Bình Phước: Bắt PGĐ Sở Tư pháp và Tài chính

Giám đốc quỹ phát triển đất cũng bị bắt vì cùng liên quan việc bán 323 ha cao su.

Sáng 22/2, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng ông Nguyễn Tuấn Cảnh - phó giám đốc Sở Tư pháp kiêm giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Trung tâm đấu giá), ông Trương Văn Phẩm - phó giám đốc Sở Tài chính (chủ tịch Hội đồng định giá) và ông Trần Minh Luân - giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bình Phước (nguyên trưởng phòng Giá-quản lý công sản, Sở Tài chính tỉnh Bình Phước). Ba người này bị bắt để điều tra về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi bị bắt một ngày, cơ quan chức năng đã đình chỉ sinh hoạt Đảng với các ông này.

Bán 323 ha cao su gây thất thu ngân sách


Ba cán bộ trên bị bắt vì liên quan đến việc bán đấu giá 323 ha cao su để làm đường Lộc Tấn - Bù Đốp. Đây là một trong ba vụ án mà Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án trước đó.

Tháng 6/2012, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương phát hiện việc giảm 30% giá đất khi bán đấu giá 323 ha cao su không xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm thất thu ngân sách hàng chục tỉ đồng. UBKT Trung ương đề nghị làm rõ quy trình bán đấu giá các lô cao su này có dấu hiệu thông thầu hay không, trách nhiệm của Sở Tài chính và Thường trực UBND tỉnh Bình Phước…

Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, tháng 3/2008, tỉnh Bình Phước lập ban chỉ đạo thực hiện dự án do chủ tịch tỉnh làm trưởng ban và một phó chủ tịch làm phó ban. Hội đồng định giá bán cao su tạo quỹ đầu tư làm con đường trên do ông Phẩm làm chủ tịch, một phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và chủ tịch huyện Bù Đốp làm phó chủ tịch. Ngoài ra còn có đại diện các sở, ngành liên quan.

Bình Phước: Bắt PGĐ Sở Tư pháp và Tài chính - 1

Sáng 22/2, cơ quan công an bắt giam ba lãnh đạo sở, ngành đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân

Bình Phước: Bắt PGĐ Sở Tư pháp và Tài chính - 2

Xe cảnh sát đi thực hiện lệnh bắt phó giám đốc Sở Tài chính

Sau khi khảo sát, hội đồng định giá thống nhất xác định giá của ba lô cao su (diện tích 31,3 ha) bán đấu giá thí điểm bình quân 353 triệu đồng/ha. Ngày 25/8/2010, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt mức giá khởi điểm trên. Hai tháng sau, UBND tỉnh Bình Phước lại phê duyệt, giảm giá khởi điểm xuống còn bình quân 264 triệu đồng/ha và bán đấu giá cho các cá nhân.

Từ việc bán đấu giá ba lô cao su nói trên, tháng 3/2011, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục phê duyệt kết quả bán đấu giá hơn 292 ha cho ông LVS với số tiền hơn 73 tỉ đồng. (Trong khi đó, dư luận cho rằng tại thời điểm trên, giá thị trường cao su là 400 triệu đồng/ha).

Việc giảm giá, bán thí điểm rồi bán thẳng số cao su nói trên có dấu hiệu sai phạm, thông thầu nên UBKT Trung ương đề nghị làm rõ.

Người định giá lại trúng đấu giá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc chuẩn bị nội dung phục vụ đoàn kiểm tra Trung ương, Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ hồ sơ tham gia đấu giá thì phát hiện ông VHP (phó phòng Tài chính Công ty Cao su Lộc Ninh) là người tham gia định giá tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá. Sau đó, ông này trúng đấu giá hơn 10 ha. UBND tỉnh cho rằng đây là sai sót của Trung tâm đấu giá và Sở Tài chính trong quá trình giám sát việc tổ chức bán đấu giá. Bởi khi tham gia đấu giá, ông P. chỉ ghi địa chỉ nơi thường trú mà không ghi chức vụ, nơi công tác nên Trung tâm đấu giá và Sở Tài chính không phát hiện ông P. đã tham gia định giá tài sản trước đó.

Ngoài ra, ông N.S.Th. (phó giám đốc Công ty Cao su Lộc Ninh) là thành viên hội đồng định giá cũng trúng đấu giá 12,6 ha (sau đó ủy quyền cho ông P. tham gia hội đồng định giá).

Hiện UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi các quyết định giảm giá và bán thẳng diện tích 323 ha cao su trên. Theo nguồn tin của PV, hiện cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ việc tổ chức bán đấu giá có thông thầu hay không và có thực hiện đúng quy định hay không.

Ngày 22/2, một lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Trong ba vụ án đã khởi tố (giao hơn 6.200 m2 đất liền kề không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp giá 72 ha rừng cây giá tỵ không đúng quy định và bán 323 ha cao su gây thất thoát) thì hai vụ việc đầu cơ bản đã được khắc phục hậu quả. Còn về việc xử lý cán bộ có liên quan như thế nào vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý theo quy trình chứ không bị “chìm xuồng” như dư luận phản ánh.

Họ nói gì trước khi bị bắt?

Vào 7 giờ 30 sáng 22/2, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Trương Văn Phẩm - phó giám đốc Sở Tài chính trao đổi về các dấu hiệu sai phạm trong việc định giá 323 ha cao su, ông Phẩm chỉ ngắn gọn: “Tôi đang làm việc với cơ quan điều tra tại phòng làm việc, tôi chỉ có thể nói là mọi việc hội đồng định giá thực hiện theo đúng quy trình”. Sau đó, điện thoại của ông Phẩm không liên lạc được.

Trước khi bị bắt hai ngày, ông Nguyễn Tuấn Cảnh cho rằng việc Trung tâm đấu giá liên đới chịu trách nhiệm trong giảm giá tài sản là không phù hợp. Bởi trước khi bán đấu giá, hội đồng định giá đề nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh giảm 30% giá đất và tiếp tục thực hiện việc đấu giá và được UBND tỉnh đồng ý. Việc định giá và giảm giá tài sản là do hội đồng định giá, sự tham mưu của Sở Tài chính và sự toàn quyền quyết định của UBND tỉnh nên trung tâm này không có trách nhiệm liên đới trong giảm giá tài sản.

_____________________________________________

Hiện vụ việc các cơ quan pháp luật đang tiến hành điều tra làm rõ, khi nào có kết luận cụ thể các sai phạm, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy mới có hướng xử lý. Hiện Thường trực Tỉnh ủy vẫn đang theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của UBKT Trung ương trong việc khắc phục các sai phạm. Về cơ bản, các vụ việc đã được khắc phục hậu quả, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra thì phải chờ.

Ông VÕ ĐÌNH TUYẾN, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN