Trung Quốc lo ngại Mỹ đưa máy bay, tàu chiến tới Biển Đông

Theo tờ Sydney Morning Herald, Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành tuần tra bằng máy bay quân sự quanh các đảo mà Trung Quốc tiến hành cải tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông lại “dậy sóng”

Thông tin này ngay lập tức đã gây phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13.5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh “cực kỳ quan ngại” về kế hoạch của Mỹ cân nhắc triển khai các tàu chiến và máy bay quân sự tới các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ cũng ngạo ngược khẳng định mọi hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là “hợp pháp, hợp lý”.

Trung Quốc lo ngại Mỹ  đưa máy bay, tàu chiến tới Biển Đông - 1

Hình ảnh một khu vực cải tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.  SMH

Theo nguồn tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang xem xét gửi tàu quân sự của Mỹ và máy bay hoạt động trong vòng bán kính 22km đối với những hòn đảo mà Trung Quốc đang đơn phương cải tạo phi pháp. Nguồn tin nhận định, động thái này của Mỹ sẽ trực tiếp thách thức những nỗ lực của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực tranh chấp bằng việc cải tạo trái phép các hòn đảo trên Biển Đông.

Trung Quốc hiện đang tiến hành cải tạo nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo và xây dựng các sân bay và căn cứ quân sự trên đó. Điều này khiến các quan chức quân đội Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh đang âm mưu chiếm giữ tuyến đường biển mang tính chiến lược trong khu vực.

Trước đó, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harris Jr. từng cáo buộc rằng, “Trung Quốc đang xóa bỏ cảnh quan tự nhiên trên các bãi đá đó bằng việc dựng lên một Vạn lý trường thành bằng cát tại đây. Trong nhiều tháng qua, họ đã liên tục sử dụng máy nạo vét và máy ủi để tiến hành cải tạo các bãi đá”.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng mình có quyền cải tạo các bãi đá mà nước này ngang nhiên cho là “nằm trong lãnh thổ của mình”. Bắc Kinh cũng không ngần ngại tuyên bố kiểu lấp liếm rằng, các căn cứ được xây dựng tại đây sẽ phục vụ “mục đích cứu trợ thiên tai, nghiên cứu khoa học và đảm bảo an ninh hàng hải”.

Phía Mỹ nhấn mạnh, Washington đang làm tất cả để đảm bảo quyền tự do hàng hải trong một khu vực đóng vai trò then chốt đối với thương mại toàn cầu. Washington cũng đang tiến hành nhiều biện pháp để củng cố sự hiện diện tại châu Á- Thái Bình Dương. Đô đốc Harris Jr. vào tháng 3 vừa qua đã tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ điều động tới 60% các hạm đội của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020 và tăng cường hợp tác với Ấn Độ. Tháng 3 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Mỹ thông qua một chiến lược nhằm đối phó với những hành động sai trái của Trung Quốc trong khu vực.

Kế hoạch nói trên của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cần sự phê chuẩn của Nhà Trắng.

Trung Quốc muốn cả Biển Đông

Trên thực tế, không chỉ có Mỹ lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á cũng kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng đi đến ký kết COC. Mới đây Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng kêu gọi Trung Quốc không lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Tờ Giải phóng (Liberation) của Pháp cho rằng, trong số ít nhất 7 hòn đảo nhỏ trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, cơi nới diện tích có đảo Đá Chữ Thập của Việt Nam bị biến dạng nhiều nhất. Tờ Liberation cho hay chi phí cho việc cải tạo hòn đảo này có thể lên đến 12 tỷ USD.

Nhận định về việc Trung Quốc đang tăng tốc bồi đắp đảo trên Biển Đông, bà Valerie Niquet - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp cho rằng, mục đích của Bắc Kinh là để mở rộng diện tích họ chiếm giữ, cho dù theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đường băng sân bay hay hải cảng không là cơ sở cho tính chính đáng của một quốc gia trên một lãnh thổ. Các cơ sở đó sẽ giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện lực lượng bảo vệ bờ biển trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội tàu đánh bắt cá của họ có thể mở rộng ngư trường xa hơn xuống phía Nam.

“Tuy nhiên, đây chỉ là trò lừa đảo, có giá trị hình ảnh nhiều hơn là thực tế. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào tự do lưu thông trên tuyến đường biển này, Bắc Kinh không có khả năng thực sự để kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông và Hoa Đông” - bà Valerie Niquet nhận định.

 Theo bà Valerie Niquet, Trung Quốc muốn toàn bộ vùng Biển Đông thành chủ quyền của mình. Họ có phương tiện kinh tế và con người để nhân rộng thêm các điểm cắm chân ở Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Hoàng- Hạ Anh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN