Chuyện chưa kể về người nhà giàn giữ biển

Ăn trên sóng biển, ngủ gối đầu lên sóng, đối đầu với sóng dữ và bão tố giữa trùng khơi là công việc thường nhật của những người lính nhà giàn DK1 giữ biển cho Tổ quốc.

Vượt lên gian khổ, tất cả họ đều vui vẻ, sẵn sàng hy sinh để giữ bằng được biển của quê hương, chủ quyền của Tổ quốc...

Xa vợ 1/4 thế kỷ

Tôi đã gặp PGS - TS Phạm Ngọc Nam - Chủ nhiệm thiết kế công trình nhà giàn tại thềm lục địa phía nam của nước ta. Vừa từ vùng biển đóng chân của các nhà giàn trở về, ông Nam hối hả chuẩn bị tài liệu để báo cáo khi ông và những đồng đội của minh vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về hạng mục công trình quân sự năm 2012. Ông Nam cho biết, thực tiễn chiến tranh vệ quốc của dân tộc, đối phương tấn công ta phần lớn là từ đường biển nên cần bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ hướng biển.

Ý tưởng xây dựng nhà nổi được Đô đốc Giáp Văn Cương - đô đốc đầu tiên của lực lượng Hải quân trình lên Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Đề tài được thông qua, ông Nam được giao làm chủ nhiệm thiết kế. Ngày 6/11/1988, đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa để thăm dò và lấy tên là DK1 có nghĩa là dầu khí 1, còn các giàn khoan là DK2. “Đây là tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. DK1 là đỉnh cao của chiến lược phòng thủ biển, bảo vệ đất nước từ hướng biển” - ông Nam nói.

Các nhà giàn chốt giữ trên bãi san hô ngầm ở thềm lục địa phía nam, khu đặc quyền kinh tế, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, để bảo vệ tài nguyên của đất nước. Đây là công trình có một không hai vì các nhà khoa học trên thế giới đều thừa nhận chinh phục biển cũng khó chẳng kém gì bay vào vũ trụ. Kể từ ngày đi khảo sát để đóng các nhà giàn, cho tới bây giờ đã tròn 1/4 thế kỷ, ngần đó năm ông phải xa vợ con.

Ông tâm sự, hết khảo sát đến thiết kể thi công, rồi lại gia cường, đóng mới, giờ đã có 3 thế hệ nhà giàn, lúc nào tôi cũng lênh đênh trên biển. Mọi công việc gia đình, nuôi dạy 3 con nên người, thành đạt đều một tay vợ tôi làm cả. Có những lúc con vào viện mà mình phải khoác ba lô lên đường, đành để vợ chăm con một mình... Bà Vỹ - vợ ông Nam, là con gái Hà Nội gốc, nay đã ở cái tuổi sắp 70, chỉ cười và nói: “Biết làm sao được, Tổ quốc cần thì mình phải chấp nhận thôi. Tôi không làm được những điều như ông nhà tôi đã làm, nhưng lúc nào cũng động viên để nhà tôi làm cho tốt nhất. Vì nhà giàn, vì đất nước, nếu cần, tôi sẵn sàng chờ đợi hết cả cuộc đời”.

Hoãn việc trăm năm. Đi cùng chúng tôi trong chuyến biển vừa qua có thiếu úy Nguyễn Văn Cường, mới 24 tuổi. Lần đầu ra nhà giàn làm nhiệm vụ, Cường cũng say sóng nghiêng ngả, nhưng chẳng thấy anh kêu ca hay phàn nàn một câu nào khi bị sóng hành. Cường nhận nhiệm vụ ra làm chính trị viên nhà giàn DK1-16 cũng tương đối bất ngờ, nên những dự định trăm năm của mình đành phải gác lại.

Chuyện chưa kể về người nhà giàn giữ biển - 1

Thiếu úy Nguyễn Văn Cường đã gác chuyện trăm năm của mình vì nhiệm vụ của Tổ quốc.

Cường tâm sự" Quê em ở Hà Tĩnh, bố em mất sớm. Em và Dung yêu nhau được 7 năm rồi, chúng em gặp nhau từ khi đi thi Đại học Sư phạm Huế, nhưng sau đó em lại chọn Trường Sĩ quan chính trị để theo học. Ra trường, em nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn DK1, Dung cũng vào Vũng Tàu làm giáo viên cấp 3.

“Chúng em đang chuẩn bị cưới, nhưng đùng một cái em nhận được lệnh đi làm nhiệm vụ, thế là chỉ kịp đi đăng ký kết hôn rồi hoãn lễ cưới lại. Cái hôm hoãn cưới, bọn em cũng hơi buồn, nhưng biết làm sao được, khi đã là lính DK rồi thì lúc nào cũng sẵn sàng ra biển. Ngay trong đơn vị em, trước kia có những anh cưới xong, cô dâu về nhà 3 ngày rồi mà chú rể vẫn lênh đênh trên biển vì gặp bão. Lần này em ra biển nhưng rất yên tâm, vì Dung không phải đơn độc một mình, vì ở thành phố biển này, vợ em cũng đã có gia đình họ hàng, có đơn vị và có cả những người đồng đội của em ở bên cạnh những lúc khó khăn” - người lính trẻ trải lòng.

Sau những ngày ở biển về, tôi liên lạc với cô giáo Dung, khi nói về việc hoãn lễ cưới để cho Cường đi biển, cô chỉ cười và nói: “Chúng em biết phải gác việc lứa đôi lại vì nhiệm vụ, vì đất nước mà. Chúng em còn trẻ, em chỉ mong anh ấy lúc nào cũng làm tròn nhiệm vụ”.

Giữ biển bằng trái tim

Có đặt chân lên nhà giàn DK1 mới cảm nhận được nó nhỏ bé biết nhường nào giữa biển khơi, và cả sự nhòm ngó của các thế lực thù địch. Nhưng kể từ khi những nhà giàn này được định vị, thì lớp lớp chiến sĩ Hải quân Vùng B đã nhiều lần vượt qua sự hung hãn của biển khơi và cả những âm mưu thù địch. Bởi họ đã giữ biển, giữ nhà giàn bằng chính trái tim mình.

Trong cái đêm duy nhất chúng tôi được nghỉ lại trên nhà giàn DK 1- 18, giữa tiếng sóng đại dương ầm ùa, thiếu tá Nguyễn Đăng Hùng trút tâm sự của mình qua những vần thơ hết sức mộc mạc: “Và từ đó những người con của biển/ Lại tới đây lấy sóng làm nhà/ Cho hạt cát cũng mang hồn Tổ quốc/ Tổ quốc ở nơi này có tên gọi DK...”.

Đời người lính hải quân ở nhà giàn, hầu như không có phút nào không phải đối mặt với sóng gió. Ở nước ta có bao nhiêu cơn bão, thì nhà giàn lĩnh trọn ngần đó lần bão đổ. Và chính những cơn bão ác nghiệt đó đã nhiều lần cướp đi sinh mạng những người lính nhà giàn.

Vừa chống chọi với cơn bão số 1 xong, đại úy Cao Đức Cảnh - Chính trị viên nhà giàn DK1-17 tâm sự: Chuyện bão đối với nhà giàn là đương nhiên, nhưng ứng phó với bão như thế nào để không rời bỏ vị trí chiến đấu là cả một nghệ thuật và lòng quyết tâm.

Nhớ lại những giờ phút đương đầu với bão, đại úy Cảnh kể: Trên nhà chúng tôi có Trạm khí tượng Huyền Trân. Nhận được tin cơn bão số 1 có đường đi phức tạp, sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, DK1-17 nằm ngay trên đường đi của bão, cấp trên cũng chỉ đạo căn cứ vào tình hình, nếu thấy mất an toàn thì thực hiện phương án xuống tàu trực tránh bão. Chúng tôi đã tiến hành hội ý và ra quyết tâm bám trụ nhà giàn đến cùng, dù sóng to gió lớn thế nào cũng không được rời vị trí chiến đấu, vì rất có thể đối phương sẽ lợi dụng tình hình thời tiết này để xâm nhập lên nhà giàn...

Sau đó chúng tôi triển khai những phương án ứng phó đã được huấn luyện, chuẩn bị từ trước. Ngày 7.1, bão đổ bộ xuống khu vực nhà giàn, ban đầu chỉ là những con sóng cao khoảng 7m đánh từ từ vào nhà giàn, nhưng đến 21 giờ thì bão ập tới. Từng đợt sóng to như trái núi bổ vào nhà giàn, sóng đánh đến tận sàn công tác cao khoảng 20m so với mặt nước biển, nhà giàn rung lắc liên hồi. Trước sức gió bão lớn như vậy, trung tâm chỉ huy Vùng 2 đã lệnh cho chúng tôi xuống tàu tránh bão để đảm bảo an toàn.

Nhưng toàn nhà giàn đã quyết tâm xin bám trụ lại, phát huy tinh thần quyết tử bảo vệ nhà giàn của những đàn anh đi trước. Sau một đêm hoành hành với những trận sóng đánh tới tấp, sáng hôm sau bão yên, người thì an toàn, nhưng nhà của chúng tôi cũng tơi tả, nhiều vật dụng của anh em cũng bị sóng gió cuốn đi... Sau cơn bão, DK1-17 nhận được lời tuyên dương của lãnh đạo Vùng 2 vì đã quyết tâm vượt qua bão dữ...

Thiếu tá Nguyễn Đăng Hùng - chỉ huy nhà giàn DK 1- 18 tâm sự: Sống ở nhà giàn là khắc nghiệt nhất vì toàn bộ ăn trên sắt, ngủ trên sắt, nhưng đối mặt lớn nhất là sự thiếu thốn tình cảm. Cứ mỗi khi tết đến anh em chỉ thèm gọi một tiếng mẹ ơi, bố ơi, nhưng cũng chẳng liên lạc được về nhà. Nhưng đã là lính nhà giàn rồi chúng tôi luôn tự hào là những người bảo vệ phên giậu của Tổ quốc. Với các chiến sĩ ở đây, tổ quốc chỉ bình dị là sự bình yên của DK chứ chẳng phải là một sự xa xôi khó định hình nào đó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Tưởng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN