Tình yêu của cặp đôi “bút đàm”

Sự kiện: Thời sự

Chuyện tình yêu của vợ chồng anh Tài và chị Thanh không có những lời đường mật, không có những lời thề non hẹn biển. Tình yêu của họ chỉ thông qua những hành động, cử chỉ quan tâm, ánh mắt biết nói và... bút đàm.

Tình yêu của cặp đôi “bút đàm” - 1

Tuy thiệt thòi hơn nhiều người khác nhưng anh chị hạnh phúc bởi tình yêu không lời. ảnh : Đức Huy

Nói chuyện bằng giấy!

Vào một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tài (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Thúy Thanh (SN 1987, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Ngôi nhà của anh chị chỉ được dựng bằng những tấm ván đã cũ kĩ, mục nát, xuống cấp vì mưa nắng.

Tâm sự với chúng tôi về câu chuyện của gia đình mình, anh Tài không thể nói được mà trông cậy hoàn toàn vào một tờ giấy trắng cùng cây viết dính đầy mạt gỗ. Gương mặt hốc hác, đen nhẻm vì mưa nắng, anh Tài đưa tay viết nguệch ngoạc những dòng đầu tiên. Anh cho hay, anh là con đầu trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em ở mảnh đất Đắk Lắk đầy nắng gió. Từ khi sinh ra, anh đã thiệt thòi hơn các em khi bị câm điếc bẩm sinh. Cuộc sống đối với anh gặp muôn vàn khó khăn khi anh không thể trò chuyện, tâm sự được với mọi người. Hàng ngày anh chỉ lầm lũi, thu người vào thế giới riêng biệt, tách lập với bên ngoài.

Nhiều ngày nép mình vào sâu trong góc khuất, không bạn bè, không một mơ ước cho tương lai, cho gia đình và cho riêng bản thân mình. Nếu có, chắc cũng chỉ là mơ ước xa xỉ mà chính bản thân anh cũng không dám tin nó sẽ thành hiện thực. Nhưng vào một ngày, anh đã gạt bỏ đi những lo âu, suy nghĩ bi quan và quyết tâm thoát khỏi thế giới cô độc ấy. Anh mạnh dạn xin bố mẹ đi học nghề mộc trên TP Buôn Ma Thuột. Đến năm 20 tuổi, anh Tài lại tiếp tục xin bố mẹ về TP Hồ Chí Minh để trau dồi thêm kiến thức. Qua thời gian dài học hỏi, trải qua bao khó khăn, vất vả, đến năm 2008 anh về lại Đắk Lắk học thêm nghề gỗ mỹ nghệ tại trường dạy nghề dành cho người khuyết tật của tỉnh.

Yêu bằng ánh mắt

Tình yêu của cặp đôi “bút đàm” - 2

Ngôi nhà nhỏ nhưng chất chứa niềm hạnh phúc ngập tràn của hai vợ chồng khiếm thính. Ảnh: Đức Huy

Anh Tài với đôi mắt rưng rưng, có lẽ vì cảm giác hạnh phúc vẫn còn nguyên vẹn như những ngày đầu, anh tiếp tục đưa đôi tay run run viết tiếp câu chuyện tình yêu của đời mình. Nhớ về ngày ấy, khi theo học tại trường dạy nghề, anh đã có duyên gặp gỡ người con gái tên Thanh (giờ là vợ anh), cũng bị câm điếc bẩm sinh và đang theo học tại lớp may. Hai con người với hai gia đình khác nhau nhưng cùng chung một cảnh ngộ. Tuy họ kém may mắn, nhưng dường như họ cảm thông và thấu hiểu được nỗi lòng của nhau.

Những ngày đầu mới quen, họ chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt ngại ngùng và âm thầm quan tâm lấy đối phương. Dần dần họ đã trở nên thân thiết hơn, những cử chỉ quan tâm, lo lắng cho nhau ngày một nhiều lên theo thời gian. Họ không trao cho nhau những lời nói ngọt ngào, những câu từ có cánh, mà họ gửi tình cảm đến nhau thông qua ánh mắt, sự quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất. Tình yêu bình dị, ấm áp ấy cứ thế lớn dần, lớn dần theo ngày tháng mà hai con người dường như không nhận ra.

“Ngày gặp Thanh, tôi cảm thấy cuộc sống của mình đã bước sang một trang mới. Chúng tôi đều bị khiếm thính như nhau nên có thể dễ dàng đồng cảm với nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Thời khắc đó, tôi nhận ra đây chính là người phụ nữ sẽ đi cùng mình đến suốt cuộc đời”, anh Tài tâm sự qua những nét chữ trên giấy.

Viết tiếp chuyện tình yêu của mình, anh Tài không giấu được sự xúc động trên gương mặt với đôi mắt sáng ngời. Anh nhớ lại quãng thời gian 1 năm tìm hiểu, yêu nhau với bao khó khăn vất vả, nhưng hai người đã cùng nắm tay nhau vượt qua. Sau bao tháng ngày gian truân ấy, hai người đã đưa ra quyết định là chọn cho mình điểm dừng, đó là một đám cưới, cùng với lời chúc phúc của hai bên gia đình.

Hai con người bất hạnh về sống cùng nhau đã gặp rất nhiều khó khăn khi họ phải tự đứng lên bằng đôi chân và sức lực của mình. Anh Tài hàng ngày vừa đi học, vừa đi phụ nghề mộc để kiếm thêm thu nhập. Còn chị Thanh phải dậy từ sớm để lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, sau đó đi làm thuê ở xưởng may để giúp chồng chút ít về tài chính. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng anh chị luôn động viên, an ủi nhau cùng cố gắng vượt qua. Cứ thế, cứ thế câu chuyện tình yêu của hai con người khiếm thính được dệt lên.

Nghìn trang không chép nổi

Đến năm 2013, gia đình hai bên hay tin chị Thanh đã mang thai. Mọi người vui mừng thì ít mà lo lắng thì nhiều, bởi ai cũng sợ em bé sinh ra sẽ không cảm nhận được âm thanh, cũng không bày tỏ được nỗi lòng mình như bố mẹ. Đến khi chị trở dạ, mọi người như nín thở trông chờ điều kì diệu. Rồi cái giây phút vỡ òa hạnh phúc cũng đến khi mọi người hay tin bé trai đầu lòng chào đời mạnh khỏe và bình thường như bao đứa trẻ khác. “Khi hay tin con khỏe mạnh, tôi chỉ biết òa khóc, bởi biết rằng ông trời sẽ không bất công với bất kỳ ai”, những nét chữ pha lẫn giọt nước mắt hạnh phúc của anh Tài.

Để có tiền chăm sóc vợ con, anh Tài đã chắt chiu từng đồng để mở một xưởng mộc tại nhà. Anh ngày ngày cặm cụi với những khúc gỗ vô tri vô giác để tạo nên những hình thù sống động, có hồn. Do thương yêu đôi vợ chồng trẻ nên mọi người thường giới thiệu nhau đến xưởng mộc của anh Tài để làm. Thông qua bà con hàng xóm và khách hàng cũ, xưởng mộc của anh chị ngày một đông khách, sản phẩm bán ra ngày một nhiều hơn.

Tuy nhiên, cuộc sống của đôi vợ chồng chỉ đủ sống qua ngày, nhưng khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh tựa mình, anh Tài không kiềm được lòng đã nhận những hoàn cảnh khó khăn về dạy nghề. Chị Thanh không những không ngăn cản chồng mình mà luôn bên cạnh, sát cánh ủng hộ những điều chồng làm. Từ ngày về xưởng mộc của anh Tài, những hoàn cảnh bất hạnh từ con người tự ti đã dần trở nên hòa nhập với mọi người và có nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Vừa lo cho các học viên bất hạnh, vừa lo cho gia đình, dường như mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai người đàn ông ấy. Hiểu và muốn san sẻ cho chồng mình nên khi con trai đã cứng cáp hơn, chị Thanh gửi con vào nhà trẻ và đi may thuê tại cơ sở may ren màn, rèm cửa trên địa bàn với mức thu nhập 100.000 đồng/ngày. Nhưng với mức thu nhập đó, không đủ trang trải cuộc sống của cả nhà. Thương chồng, thương con và không muốn phụ thuộc vào gia đình hai bên nên chị Thanh đành để lại con nhỏ cho chồng chăm sóc rồi một mình xuống TP Hồ Chí Minh làm thuê.

Từ ngày chị Thanh đi, anh Tài vừa gánh vác trọng trách của một người bố, vừa đảm nhận thiên chức của một người mẹ. Cứ mỗi sáng thức dậy, anh đều lo cho con ăn uống, chuẩn bị cặp sách, sau đó đưa con đến trường. Chiều xuống, với bộ đồ cũ nhàu, nhem nhuốc bụi gỗ, anh lại vội vã đến trường đón con. Cái hạnh phúc của anh, trăm nghìn trang giấy nào tả nổi?

Anh Tài nghẹn ngào viết trên trang giấy: “Được nhìn thấy con vui vẻ, khỏe mạnh và lớn lên từng ngày như thế này là điều tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Tôi chỉ mong cả gia đình khỏe mạnh và sống hạnh phúc vui vẻ bên nhau”.

Cuộc sống khó khăn trăm bề của cặp vợ chồng ”bác-cháu” có 1 không 2 ở Hà Nam

Ông Học ngày một già đi, 3 đứa trẻ vẫn phải chăm bẵm, bú mớm, người vợ kém chồng 43 tuổi phải đứng lên làm trụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Huy- Bình Minh (Gia đình & Xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN