Chỉnh sắc màu da, bỏ tiền mua… nhầm lẫn

Người xấu còn thành đẹp, thì xá gì chuyện da đen thành trắng, da trắng thành nâu, da nâu thành… da gì cũng được miễn sao đủ tiền.

Cách đây ít lâu, một tờ báo mạng giật tít rất sốc “Chân dung tân hoa hậu nước ngoài có làn da trắng gần bằng người mẫu T.”. Vậy đó, vài mươi năm trước, ai có làn da trắng tự nhiên, được trầm trồ “Da trắng như Tây”. Giờ, đã ngược lại, “Tây trắng gần bằng ta”.

Y học tiến bộ, chỉ cần có tiền và chấp nhận chịu đau thì bất cứ cô gái nào cũng có thể trở thành xinh xắn như diễn viên Hàn Quốc đã qua phẫu thuật thẩm mỹ để tung tăng trên sóng truyền hình. Người xấu còn thành đẹp, thì xá gì chuyện da đen thành trắng, da trắng thành nâu, da nâu thành… da gì cũng được miễn sao đủ tiền.

Chỉnh màu da – cỡ nào cũng được

Phụ nữ không xinh, da có thể không đẹp. Nhưng phụ nữ đẹp, thì da bắt buộc phải xinh. Đương nhiên, da trắng sẽ xinh hay da nâu sẽ đẹp là tùy theo quan niệm của từng người. Kiểu như ca sĩ Đoan Trang một dạo, tự dưng da đang bình thường, phút chốc trở thành làn da chocolate, hát thêm bài hát của nhạc sĩ Quốc Bảo nhan đề "Chocolate" lập tức được phong tặng danh hiệu "Ca sĩ Chocolate". Nhắc đến Đoan Trang, người ta không gọi tên, chỉ gọi bằng "nickname" nhờ màu da y như thực phẩm nhiều chất ngọt ấy.

Chỉnh sắc màu da, bỏ tiền mua… nhầm lẫn - 1 Chỉnh sắc màu da, bỏ tiền mua… nhầm lẫn - 2

Trước đây da phải nâu như Đoan Trang mới đẹp, thì nay phải trắng như da Ngọc Trinh mới là sang

Hết Đoan Trang, đến lượt Phi Thanh Vân… Tiếp tục là ca sĩ Tuấn Hưng, rồi hàng loạt nam thanh nữ tú khác của làng giải trí Việt. Da ai cũng tuyền một màu nâu nâu y như vừa được vớt lên từ một thùng chocolate nóng ẩm, tan chảy. Phổ thông hóa tên gọi của cuộc "cách mạng màu da" trong làng giải trí, người ta gọi tắt đi thành "nhuộm da".

Thế nhưng, khi một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về ung thư công bố thông tin gây chấn động rằng những người nhuộm da trước năm 30 tuổi thì khả năng mắc chứng ung thư da cao gấp 75% những người không nhuộm da. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sau 30 tuổi mới nhuộm da thì sẽ không làm tăng nguy cơ gây ung thư da.

Thông tin trên đã làm tắt ngúm đi cơn nóng do màu nâu mang lại, mà cũng có thể, đã qua thời của da nâu nên người ta không quan tâm. Chứ một khi đã máu làm đẹp, thì ai lại đi lo lắng chuyện sẽ bị tác dụng phụ của các lần nhuộm da hay tẩy da.

Da là gì ?

Da là… da chứ còn là gì nữa! Cấu trúc của da chia thành nhiều lớp: Lớp bề mặt gọi là thượng bì, được chia thành lớp sừng (lớp ngoài cùng bảo vệ da), lớp sáng, lớp hạt (nơi sản xuất ra chất keratin, có tác dụng làm da săn chắc), lớp gai. Sau đó đến hạ bì (lớp đáy hay lớp mầm). Lớp đáy là nơi sản xuất ra melanin, có vai trò ngăn chặn tia cực tím gây hại cho cơ thể.

Melanin là sắc tố quyết định màu sắc của da, màu tóc, màu mắt. Người càng nhiều melanin thì da càng sạm đen. Khi lượng melanin ở lớp đáy da tăng đột biến, chúng sẽ dần trồi lên trên bề mặt da và hình thành những nốt ruồi hoặc những vệt nám. Nói một cách ngắn gọn, nốt ruồi hay nám da chính là biểu hiện của sự tăng đột biến lượng sắc tố melanin ở lớp đáy da.

Nguyên nhân gây ra sự tăng đột biến melanin ở hạ bì thì có nhiều: Do mang thai, uống thuốc ngừa thai, do cơ địa, do rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, theo thống kê, có hơn 70% trường hợp nám da là do tác động của ánh nắng mặt trời. Thêm vào đó, thói quen sử dụng kem làm trắng da hoặc các mỹ phẩm được quảng cáo là sẽ làm cho làn da thêm mịn màng đã góp phần bào mòn da, da trở nên yếu ớt, dễ bị tổn thương dưới ánh nắng nên càng làm tăng nguy cơ sạm, nám.

Hết da nâu, giới có tiền thích chuyển màu da sang trắng. Càng trắng càng tốt. Qua thời càng trắng càng tốt, đến thời "da trắng phải tươi". Da trắng tuyền, long lanh như ngọc, cảm giác của người khác nhìn vào màu da lập tức suy nghĩ, da sáng đến mức mong manh dễ vỡ. Tẩy trắng hay tắm trắng không mang lại hiệu quả da trắng đến long lanh. Trắng đến mức, "Tây còn trắng gần bằng ta" thì đủ hiểu.

Đắp mặt nạ vàng, mặt nạ kim cương, mặt nạ ngọc trai… Thậm chí là cái loại mặt nạ tào lao được quảng cáo đầy trên mạng Internet, với chiết suất từ… đàn ông, không thể đáp ứng nhu cầu "trắng thuần tự nhiên thanh khiết". Hơn nữa, đắp mặt nạ thì chỉ đắp được ở một khoảng diện thích nhỏ trên cơ thể. Không ai rảnh đến mức đắp toàn thân. Thế nên, người ta bắt đầu nâng cấp da bằng cách… tiêm thuốc làm trắng da.

Giới ca sĩ, người mẫu... nổi tiếng nhanh chóng lao vào cuộc chơi mang tên "làn da tiêm thuốc". Có gì là ngạc nhiên đâu, khi cô người mẫu hôm qua còn đen thui, hôm nay đã sở hữu làn da trắng đẹp còn hơn trứng gà luộc bóc vỏ. Cô ca sĩ khác, bỏ tiền mua vé máy bay, sang tận nước ngoài để tiêm melamin cho chắc ăn hơn là tiêm tại các thẩm mỹ viện hay trung tâm spa trong nước…

Tham khảo dò hỏi mãi, mới được người quen có cô chị là chủ một spa lớn nói mơ mơ hồ hồ. Để da trắng thuần khiết bằng cách tiêm thuốc làm trắng da, cần thiết phải tiêm khoảng 6 mũi. Mỗi mũi giá ở trung tâm thẩm mỹ của châu Á như Hàn Quốc có giá khoảng 6.000 USD. Ở Việt Nam, giá phải cao hơn vì là thuốc ngoại nhập.

Nhẩm tính, chỉ riêng tiền thuốc làm trắng da đã hòm hòm hơn 700 triệu đồng quy đổi theo tiền Việt. Đó là không tính những khoản chi phí khác để giữ gìn sắc da. Vì, có loại hình chỉnh da nào mà không đi kèm các "phụ kiện" chăm sóc theo định kỳ tính bằng tuần hoặc tháng.

Ông vua nhạc pop đã quá cố Michael Jackson, cho đến cuối đời vẫn cứ phải nâng niu làn da hơn cả cách nâng niu giọng hát vì đã quyết định chuyển hẳn từ da đen sang da trắng. Đương nhiên, người mẫu hoặc ca sĩ không hẳn ai cũng đủ tiền để tiêm thuốc làm trắng da bởi chi phí quá đắt. Nhưng không sao, vì nếu người mẫu hoặc ca sĩ không có tiền, thì người mà họ gọi là "tình nhân" sẽ chịu chi phí cho những lần "bơm thuốc vào da" ấy.

Còn tiêm thuốc làm trắng da có nguy hại như nhuộm da, tẩy da… hay không thì ai mà biết được. Đơn giản, đây là trào lưu mới và chưa thấy cơ quan, tổ chức nước ngoài nào đưa ra các thông tin khuyến cáo. Bác sĩ Sơn, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện quận 5, nói: "Theo quan niệm của đa số phụ nữ Việt Nam, thì da đẹp phải là một làn da trắng mịn vì ngoài việc nhìn thấy trẻ hơn, họ còn dễ dàng trong việc chọn lựa trang phục. Các phương pháp trị nám hiện nay chỉ làm giảm tạm thời vết nám chứ không thể tác động để hạn chế sự sản sinh melanin ở lớp đáy da. Vì vậy, vết nám chỉ mờ đi rồi sau một thời gian, melanin ở lớp đáy da sẽ trồi lên thay thế, nám lại tiếp tục tái phát. Việc lạm dụng mỹ phẩm để lột tẩy vết nám còn làm vết nám tái phát nhanh và nặng hơn trước, vì làn da trở nên mỏng manh hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi ánh nắng hơn".

Sẵn tiện, cũng nói nốt. Có một điều khá ngộ là, ngoại trừ các bác sĩ chuyên khoa da liễu trả lời hỏi đáp thắc mắc của bạn đọc các báo hoặc giải thích khi được phóng viên hỏi đến. Còn lại, rất ít khi thấy các cơ quan y tế của Việt Nam đưa ra khuyến cáo cho những tác hại của việc thay đổi sắc màu da, toàn thấy các tổ chức y tế nước ngoài đưa ra lời cảnh báo.

Hay tại, các tổ chức y tế nước ngoài rảnh rỗi nên nghiên cứu lung tung, còn tổ chức y tế nước mình trăm công nghìn việc, nên hơi đâu quan tâm vào cái chuyện "ai ngu chết ráng chịu" (?!).

Trắng, nhưng coi chừng ăn… quả đắng

Để làm trắng da, nhiều thẩm mỹ viện đã quảng cáo phương pháp "tắm trắng" - nghĩa là lấy đi lớp da bề mặt bằng các phương pháp như dùng hóa chất để lột tẩy, hoặc dùng một số mỹ phẩm điều chế từ tảo biển, sâm, bùn khoáng, mật ong, thuốc bắc, đặc biệt là phương pháp tắm bằng cám gạo và ngọc trai, được cho là có tác dụng đào thải lớp melanin trên bề mặt da, đồng thời tác động vào lớp đáy da để ngăn chặn việc sản sinh quá mức melanin. Khi đó, nám cũ sẽ bị đào thải, còn nám mới thì không hình thành thêm. Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm cấu trúc sinh lý tế bào, thì đây chỉ là… quảng cáo bởi lẽ các phương pháp nêu trên chỉ loại bỏ được lớp da bên ngoài, trong lúc ở lớp đáy, các tế bào hắc sắc tố melanin vẫn hình thành để tái tạo màu da ban đầu.

Một người đã từng đi tắm trắng, cho biết: "Đầu tiên tôi được tắm bằng nước có pha chất làm lột da nhẹ toàn thân. Sau đó, họ dùng gạc có thấm hóa chất, quấn kín cánh tay, chân, cổ, mặt - là những vùng cần làm trắng - gọi là "quấn trắng". Tiếp theo, tôi được "tắm cát", nghĩa là dùng cát mịn chà xát để tẩy sạch tế bào chết của da một lần nữa rồi cuối cùng tắm xả bằng những loại nước thơm có pha hương liệu". Để có làn da trắng, cô "chân dài" này phải tắm 6 lần, và mỗi lần mất khoảng 4 giờ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thứ mà nhiều thẩm mỹ viện gọi là "mỹ phẩm tắm trắng vĩnh viễn" đều được họ giữ bí mật về thành phần, công thức pha chế. Bác sĩ Sơn cho biết: "Ở nồng độ thích hợp, Acid Salicylique, Acid Benzoique, Iode… có khả năng làm lột da, mức độ lột nhẹ hay nặng tùy theo nồng độ được pha”. Đã có nhiều tai biến xảy ra chỉ vì muốn... trắng tươi, trắng nõn. Chị H. ở quận 6, sau khi đến thẩm mỹ viện L. trên đường Hồng Bàng, TP HCM để tắm thì da cánh tay phồng rộp lên, cổ tay co rút mà nguyên nhân là bỏng nặng, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Bệnh viên Da liễu TP HCM cũng đã từng tiếp nhận khá nhiều trường hợp tai biến do “tắm trắng”. Nhẹ thì da ửng đỏ, ngứa, rát. Nặng thì rộp nước, loét, chưa kể hạ huyết áp, nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt do hóa chất thấm qua da gây ngộ độc.

Màu da quyết định bởi yếu tố di truyền, để có làn da trắng vĩnh viễn bằng cách dùng những biện pháp bên ngoài để "tẩy trắng", chỉ là sự hoang tưởng mà thôi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo V.Cao - K.Hữu (Công An Nhân Dân)
Chăm sóc da khô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN