Hồi ức của “cha đẻ” những con tàu không số

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ thì đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử như một huyền thoại góp phần làm nên thắng lợi của cuộc giải phóng miền Nam.

Gắn liền với huyền thoại đó là đoàn tàu “Không số” (TKS). Và với ông Trịnh Xương (sinh năm 1935 tại Thanh Hóa) - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ tàu thủy Việt Nam, Trưởng ban thiết kế TKS năm xưa - mỗi thời điểm lên ý tưởng cho con tàu và thực hiện nó là thêm một lần khẳng định tinh thần yêu nước, yêu nghề và là sự minh chứng cho niềm tin của các đồng chí lãnh đạo với ông và nhóm thiết kế.

“Cha đẻ” của đoàn tàu Không số

Giờ thì “cha đẻ” của những chuyến TKS đã cận kề tuổi 80. Nhóm 4 người thiết kế TKS, người còn người mất, nhưng chỉ số ít người dân là biết đến “sứ mạng” lịch sử của họ. Vừa bắt đầu cuộc chuyện, ông Xương “đính chính” luôn: “Một số bài báo ghi không đúng rằng, khi được giao thiết kế con tàu, tôi không biết là thiết kế con tàu làm gì. Bởi các yêu cầu về trọng tải, về hình dáng được Phó Thủ tướng Phạm Hùng đưa ra bàn bạc rất nhiều. Tất cả các thành viên tham gia cuộc họp đều cùng đóng góp ý kiến về con tàu 100 tấn này. Và tôi có thời gian suy nghĩ hai tuần để trả lời về phương án thiết kế con tàu”.

Sau 5 năm miệt mài học tập tại Trường Chuyên nghiệp đóng tàu Thượng Hải (Trung Quốc), ông cùng một số cán bộ kỹ thuật và kỹ sư hoàn thành nhiệm vụ lần lượt trở về nước phục vụ cách mạng.

Ký ức ngày nào bất chợt ùa về qua chất giọng Hà Nội trầm ấm, ông Xương nhớ lại: Vào đầu năm 1961, Hội nghị T.Ư họp bàn đưa ra nhận định về việc Mỹ-Ngụy leo thang chiến tranh tại chiến trường miền Nam và phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Địch đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn nhằm chặt đứt con đường tiếp viện của ta từ miền Bắc vào Nam bằng đường bộ.

Hồi ức của “cha đẻ” những con tàu không số - 1

Ông Trịnh Xương - trưởng nhóm thiết kế tàu không số - vẫn nhớ như in những thời khắc khó khăn khi khai sinh đoàn tàu không số. Ảnh: Lê Thơm

Ngay lúc đó, ban lãnh đạo T.Ư Đảng đã họp khẩn cấp và vạch ra nhiệm vụ bằng mọi giá phải chi viện được cho miền Nam. Ý tưởng chiếc tàu vận tải lớn trên biển được gợi ra và Phó Thủ tướng Phạm Hùng có trách nhiệm cùng các đồng chí khác trong ban lãnh đạo chỉ đạo thiết kế, xây dựng. Đó là một con tàu trăm tấn chở được vũ khí hạng nặng, chịu được sóng gió cấp 8 - 9, nhiên liệu có thể chạy 20 - 30 ngày, chở được ít nhất 12 thuyền viên nhưng mục tiêu phải nhỏ gọn. Tàu vừa có thể đi ra công hải, vừa đi ven bờ và chạy nhanh khi quân Mỹ tấn công.

Một yêu cầu quả là khó khăn ấy được đích thân Phó Thủ tướng Phạm Hùng giao cho nhóm thiết kế. Nhận nhiệm vụ - ông Xương vừa tự hào, nhưng đồng thời cảm thấy trách nhiệm đè nặng. Ngay lập tức, ông đã cùng các kỹ sư Đinh Ngọc Liễn, Lương Văn Triết,... tìm mọi cách để giải bài toán đố về hình dáng, kết cấu của con tàu. Sau nửa tháng trăn trở, suy nghĩ, ông cùng đồng nghiệp đã phác thảo nên chiếc tàu có trọng tải 100 tấn. Được cấp trên ủng hộ và đồng ý cho xây dựng tiếp thiết kế sơ bộ nên chỉ 1 tháng sau đó, nhóm đã hoàn thành và đáp ứng được yêu cầu đặt ra của tổ chức, hình tuyến được chuyển gấp đến xưởng đóng tàu số 3 (Hải Phòng) để thi công. Cấu tạo chung của tàu bao gồm 3 hầm (1 hầm lái và 2 hầm hàng). Và cũng từ xưởng đóng tàu này, 6 chiếc tàu 100 tấn đã lần lượt ra đời.

Những con tàu làm nên huyền thoại

Theo ông Xương, từ chiếc thứ 7, khâu thi công được chuyển giao lại cho nhà máy đóng tàu Tam Bạc (Hải Phòng). Sau khi hoàn thành chiếc tàu thứ 13, việc thi công được di chuyển sang Thượng Hải (Trung Quốc), ông Xương phải trực tiếp sang đó theo dõi quá trình đóng tàu.

Đến tận giờ, ông Xương vẫn chưa quên cảm giác hồi hộp, lo lắng đến nghẹt thở khi đưa TKS đầu tiên hạ thủy. “Ngày đó không có máy móc để vẽ, mọi tính toán đều được làm thủ công. Từ lúc đưa ra ý tưởng đến hoàn thành con tàu đầu tiên là trong vòng 3 tháng. Chiếc tàu hạ thủy thành công và đi chuyến đầu tiên cập bến an toàn là thông tin tuyệt vời nhất trong đời mà tôi từng nhận được” - ông Xương tâm sự.

Theo ông Xương, toàn bộ những con tàu đóng xong được giao cho Đoàn 759 anh hùng (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) phụ trách khai thác. Nhờ vậy mà một lượng lớn vũ khí đã được chở vào chiến trường miền Nam để mở nhiều chiến dịch, trận đánh tại mặt trận phía Đông và Tây Nam Bộ. Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công số lượng tàu trên trở thành “cú hích” tạo đà cho những thắng lợi vang dội của ta trong những năm sau đó.

Hồi ức của “cha đẻ” những con tàu không số - 2

Tàu không số góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam (ảnh tư liệu)

Trước diễn biến phức tạp của cuộc chiến tại miền Nam, trong khi quân giặc tìm mọi cách leo thang chiến tranh, chúng cho quân phong tỏa, chặn đánh tất cả các cửa ngõ vào miền Nam hòng ngăn chặn mọi sự chi viện cho miền Nam. Trước tình hình đó, nhóm thiết kế được yêu cầu phải thiết kế loại tàu vừa đảm bảo vũ khí, hàng hóa vào miền Nam nhưng đồng thời che mắt được địch. Lập tức, nhóm đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ cho đóng gấp rút loại thuyền vỏ gỗ có trọng tải 3 - 5 tấn giả dạng là tàu đánh cá của ngư dân. Chiếc tàu này được thiết kế hai đáy. Đáy dưới giấu vũ khí, còn mặt trên vẫn được ngụy trang như một tàu cá để qua mặt các cuộc kiểm tra của quân địch. Đề xuất một lần nữa được chấp thuận.

Theo ông Xương, ngay lúc đó, các tỉnh phía bắc có nghề đóng tàu thuyền được triệu tập tham gia chiến dịch đóng tàu. Theo thiết kế sẵn, hàng nghìn chiếc tàu chiến với vỏ bọc tàu cá đã hoàn thành. Suốt một thời gian dài, những chiếc tàu đánh cá này đã âm thầm đưa người và vũ khí vào sâu trong tiền tuyến.

Nói về những chiếc tàu biến hình, ông Xương vẫn chưa thể lý giải nổi khả năng kỳ diệu của con người, mà ông cùng với đồng nghiệp đã miệt mài sáng tạo nên. “Có lẽ tuổi trẻ, lòng yêu nước, sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo đã khiến chúng tôi làm được việc đó” - ông chia sẻ. Thậm chí, chính ông Xương cũng bất ngờ trước sức mạnh của những “đứa con” không tên. “Sau này, khi Mỹ công khai các báo cáo, tôi mới biết Mỹ đã từng mất 3 ngày truy đuổi một TKS mà không bắt được” - ông Xương tự hào chia sẻ.

Nói là đoàn tàu Không số, nhưng chiếc tàu nào cũng có số hiệu đầy đủ như: Tàu 43, tàu 54, tàu 198... song để giữ bí mật, các con tàu này không sơn số hiệu lên tàu.

Trên những chuyến tàu ấy, trong suốt gần chục năm từ 1961 đến 1975, hàng vạn lượt người cùng hàng ngàn tấn vũ khí, thuốc men từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Thơm (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN