Vây núi bắt nghịch tử vô luân

Lúc 17 giờ 30 ngày 27/11/2000, Phòng CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa nhận được tin báo của Công an huyện Khánh Vĩnh: “Tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh vừa xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là chị Ngô Thị Ba (SN 1956, trú huyện Diên Khánh) - chủ một rẫy sản xuất tại thôn Sơn Thành - đã bị hung thủ dùng rựa chém nhiều nhát vào đầu làm tử vong tại chỗ. Theo nhiều nhân chứng thì hung thủ chính là kẻ làm thuê cho gia đình chị Ba tên Tuấn, người ở tỉnh Phú Yên, sau khi gây án đã bỏ trốn lên núi.

Lớp tro ấm trong căn chòi hoang

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Ban giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ thuộc các phòng: CSĐT, CSHS, Cảnh sát bảo vệ, kỹ thuật hình sự khẩn trương đến hiện trường phối hợp với công an địa phương tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân và triển khai các mũi truy bắt hung thủ.

Hiện trường vụ án rất thê thảm. Nạn nhân bị chém khắp thân thể, bàn tay phải đứt lìa, hộp sọ bị vỡ dẫn đến tử vong. Cách xác nạn nhân không xa có hai chiếc cán rựa bằng gỗ cùng hai cái lưỡi rời khỏi nhau. Theo trình bày của ông Trần Văn Bé (SN 1953, chồng của nạn nhân) thì gia đình ông mới thuê tên Tuấn lên coi rẫy được khoảng nửa tháng. Trong thời gian ấy giữa vợ chồng ông không hề có mâu thuẫn gì với Tuấn. Sáng 27/11, ông Bé tổ chức cúng rẫy vì hôm đó cũng là ngày thu hoạch bắp cuối cùng. Trên rẫy gia đình ông Bé đang thuê hơn chục người chủ yếu là phụ nữ người đồng bào Rắc-lây đến tỉa bắp. Buổi trưa mọi người đều ăn uống vui vẻ, Tuấn và ông Bé còn uống với nhau mấy xị rượu rồi tất cả lại khẩn trương ra làm vì sợ chiều trời mưa. Khi ông và những người làm còn đang tập trung vào công việc thì xảy ra chuyện. Do quá bất ngờ và hoảng loạn nên mọi người đều kinh hãi bỏ chạy. Sau khi gây án, Tuấn xách theo một cái rựa bỏ trốn vào rừng.

Vây núi bắt nghịch tử vô luân - 1

Thượng tá Hoàng Tuấn Ngọc

Hướng rừng mà tên Tuấn đang lẩn trốn rất hoang vu, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, qua bên kia núi là sang địa phận của tỉnh Lâm Đồng. Căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu đã có cơ sở xác định hung thủ vẫn còn ở trong rừng, gần khu vực gây án chứ chưa thể đi xa vì thế phải khẩn trương triển khai ngay lực lượng truy bắt. Lực lượng gồm gần một trăm cán bộ chiến sĩ, toàn bộ lực lượng dân quân, thanh niên xung kích các xã quanh vùng cùng sự phối hợp của một đại đội bộ đội công binh đang làm đường ở công trường gần đó vào cuộc truy lùng. Lực lượng truy bắt được chia làm nhiều mũi theo sự dẫn đường của người dân địa phương.

Đội mưa đêm, băng rừng sâu, núi hiểm, các mũi công tác dần khép chặt “gọng kìm”. Suốt đêm hôm đó, hết ngày hôm sau và cả đêm tiếp theo hàng chục cán bộ chiến sĩ rà soát kỹ hàng chục kilômét vuông rừng núi, nhưng tung tích của kẻ thủ ác vẫn chưa thấy đâu.

Chiều tối 29/11, hai cha con ông H.T, người dân tộc Rắc-lây đi rừng về đã cung cấp cho các chiến sĩ công an một tin rất có giá trị: “Tại một căn chòi hoang trên núi lâu nay không hề có người ở. Vậy mà hôm nay tôi tình cờ ghé qua định nghỉ chân thì nhìn thấy có một đống tro nhỏ, sờ vẫn còn ấm, chứng tỏ vừa có người ở đó. Nhớ lại các anh đang tìm hung thủ giết người lẩn trốn nên về báo lại cho các anh biết”.

Lập tức các lực lượng được triển khai. Để đảm bảo bí mật, tránh đánh động đối tượng, sau bữa cơm tối các mũi trinh sát được lệnh hướng về phía khu rẫy nhà ông H.T cách hiện trường gây án khoảng gần 10 cây số. Trong chuyến đi này các trinh sát còn đưa theo hai chú chó nghiệp vụ thiện chiến. Dưới sự dẫn đường của ông T., sau gần tám giờ băng rừng, vượt núi, dưới làn mưa xối xả các trinh sát đã tiếp cận được căn chòi hoang. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Tuấn Ngọc, các trinh sát bí mật áp sát căn chòi.

Nghe tiếng động, một thanh niên quần áo rách nát đang nằm ngủ trên giường vùng dậy, tay với theo cây rựa để chống trả. Đúng lúc này bằng những thế võ điêu luyện, đại úy Hoàng Tuấn Ngọc - Đội trưởng Đội án hình sự 1 (hiện là thượng tá, Phó trưởng phòng CSĐTTP về TTXH) và trinh sát đặc nhiệm Nguyễn Mạnh Cường nhanh chóng áp sát và khống chế y cùng cây rựa. Trong chòi khi ấy còn có một con rắn hổ trâu nặng gần 10kg đã bị đối tượng giết chết để hong khô làm đồ ăn. Lúc này gã thanh niên cúi đầu khai nhận y là Tuấn - kẻ đã chém chết chị Ngô Thị Ba.

Tội ác man rợ

Không có tờ giấy tùy thân nào nên tại cơ quan điều tra, Tuấn tỏ ra khá lì lợm chỉ khai nhận mình tên Lê Văn Tuấn (SN 1969, quê xã Hòa Sơn Đông, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã chém chết chị Ba chỉ vì “dám” la mắng một người làm công khác là Cao Thị H. là người yêu mới của y. Thấy có điều gì đó không chính xác, một tổ công tác đi Phú Yên xác minh nhân thân của y. Tại Phú Yên, những sự thật kinh hoàng về tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này đã dần hé lộ. Lê Văn Tuấn chỉ là tên giả mạo, còn tên thật của y là Lê Văn Chiến (SN 1969, trú xã Hòa Sơn Đông, huyện Tuy Hòa).

Thời điểm này, Công an huyện Tuy Hòa vẫn còn giữ lá đơn được gửi từ ngày 13/8/1997 tố cáo hành vi phạm tội man rợ của Lê Văn Chiến. Lá đơn dài năm trang giấy kẻ ngang khổ lớn, do chính mẹ của Chiến là bà Phạm Thị H. (SN 1944) viết cẩn thận cùng với chữ ký của toàn bộ các thành viên trong gia đình. Tuy vậy, do khi ấy Công an huyện Tuy Hòa chưa có được lời khai của Chiến nên chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án mà y đã gây ra đối với chính người mẹ đẻ ra mình. Cuối cùng Chiến đã phải cúi đầu khai nhận hành trình tội ác của mình.

Là đứa con lớn nhất trong một gia đình có sáu anh chị em, đáng ra Chiến phải làm gương để các em nhìn vào. Ngược lại, ngay từ nhỏ y đã là một đứa trẻ ngỗ ngược, lì lợm. Hết lớp 6 y bỏ học đi lang thang với bạn bè xấu, thường xuyên gây gổ đánh lộn với hàng xóm kể cả cha mẹ ruột y cũng đã từng cầm dao kề cổ dọa nạt. Năm 1994, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định bắt buộc lao động tập trung đối với Chiến trong thời gian 24 tháng về hành vi nhiều lần đánh người gây thương tích. Chưa đầy 30 tuổi, Chiến đã có tới ba vợ cả chính thức lẫn không chính thức và có hai đứa con. Do không thể chịu đựng được thói vũ phu của chồng nên tất cả các vợ của y đều bỏ đi. Năm 1996, gia đình bà H. không thể chịu đựng được thói côn đồ ngỗ ngược của Chiến nên phải để lại ngôi nhà hương hỏa ở xã Hòa Sơn Đông cho y rồi dắt díu nhau sang xã Hòa Hiệp Nam kiếm đất dựng tạm nhà để sinh sống.

Lúc 22 giờ ngày 6/8/1997, sau chầu nhậu “quắc cần câu” cùng đám bạn, Chiến về thẳng nhà mẹ đẻ ở xã Hòa Hiệp Nam. Lúc này bà H. đang nằm ngủ cùng cô con gái và đứa cháu nội bảy tuổi là con của Chiến. Thấy mẹ ngủ, thú tính nổi lên, bất chấp cả luân thường đạo lý, Chiến lôi bà H. xuống bếp vừa bóp cổ vừa thực hiện hành vi đồi bại. Sức vóc của một bà già không thể cưỡng nổi gã trai trẻ, bà chỉ biết khóc thầm chịu nhục. Sau khi thỏa mãn dục vọng, Chiến còn giật luôn đôi bông tai năm phân vàng của bà H. mang bán và tiếp tục hành lạc cùng những cô gái bán dâm. Hôm sau quay về y còn gằn giọng “nếu bà nói ra chuyện tối qua tôi sẽ giết”.

Năm ngày sau, không chịu nổi nỗi đớn đau, tủi nhục, bà H. kêu hai người em trai của Chiến viết đơn tố cáo tội ác tày đình của đứa con nghịch tử gửi lên Công an huyện Tuy Hòa. Nghe mẹ kể lại chuyện tày đình, anh Lê Văn T. và Lê Văn H. cùng mẹ đánh cho Chiến một trận thừa sống thiếu chết. Sợ Chiến có thể làm bậy hoặc bỏ trốn, T. và H. dùng dây trói Chiến lại để hôm sau giao công an. Bị đòn đau, Chiến xin bà H. được uống thuốc độc. Trong lúc quá căm phẫn tội ác của đứa con nghịch tử, bà H. đã lấy chai thuốc sâu đưa cho Chiến. Uống được một ngụm, Chiến ói mật xanh mật vàng rồi lả đi. Do không có ai trông coi, nửa đêm Chiến tìm cánh cởi trói trốn ra Quốc lộ 1 rồi bắt xe vào Nha Trang.

Trốn ở Nha Trang, Chiến lấy tên là Tuấn hàng ngày đạp xích lô ở khu vực ga Nha Trang để kiếm sống. Trong thời gian này Chiến làm quen rồi sống như vợ chồng với một phụ nữ hơn mình năm tuổi ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh. Đầu tháng 11/2000, Chiến chuyển về ở hẳn nhà người tình ở Diên Lạc. Thấy “chú Tuấn” có vẻ thật thà, lại không có công việc ổn định nên vợ chồng người hàng xóm là anh Trần Văn Bé và chị Ngô Thị Ba (cùng trú xã Diên Lạc) thương tình nói chuyện rồi đặt vấn đề thuê Tuấn lên trông coi rẫy bắp ở xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh).

Làm ở rẫy bắp chưa được 10 ngày, Tuấn đã bỏ người tình già ở Diên Lạc và sống như vợ chồng với một cô gái trẻ người dân tộc Rắc-lây tên Cao Thị H. Cô H. cũng là người làm thuê cho chị Ba. Thấy Tuấn hiện nguyên hình là gã sở khanh và đã nhiều lần chị Ba bắt gặp Tuấn và H. làm chuyện bậy bạ ngay trong chòi canh rẫy nên chị tỏ ra khó chịu, gắt gỏng. Trưa 27/11, chị Ba tổ chức cúng rẫy. Giữa H. và bà chủ xảy ra cãi vã. Chị Ba tức giận dùng cán rựa đánh H. Từ trên chòi canh rẫy thấy người yêu bị đánh, Tuấn nhảy xuống đẩy chị Ba ngã sóng soài rồi giật lấy cây rựa chém liên tiếp đến khi nạn nhân không còn động đậy. Biết chị Ba đã chết, Chiến vội vàng cầm theo một cây rựa khác rồi lẩn vào rừng chạy trốn. Sau ba ngày truy lùng, y đã bị lực lượng công an bắt giữ.

Cuối tháng 5/2001, TAND tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án của Lê Văn Chiến ra xét xử. Với những tội ác đã gây ra, tên Chiến đã phải nhận bản án cao nhất: tử hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Minh Quang (Công An Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN