Phạm Công Danh yêu cầu được đối chất với nhiều người

Phạm Công Danh muốn được đối chất với Trang "phố núi", chủ tịch công ty Phương Trang, ông Trần Quí Thanh để làm rõ hơn một số tình tiết, thay vì làm việc với người đại diện của họ tại phiên phúc thẩm.

Phạm Công Danh yêu cầu được đối chất với nhiều người - 1

Bị cáo Phạm Công Danh cùng các đồng phạm tại phiên tòa ngày 27.9

Sáng 27.9, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử đại án 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây Dựng (VNCB) do Phạm Công Danh làm chủ mưu.

Người được cho là có vai trò quan trọng trong vụ án, Phạm Thùy Trang (tức Trang "phố núi") vắng mặt dù đã được cơ quan tố tụng gửi giấy triệu tập. Người này đã có giấy xin được vắng mặt tại tòa khi gửi cho lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ).

Phạm Thùy Trang được cho là người trực tiếp làm việc với bà Trần Ngọc Bích về việc cho ngân hàng VNCB mượn tiền.

Trong phiên tòa này, ông Danh cũng đề nghị HĐXX triệu tập ông Trần Quí Thanh (chủ tịch Tân Hiệp Phát) có mặt để đối chất một số vấn đề. Tuy nhiên, đương sự đã có đơn xin vắng mặt và ủy quyền lại cho con mình là bà Bích. Bản thân ông Danh cho rằng, việc vay mượn tiền và trả lãi hàng ngàn tỷ đồng là làm việc trực tiếp với ông Thanh nên cần đối chất. HĐXX cho biết, nếu trong quá trình xét xử, nếu cần thiết sẽ triệu tập ông Thanh tham gia phiên tòa.

Cũng trong phần thủ tục phiên tòa, ông Danh yêu cầu được triệu tập để đối chất với chủ tịch công ty vận tải Phương Trang, ông Phạm Hữu Luận. Người này được cho là có liên quan đến nhiều khoản vay hàng ngàn tỷ đồng tại VNCB. Yêu cầu này của ông Danh cũng được xem xét và trả lời giống như trường hợp của ông Trần Quí Thanh.

Hiện phiên tòa vẫn đang trong phần thủ tục, chưa chính thức bước vào việc xét hỏi.

Trước đó, vào ngày 9.9, Với những sai phạm trong quá trình tái cơ cấu VNCB, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) bị tuyên phạt 30 năm tù, các bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) 22 năm tù, Hoàng Đình Quyết (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù cùng về các tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại VNCB. Với 32 bị cáo còn lại nhận mức án từ án treo đến 9 năm tù giam.

Về phần dân sự, HĐXX buộc tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh bồi thường toàn bộ số tiền mà những công ty do Danh lập ra để rút tiền ra khỏi VNCB. Thậm chí cả Danh và vợ bị cáo (Quách Kim Chi) phải dùng tài sản cá nhân để thi hành án.

Khu đất được cho là có giá trị 250 triệu USD ở khu phức hợp Chi Lăng, TP.Đà Nẵng hiện đang thế chấp sẽ được bỏ lệnh kê biên, giao cho ngân hàng xử lý theo quy định. Nếu có dư sẽ nộp lại cho cục thi hành án. Phần tài sản giữa bà Chi và Danh sẽ tiếp tục kê biên để phục vụ thi hành án. 

Về số tiền 5.190 tỷ trong tài khoản của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát) mà ông Danh chỉ đạo chuyển qua tài khoản ông Trần Quý Thanh (cha bà Bích – Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát) là tang vật vụ án, sẽ được thu hồi.​

Đối với 124 sổ tiết kiệm mà nhóm Trần Ngọc Bích đang bị kê biên tại tại ngân hàng Xây dựng Việt Nam, cần giải tỏa lệnh kê biên giao cho ngân hàng Xây dựng Việt Nam tất toán. Để ông Thanh và bà Bích hoàn thành các nghĩa vụ giải quyết khoản nợ 5.190 tỷ đồng cho ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Ngoài ra, bà Bích và ông Thanh phải nộp lại số tiền gần 440 tỷ đồng cho ngân hàng Xây dựng Việt Nam vì số tiền này là tang vật vụ án.

Riêng số tiền 5.190 tỷ đồng nhóm bà Bích bị ông Danh chuyển ra khỏi tài khoản, nguyên chủ tịch VNCB phải trả lại cho giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Những giám đốc "bù nhìn" do Phạm Công Danh lập nên không hưởng lợi trong vụ án này nên không phải liên đới, bồi thường.

Phần tiền hơn 850 tỷ đồng mà Phạm Công Danh chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (mua lại ngân hàng Đại Tín – tiền thân của VNCB) là phạm tội mà có, buộc phải trả lại để thi hành án. HĐXX cũng đề nghị khởi tố nhóm Phú Mỹ tại tòa vì những sai phạm trong quá trình điều hành ngân hàng Đại Tín. Trang "phố núi" cũng bị đề nghị khởi tố vì có liên quan đến vụ án.

Nguyên chủ tịch VNCB sau đó làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đối với mình. Một số bị cáo khác cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.

Theo nội dung vụ án, thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng, Phạm Công Danh cùng các bị can khác lập các hồ sơ khống với lí do nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 62 tỷ đồng. Tiếp sau đó Phạm Công Danh cùng đồng bọn lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10, TP HCM) gây thiệt hại 182 tỷ đồng; thuê trụ sở ở đường Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 400 tỷ đồng.

Ngoài việc làm hồ sơ khống để thuê mướn các trụ sở, Phạm Công Danh cùng đồng bọn còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng. Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.

Theo cáo trạng hơn 120 trang của VKSND TP HCM, Phạm Công Danh là bị can, chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.Phong ([Tên nguồn])
Xét xử 6 đại án tham nhũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN