Forever 21 phá sản, đóng cửa hàng trên 40 quốc gia
Forever 21 không phải là cái tên duy nhất trong làng thời trang nhanh đối mặt với khó khăn.
Hãng thời trang nhanh đình đám Forever 21 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 29/9 vừa qua, cho biết sẽ đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại Mỹ cũng như ngừng hoạt động kinh doanh tại 40 quốc gia.
Forever 21 chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tuần qua
Forever 21 được thành lập năm 1984 bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Thương hiệu nhanh chóng trở nên nổi tiếng vào đầu những năm 1990 nhờ những mặt hàng thời trang giá rẻ, phù hợp với nhóm phụ nữ trẻ tuổi.
Trước khi tự nguyện nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Forever 21 có tới hơn 800 cửa hàng trải dài từ Mỹ, châu Âu cho tới châu Á và khu vực Mỹ-Latinh. Các nhà kinh tế ước tính thương hiệu thời trang nhanh có thể mang lại 3 tỷ USD hàng năm.
Thông tin về nguy cơ phá sản của Forever 21 rộ lên từ một năm trở lại đây. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của thương hiệu từng ăn nên làm ra được cho là nằm ở sự cạnh tranh khốc liệt đến từ nhiều cái tên trong cùng lĩnh vực, cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người dùng thời trang.
Vòng đời của các xu hướng ngày càng ngắn lại, người dùng chuyển từ mua sắm truyền thống (tới trực tiếp cửa hàng) sang mua sắm online. Trong khi đó, Forever 21 lại tập trung quá nhiều vào hệ thống cửa hàng trên toàn cầu, dẫn đến sự tốn kém về mặt chi phí trong khi vẫn chưa thích ứng được với xu thế mới.
Thất bại của thương hiệu thời trang nhanh đình đám là điều đã được dự báo trước
Về phía Forever 21, hãng này cho biết việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản “là bước đi cần thiết và quan trọng để đảm bảo tương lai của công ty”. Hãng cũng đặt nhiều hy vọng vào việc “tái cấu trúc để trở nên vững mạnh hơn”, trích lời phó chủ tịch Linda Chang.
Cùng với việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Forever 21 sẽ đóng cửa 178 cửa hàng tại Mỹ ngừng hoạt động ở 40 quốc gia tại châu Âu và châu Á, bao gồm Canada và Nhật Bản.
Forever 21 không phải là cái tên duy nhất trong làng thời trang nhanh đối mặt với khó khăn. Nhiều đại gia như Zara hay H&M cũng lao đao khi cổ phiếu sụt giảm, 27% với Zara từ tháng 6/2017 và 23% với H&M…
Riêng tại Mỹ, thống kê của Coresight Research cho thấy chỉ riêng trong năm 2019, các hãng bán lẻ tuyên bố đóng cửa hơn 8200 cửa hàng, trong khi năm 2018 là 5589. Không chỉ Forever 21, nhiều nhà bán lẻ như Barneys và Matter Firm cũng nhờ đến luật bảo hộ phá sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Nhiều đại gia như H&M, Zara cũng đối mặt với thách thức
Áo cardigan chứng minh khả năng mix match vô biên khi có thể mặc riêng rẽ như một kiểu áo thông thường.