h10 chiều 19/3, tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, đã xảy ra một vụ nổ lớn.  Hậu quả vụ nổ làm 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ kính, nứt tường, bung cửa.

Kết quả xác minh điều tra của cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội cho thấy, nguyên nhân của vụ nổ là do ông Phạm Văn Cường (SN 1975, quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) dùng đèn khò phá vật liệu nổ dạng bom với mục đích lấy sắt vụn bán.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là những kim loại dùng để chế tạo bom.

Đặc điểm của vật bằng sắt hình trụ có đường kính khoảng 40 - 45 cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có 2 đai sắt hình vuông nhô ra và trên vật thể này có một số hình lạ mắt. Vật thể này có độ dài khoảng 80 cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg. 

Theo nhận định của Đại tá Nguyễn Tiến Nghi, Chủ nhiệm bộ môn Thuốc phóng – thuốc nổ, Học viện Kỹ thuật quân sự, vụ nổ do một quả bom có kích thước tương đối lớn còn sót lại sau chiến tranh.

“Vụ nổ tạo ra hố sâu 2m, rộng gần 4m và mức độ công phá trên diện rộng, tôi nghĩ nó chỉ có thể là một quả bom kích thước khá lớn. Mìn, đạn pháo không thể gây ra vụ nổ mạnh như vậy”, ông Nghi nói.

Đại tá Nghi cho biết, bom, mìn, đạn pháo có các cấp độ an toàn tuy nhiên những loại sót lại sau chiến tranh nguy hiểm hơn rất nhiều.

“Bom giải phóng ra khỏi máy bay thì chốt bảo hiểm đã mở giữa chừng. Qua thời gian bị bào mon, han gỉ, chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu bị tác động ngoại lực. Người dân khi gặp bất cứ một vật nghi là bom, mìn, đầu đạn, tuyệt đối không được cưa, cắt, đập phá”, ông Nghi cảnh báo.

Chuyên gia về thuốc nổ cho hay, nhận dạng cơ bản bom có hình trụ, thuôn tròn về hai đầu. Đạn pháo một đầu thuôn dài, một đầu phẳng. Mìn có hình dáng là một phần của hình trụ, lồi về phía trước.

Xử lý thế nào khi gặp bom, đầu đạn? - 2

Một số loại bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh VN (ảnh Triệu Quang)

Đại tá Nghi hướng dẫn người dân khi gặp bom, mìn, lựu đạn, đạn pháo hay vật nghi là vật liệu nổ gây sát thương cần phải làm theo quy trình sau: Tuyệt đối ko chạm vào vật tình nghi – Đánh dấu nguy hiểm tại khu vực đó và kêu gọi sự trợ giúp cảnh giới; cho ít nhất 1 người đứng cảnh giới không cho người khác lại gần. Người cảnh giới phải đứng sau vật che chắn vững chắc và đảm bảo khoảng cách an toàn; thông báo cho công an phường, xã, hoặc đơn vị quân đội gần nhất, để họ xử lý vật liệu nổ.

Theo số liệu thống kê năm 2015, trên cả nước hiện còn 800.000 tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Chỉ tính từ năm 1975 đến năm 2000 hơn 104.000 người chết, bị thương do tai nạn bom mìn, trong đó trẻ em chiếm 30%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Nổ lớn ở Văn Phú-Hà Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN