Phận tù mang án chém đầu ở Ả-rập Xê-út

Nhiều tội nhân ở Ả-rập Xê-út vô cùng kinh ngạc khi biết sẽ bị đưa đi chém đầu công khai, vì họ đinh ninh tội của mình không đáng bị trừng phạt thảm khốc như vậy.

Việc Abdullah Fandi al-Shammari, một tù nhân người Ả-rập Xê-út, bị đưa ra chặt đầu vào ngày 5/2/2013 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Shammari trải qua 30 năm sống trong tù với tâm trạng lo lắng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Và điều này đã thành sự thật khi gia đình nạn nhân từ chối tha thứ cho ông.

"Trường hợp này là ví dụ điển hình cho sự thiếu hụt nghiêm trọng về tính minh bạch, công bằng", ông Philip Luther, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho biết.

Shammari chỉ mới 23 tuổi khi bị bắt vì làm cho đồng nghiệp Saudi Moojab bin Mohammed Al Rashidi tử vong bằng cách dùng gậy đánh vào đầu anh này. Phiên tòa xét xử kéo dài trong 5 năm cho đến khi tòa án phán quyết cái chết của Rashidi là ngoài ý muốn, Shammari không cố ý giết người. Shammari đã được thả sau khi bồi thường đầy đủ cho gia đình nạn nhân theo đúng pháp luật.

Nhưng người thân của al-Rashidi phản đối phán quyết này và làm đơn kháng cáo. Shammari sau đó bị bắt trở lại và bị kết tội giết người với mức án tử hình bằng hình thức chém đầu vào năm 1992.

Theo luật pháp Ả-rập Xê-út, số phận Shammari sẽ do con trai của al-Rashidi quyết định khi trưởng thành, nếu người con trai không chấp nhận việc bồi thường thì cái chết với Shammari là điều tất yếu. Cuối cùng, mọi nỗ lực nhằm chuộc lỗi với gia đình nạn nhân của ông đã thất bại.

Phận tù mang án chém đầu ở Ả-rập Xê-út - 1

Al-Shammari bị đưa ra chặt đầu vào ngày 5/2 vừa qua, sau 30 năm sống trong tâm trạng sợ hãi. (Nguồn: Dailymail )

Là một tù nhân, Shammari luôn được khen ngợi vì sự gương mẫu của mình. Ông không chỉ học thuộc lòng Kinh Qur'an mà còn thuyết phục các tù nhân khác cũng làm như vậy. Ông cũng bỏ hút thuốc và góp phần cải thiện hành vi cho hàng trăm tù nhân khác.

Điều khiến nhiều người càng trở nên bất bình là Shammari không hề được tiếp cận bất kỳ thông tin và không nhận được bất kỳ sự trợ giúp pháp lý nào nên đã không thể kháng cáo đối với bản án trước khi nó được xác nhận bởi Tòa Phá án (Court of Cassation).

Đây cũng là điều mà một nữ phạm nhân người Sri Lanka tên là Rizana Nafeek phải chịu. Cô đã bị chặt đầu tại một thị trấn nhỏ bụi bặm cách thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út khoảng 200 km về phía tây, cách nơi mình sinh ra hàng ngàn km.

Rizana Nafeek đến Ả-rập Xê-út năm 2005 làm người giúp việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng sau đó, cô đã trải qua 7 năm tiếp theo trong các nhà tù Ả-rập Xê-út khi bị buộc tội giết chết đứa con 4 tháng tuổi của chủ nhà và bị kết án tử hình. Chủ nhà cho biết Nafeek đã bóp cổ đứa bé khi cho nó ăn và không ai quan tâm đến lời phủ nhận của Nafeek khi cô nói rằng nó vô tình bị nghẹn sữa.

Các nhóm nhân quyền cũng như chính phủ Sri Lanka đã kịch liệt lên án vụ hành quyết và vận động chính quyền Ả-rập Xê-út thả công dân của mình ra, hoặc ít nhất cũng thể hiện sự khoan hồng. Họ lập luận rằng tòa án đã không chú ý đến tờ giấy khai sinh Nafeek trong quá trình điều tra. Theo đó, cô chỉ mới 17 tuổi ở thời điểm xảy ra vụ án năm 2005 - độ tuổi không phải chịu hình phạt tử hình trong bất kỳ tình huống nào theo quy định của luật pháp quốc tế. Hộ chiếu nhập cảnh ghi con số 23 tuổi lúc đó không chính xác vì đã bị làm giả để tiện cho việc xuất khẩu lao động.

Phận tù mang án chém đầu ở Ả-rập Xê-út - 2

Những phạm nhân như Rizana Nafeek (ảnh phải) có thể bị kết án chỉ dựa trên lời thú tội do bị tra tấn hoặc ngược đãi, cưỡng ép hay lừa dối (Nguồn: isrilankan.com)

Ngoài ra, Nafeek không được gặp gỡ bất kỳ vị luật sư nào trong quá trình thẩm vấn. Nafeek cũng khẳng định mình đã bị tra tấn và buộc phải ký vào một lời thú nhận tội lỗi trong tình trạng bị cưỡng ép.

Hầu hết các thủ tục tố tụng pháp lý ở Ả-rập Xê-út đều diễn ra sau những cánh cửa đóng kín. Bị cáo hiếm khi có luật sư bảo vệ quyền lợi và có thể bị kết án chỉ dựa trên lời thú tội do bị tra tấn hoặc ngược đãi, cưỡng ép hay lừa dối. Đã có nhiều lời cáo buộc rằng việc sử dụng các hình thức tra tấn khủng khiếp đối với người bị tạm giam rất phổ biến, đặc biệt là vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử đối với phụ nữ, người lao động di cư…

Bị cáo hiếm khi có luật sư bảo vệ quyền lợi và có thể bị kết án chỉ dựa trên lời thú tội do bị tra tấn, cưỡng ép hay lừa dối - đó là kịch bản chung của các phạm nhân bị hành quyết bằng phương pháp chặt đầu ở Ả-rập Xê-út, đất nước duy nhất trên thế giới hiện vẫn áp dụng phổ biến hình phạt này.

Dưới đây là một kịch bản điển hình: Một công nhân đến từ Pakistan bị cáo buộc giết người hoặc buôn ma túy. Cảnh sát đến, bị cáo được đưa đến đồn cảnh sát. Họ bị đặt câu hỏi không ngừng, không được ăn, không được ngủ, bị biệt giam và tra tấn nếu họ từ chối "thú nhận" tội ác của mình mà không cần biết thực tế thế nào. Sợ hãi và kiệt sức, tù nhân đành nhắm mắt ký vào bản "xưng tội" bằng tiếng Ả Rập trong khi không thể đọc và hiểu tờ giấy đó viết gì.

Họ bám vào hy vọng rằng vấn đề có thể được giải quyết khi họ gặp luật sư bào chữa cho mình. Nhưng thực tế, họ đã phải đối mặt với tòa án mà không có lấy một luật sư và thẩm phán định đoạt tội lỗi hoàn toàn trên cơ sở những lời thú nhận sai lầm của họ. Thậm chí nhiều khi nếu không có sự hỗ trợ của thông dịch viên, họ còn chẳng biết kết quả như thế nào khi kết thúc phiên tòa.

Điển hình, tháng 4/2005, 6 thanh niên người Somali đã vô cùng kinh ngạc và hoảng loạn khi bị đưa ra chặt đầu công khai vào một buổi sáng trong khi lúc nào cũng đinh ninh rằng tội cướp bóc của mình phải chịu mức án 5 năm tù (cộng với những trận đòn). Họ chỉ biết được sự thật trước khi bị hành quyết vài tiếng đồng hồ.

Ả-rập Xê-út có tỷ lệ các vụ hành quyết bằng phương pháp chặt đầu khá cao. Chính phủ nước này áp dụng án tử hình chém đầu cho một loạt tội phạm, bao gồm cả các hành vi phạm tội ma túy, bỏ đạo hay hành nghề phù thủy. Rất nhiều tội trong số đó không rơi vào danh mục “tội ác nghiêm trọng nhất” theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bị trừng phạt  theo cách ghê rợn này.

Và cho dù họ là người nước ngoài hay công dân Ả-rập Xê-út thì đặc điểm chung của những người này đều là nghèo hoặc đến từ các nước nghèo.

Đón đọc bài Nghề đao phủ: Tâm sự của người trong cuộc vào 19 giờ ngày 3/4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Vũ (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN