Giáo viên nhận định đề thi tham khảo THPT Quốc gia thế nào?

Để làm tốt đề thi THPT quốc gia trong thời gian tới, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12.

Chiều 14/5, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017 với 5 bài thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Theo nhận định của giáo viên, đề thi tham khảo có cấu trúc và thời gian làm bài tương tự đề minh hoạ và đề thi thử nghiệm. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình Ngữ văn 12.

Giáo viên nhận định đề thi tham khảo THPT Quốc gia thế nào? - 1

Theo nhận định của giáo viên, đề thi tham khảo THPT Quốc gia năm 2017 có sự phân hóa rõ rệt.

Toán: Phân hóa tốt

Theo thầy Lại Tiến Minh - giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội - đề thi có nhiều câu hay, phân hóa tốt, các câu được sắp xếp từ dễ đến khó giúp học sinh không bị mất tinh thần khi làm bài.

Nhìn chung, với đề thi tham khảo lần này, học sinh trung bình có thể làm được 15-20 câu đầu tiên. Các câu phân loại học sinh khá giỏi tập trung ở khoảng cuối, từ câu 44-50. Học sinh khá giỏi nếu biết căn chỉnh thời gian có thể làm hết đề thi trong 90 phút.

So với hai đề thi minh họa trước đó của Bộ GD&ĐT, đề thi lần này có sự phân loại học sinh tốt hơn, đồng thời hạn chế việc sử dụng máy tính của học sinh.

Thầy Tiến Minh đề xuất do đề thi có hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học nên cần có nhiều hơn những câu thật dễ (khoảng 15-20 câu) để thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp. Điều này cũng giúp giáo viên có định hướng tốt hơn trong việc ôn thi giai đoạn nước rút.

Theo giảng viên này, học sinh cũng gặp khó khăn khi phần lớn quen với cách làm Toán theo hình thức tự luận. Nhiều em chưa có kỹ năng tính toán nhanh. Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm giúp thí sinh tránh nguy cơ bị điểm liệt.

Hóa học: Không có câu bẫy thí sinh

Thầy Nguyễn Văn Chuyên, trường THPT Yên Thế, tỉnh Bắc Giang cho rằng, đề được biên soạn phù hợp với trình độ của học sinh trung học phổ thông. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và được thiết kế với 4 mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, trong đó mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 60%; vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 40%.

Các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu nhằm kiểm tra các kiến thức và kỹ năng cơ bản đối với những học sinh có học lực trung bình hoặc khá. Đề không có câu đánh “lừa” hay “bẫy” thí sinh.

Theo thầy Chuyên, đề được phân bố theo logic khoa học từ thấp đến cao (dễ đến khó), phù hợp với sự phát triển và vận hành của tư duy. Làm cho học sinh không bị “choáng” hay mất tinh thần khi làm bài, vì vậy các em có thể vận dụng hết năng lực của bản thân để đạt kết quả tốt nhất trong kì thi.

Đề ra các câu hỏi tương ứng với mức độ của từng học sinh: Học sinh trung bình và yếu chỉ đạt dưới 6 điểm, học sinh khá có thể đạt điểm 8, học sinh giỏi có thể đạt 9, học sinh xuất sắc có thể đạt điểm 10.

Thầy Chuyên nhận định, chính sự phân bố đáp án của đề thi không theo tỉ lệ cố định làm cho học sinh yếu không thể chọn bừa một phương án để qua điểm liệt, học sinh trung bình và khá không thể đếm phương án để tích vào các câu vận dụng cao.

Đề Văn: Ít chất văn

Theo TS. Phạm Hữu Cường, giáo viên luyện thi, nhìn chung, đề thi tham khảo công bố ngày 14/5/2017 của Bộ GD-ĐT có cấu trúc và thời gian làm bài tương tự đề minh hoạ và đề thi thử nghiệm. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình Ngữ văn 12.

Tuy nhiên, dữ liệu đọc hiểu và câu viết đoạn văn nghị luận xã hội hoàn toàn nằm ngoài chương trình sách giáo khoa và học sinh cần sử dụng cả các kiến thức đã học từ chương trình Trung học cơ sở.

Đề thi kiểm tra tương đối toàn diện kiến thức và kĩ năng Làm văn – Tiếng Việt của học sinh. Đề thi cũng đảm bảo được yêu cầu xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học.

Mức độ phân hoá thí sinh của đề thi chưa cao. Các câu hỏi nghiêng về các vấn đề truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề mang tính thời sự. Đề thi ít “chất văn”, chưa khơi gợi được hứng thú làm bài của học sinh”.

Theo TS Phạm Hữu Cường, để làm tốt đề thi THPT quốc gia trong thời gian tới, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn 12, làm tốt các kiểu bài đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội, cũng như 4 kiểu bài nghị luận văn học: Phân tích/cảm nhận văn học, chứng minh văn học, bình luận văn học và so sánh văn học.

Đề thi minh họa môn tiếng Anh rất khó

Đề thi minh họa môn tiếng Anh lần này có xu thế khó hơn so với các lần công bố trước đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN