​Vay nợ nhiều, giá điện khó giảm

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày 21/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác dẫn đầu, đã kiểm tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại cuộc kiểm tra, nhiều ý kiến đề nghị công khai, minh bạch giá điện. Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.

EVN chiếm 37% nợ vay được Chính phủ bảo lãnh

Theo báo cáo của EVN, trong số 153 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, EVN đã hoàn thành 129 nhiệm vụ (100%) đúng thời hạn, 24 nhiệm vụ còn lại vẫn còn trong thời hạn thực hiện.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục cho hay, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt một số ý kiến, trong đó yêu cầu EVN phải bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế, cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, tích cực các giải pháp cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới…

​Vay nợ nhiều, giá điện khó giảm - 1

Chính phủ yêu cầu EVN bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân... Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thủ tướng cũng lưu ý EVN về công tác vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Bởi trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc gây bức xúc như 4 học sinh bị đuối nước, tử vong tại khu vực hạ lưu Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên); sự cố công trình Thủy điện Sông Bung 2 vào tháng 9/2016 khiến 2 công nhân tử vong và làm thiệt hại nhà cửa, tài sản của dân. Tổ công tác đề nghị EVN báo cáo có giải pháp để nâng cao chất lượng các công trình điện vận hành an toàn, ổn định hệ thống, không để sự cố xảy ra thiệt hại tài sản nhân dân vùng hạ lưu cũng như bảo đảm đến an toàn cung cấp toàn bộ hệ thống điện.

Thủ tướng cũng yêu cầu EVN báo cáo về tiến độ đầu tư của các dự án EVN như một số dự án trong quy hoạch điện 7 chậm so dự kiến. “Đề nghị EVN báo cáo có giải pháp gì huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho nền kinh tế”, ông Lục nói. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu báo cáo về kết quả tái cơ cấu EVN.

“Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Cuối 2015 nợ vay được Chính phủ bảo lãnh khoảng 26 tỷ USD, trong đó EVN chiếm 37%”, ông Lục nói và yêu cầu EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư.

Báo cáo với tổ công tác, Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho hay, về cơ bản EVN đã thoái vốn xong khỏi ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hiện EVN không có đầu tư ngoài ngành, chỉ còn 15% cổ phần trong Cty cổ phần tài chính điện lực, đang làm thủ tục thoái vốn toàn bộ. Thời gian tới, trọng tâm là tiếp tục cổ phần hóa các tổng công ty phát điện. Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết thêm, một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu nhưng hiện nay các dự án này đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định, góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện trong 6 tháng đầu năm.

​Vay nợ nhiều, giá điện khó giảm - 2

Giá điện có thể tăng nhưng phải minh bạch. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giá điện phải minh bạch

Liên quan đến vấn đề giá điện, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay, người dân đang “rất kêu ca” về việc này. Dù thực tế, giá này do Chính phủ, Bộ Tài chính, Công Thương, xem xét nhưng cũng xuất phát từ ngành điện nên EVN phải xem lại. “Hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN chưa cao, vì tổng doanh số cao nhưng chi phí lớn”, ông Thừa nhận xét. Đối với khoản nợ 9,7 tỷ USD từ năm 2015, ông Thừa cho đây là gánh nợ lớn cho tập đoàn trong hạch toán, điều hành. “Nợ thế này tính vào giá thành nên buộc phải cao thôi”, ông Thừa nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành điện thời gian qua làm tương đối tốt vấn đề công khai, minh bạch giá điện. Ông Hải cũng thừa nhận hiện vẫn có băn khoăn của người dân, của các cấp các ngành, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi tại sao giá điện lại như vậy? “Quan điểm của tôi là giá có thể cao, tăng có thể lớn nhưng phải rõ ràng”, ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, giá điện hiện nay vẫn chưa theo thị trường và còn rất rẻ so với khu vực. Chưa kể đến, điện vẫn còn được trợ giá ở nhiều nơi. “Chúng ta phải đồng thời yêu cầu tiết kiệm và công khai minh bạch trong vấn đề giá điện. Nhưng ngành điện còn phải gánh thời kỳ trước dù lãi gộp và lãi thuần tăng khá nhưng hậu quả tài chính của 8- 10 năm trước đến giờ này vẫn chưa xong. Phải có cơ chế chính sách phù hợp luật pháp hiện hành để ngay trong năm 2017 này xử lý được hậu quả tài chính 10 năm trước”, ông Tuấn lưu ý.

Đề cập vấn đề xả lũ, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết, EVN sẽ thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương. Theo ông Thành, Nghị quyết của Quốc hội về phiên chất vấn kỳ họp thứ hai đã nêu rõ, nếu các nhà máy thủy điện vận hành không bảo đảm được quy trình, ảnh hưởng đến an toàn của người dân, gây thiệt hại đến tài sản của người dân thì phải chịu trách nhiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Kiên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN