Không cấm ô tô, xe máy, dân thuê xe đạp làm gì?

Một người muốn đến khu trung tâm liên hệ công việc phải gửi xe cá nhân rồi thuê xe đạp. Điều này rất phiền phức.

Các chuyên gia trong ngành giao thông, vận tải cho rằng, một bộ phận rất ít khách du lịch sẽ sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng. Rất khó để coi xe đạp công cộng là giải pháp giảm tải giao thông.

Muốn đi xe đạp, phải cấm ô tô, xe máy

Tiến sĩ Đinh Thanh Bình (Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT) cho rằng, các khu trung tâm này muốn phát triển xe đạp công cộng, chắc chắn sẽ phải cấm xe máy, ô tô.

"Không cấm ô tô, xe máy cá nhân, người ta thuê xe đạp công cộng để làm gì?" – TS. Bình đặt câu hỏi.

Nhà nghiên cứu quy hoạch giao thông cho hay, một số nước, để khuyến khích người dân đạp xe, họ khoanh vùng khu vực cấm các loại xe khác. Nếu không cấm, sẽ chỉ có một lượng rất ít khách du lịch thuê xe đạp. Điều đó không đem lại hiệu quả gì trong việc chống ùn tắc.

Theo TS Bình, có thể phải tạo ra những khu phố chỉ cho đi bộ hoặc xe đạp. Nhưng nơi này phải mang tính đặc thù, chỉ đơn thuần dành cho khách du lịch. Còn những khu vực trộn lẫn cả du lịch lẫn cả cơ quan hành chính, việc cấm xe cá nhân sẽ gây bất tiện không nhỏ.

"Một người muốn đến khu vực đó đi làm hoặc liên hệ công việc, phải gửi xe cá nhân của họ rồi thuê xe đạp đi vào. Điều này rất phiền phức." - Bà Bình nói.

Cũng theo TS Bình, một vài khu phố cổ Hà Nội vẫn có thể thí điểm xe đạp công cộng. Tuy nhiên, điều này chưa thể mang lại hiệu quả giảm tải giao thông ngoài việc tạo hình ảnh, thói quen tốt đối với người dân.

"Muốn phát triển rộng rãi giao thông xe đạp, nhà nước sẽ phải xây dựng hạ tầng riêng cho nó." – TS Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) phân tích: Hiện nay, tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt tại 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM, lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao. Sau 2015, thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN chỉ bằng 0. Nguy cơ bùng nổ ô tô cá nhân là rất cao.

Ông Thanh thừa nhận, các nhà chính sách tìm kiếm giải pháp đối phó với nguy cơ đó là cần thiết. Nhưng hạn chế, cấm đoán, hay dùng xe đạp thay thế vẫn không phải là giải pháp mang tính chiến lược. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là hạ tầng giao thông.

Theo ông Thanh, có thể trong tình thế giao thông trước mắt, các nhà làm giao thông đang tạm thời thử nghiệm. Nhưng nếu thử nghiệm, chỉ cần triển khai tại 1 trong 2 thành phố lớn nhất là được.

"Người ta sẽ đi cái gì đến khu vực trung tâm? Nếu đi phương tiện cá nhân, họ sẽ để ở đâu?" - Ông Thanh đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, muốn phát triển dịch vụ xe đạp tại khu vực Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, trước hết phải sắp xếp lại trật tự ở đây.

Cũng theo ông Thanh, tại Hà Nội và TP. HCM, đi xe đạp trên đường rất nguy hiểm. Cho nên, dù chỉ khu vực nhỏ, muốn phát triển xe đạp, vẫn phải tính toán làm đường riêng cho nó.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thừa nhận, một cách mà xe đạp công cộng có thể phát huy hiệu quả hiện nay là dùng cho người dân di chuyển từ điểm xe buýt nọ sang điểm xe buýt kia. Chẳng hạn, một người đang đi trên xe buýt số 17 muốn chuyển sang tuyến số 18, họ phải xuống một điểm và di chuyển sang điểm khác đón xe. Dịch vụ cho thuê xe di chuyển giữa các điểm này có thể sẽ được nhiều người sử dụng.

"Dù gì, đi xe đạp công cộng không phải là giải pháp đem lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc." -  Ông Thanh quả quyết.

Muốn thuê xe đạp, phải gửi xe máy

Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng, ý tưởng sử dụng xe đạp tham gia giao thông là tốt. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM vẫn chưa đáp ứng được mục đích này.

Không cấm ô tô, xe máy, dân thuê xe đạp làm gì? - 1

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: "Sẽ rất ít người thuê xe đạp để đi"

Theo ông Liên, các thành phố này sẽ lại phải tính chuyện xây dựng bến bãi đỗ xe đạp, mà điều này rất khó thực hiện. Đơn cử như khu vực Bờ Hồ, phố cổ Hà Nội giờ không còn diện tích trống. Các bãi đỗ xe trên phố cổ đã chật kín.

Ông Liên đánh giá, chủ trương phát triển dịch vụ xe đạp công cộng trước mắt chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cho một số ít khách du lịch. Sẽ rất ít người thuê xe đạp để đi. Người ta thuê xe ôm hoặc tự đi xe máy cũng có thể đi dạo phố. Theo đó, Nhà nước nên tạo cơ chế khuyến khích các nhà hàng, khách sạn mở dịch vụ cho khách du lịch thuê xe đạp sử dụng.

Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, hiện nay, phí gửi xe máy, ô tô đã cao ngất nhưng các đơn vị trông coi vẫn liên tục đòi tăng giá. Nếu mở thêm những điểm cho thuê xe đạp, hiệu quả kinh tế chưa hẳn đã cao bằng việc kinh doanh trông giữ xe.

Ông Liên cũng cho rằng, nếu chỉ phục vụ khách du lịch, chỉ cần phát triển loại xe điện đang được sử dụng trên phố cổ là phù hợp. Bao giờ hệ thống vận tải công cộng có thể đưa người dân nhanh chóng đến khu trung tâm, tự khắc họ sẽ tự bỏ xe máy, lên xe buýt, tàu điện và sẵn sàng thuê xe đạp để đi.

Ông Liên nêu vấn đề: Một người muốn thuê xe đạp đi dạo phố cổ, trước hết phải tự đi xe máy hoặc ô tô từ nhà lên trung tâm. Họ không thể đi xe buýt vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Đến đây, họ lại phải tìm chỗ gửi ô tô, xe máy. Sau đó, mới có thể thuê xe đạp để đi.

"Chúng ta muốn phát triển xe đạp trong khi xích lô là phương tiện khá hiệu quả ở phố cổ lại đang bị đề nghị dẹp đi." - Ông Bùi Danh Liên nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN