Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Hà Nội không vội được không?

Để giải cứu, hồi sinh sông Tô Lịch, hơn 10 năm nay, bằng sự quan tâm và những nỗ lực, TP. Hà Nội đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục tình hình và mong muốn “xây dựng một tuyến xe buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường bộ cũng như có thể triển khai kế hoạch du lịch trên sông Tô Lịch”.

Sông Tô Lịch giờ chỉ là “kênh thoát nước”

Sáng sớm, ông Đinh Công Chung, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội, chèo thuyền đi dọc dòng sông Tô Lịch để dọn rác thải nổi trên mặt sông. Đôi tay thoăn thoắt ông đưa chiếc sào dài vớt lên nào là túi nilong, chai nhựa, lon nước, hộp đựng thức ăn, thùng xốp… “Đủ các loại rác trên trần đời này được vứt vô tội vạ xuống sông”, kéo chiếc khẩu trang ông Quang nói rồi vội kéo lên vì mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên khiến anh ho nhẹ. 

“Ở trên thượng nguồn này còn đỡ, cứ đi xuôi về dưới thì càng ô nhiễm hơn, đặc biệt là càng đến gần vị trí các cống nước thải của người dân đổ ra sông thì càng hôi thối. Lúc đầu tôi không chịu được nhưng làm nhiều cũng quen”, công nhân có hơn 20 năm làm việc trong Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đang vớt rác trên sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đang vớt rác trên sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Chiếc thuyền ông Chung di chuyển gần đến khu vực cầu Cót (Cầu Giấy). “Tõm” – tiếng động khiến anh giật mình- một người dân vừa vứt bọc rác thải xuống sông. “Đấy, ý thức của người dân mình kém vậy đó. Họ coi dòng sông là cái bể chứa rác, muốn tống gì xuống thì tống. Họ không biết rằng ai cũng như họ thì mai này họ sẽ phải hứng chịu cảnh sống ngụp lặn trong rác như thế nào”, ông rầu rĩ.

Dọc “kênh thoát nước” Tô Lịch này không chỉ ông Chung mà còn những người như anh Dũng, chị Hoàn… hằng ngày họ không chỉ phải vớt rác mà còn phải cắt cỏ, quét rác hai bên bờ kè, phun-tưới nước cho các ô cỏ. 

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm sông Tô Lịch chỉ ra rằng, sông Tô Lịch hiện này là dòng sông chết, thậm chí, không còn là con sông đúng nghĩa mà trở thành một “kênh thoát nước thải” của thành phố.

“Sông Tô Lịch bây giờ không còn như dòng sông cũ nữa, nó đã bị lấp cửa ở Cầu Gỗ từ rất lâu, từ thời nhà Lý người ta phải đào để sông thoát được nước, nhưng dần dần dòng sông vẫn ô nhiễm và bị chết. Ngày nay Hà Nội cải tạo, xây và kè lại, uốn nắn lại biến Tô Lịch trở thành đường thoát nước chính cho nội đô. Như vậy sông Tô Lịch mà ta gọi xa xưa thì nay nếu gọi bằng từ chuyên môn thì phải gọi là đường thoát nước tự nhiên, hay đúng hơn là mương thoát nước”, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Theo thống kê, hiện có khoảng gần 300 cống lớn nhỏ hằng ngày xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Theo thống kê, hiện có khoảng gần 300 cống lớn nhỏ hằng ngày xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Theo thống kê, sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua địa bàn 4 quận, huyện. Ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho thấy mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch thông qua gần 300 ống cống. Hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Trong đó chứa các chất thải nguy hại như cyanure, thủy ngân, nước thải bệnh viện của TP.

Nỗ lực cải thiện dòng sông

Để giải cứu, hồi sinh dòng sông, tránh khỏi cái mác là “mương thoát nước”, hơn 10 năm nay, bằng sự quan tâm và những nỗ lực, TP. Hà Nội đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục tình hình và mong muốn “xây dựng một tuyến xe buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường bộ cũng như có thể triển khai kế hoạch du lịch trên sông Tô Lịch”.

Tháng 3/2017, UBND TP. Hà Nội tiếp nhận khoản tài trợ ODA không hoàn lại khoảng 700.000 USD để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch khu vực Vĩnh Ninh – Đại Áng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm, được khởi công vào tháng 10/2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án đang “giậm chân tại chỗ”. 

Hà Nội đang tích cực cải thiện dòng sông và cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Hà Nội đang tích cực cải thiện dòng sông và cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Cuối năm 2015, TP giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch. Năm 2014, Sở TNMT Hà Nội phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội thả 38 cụm bè thủy sinh từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi nhằm tạo cảnh quan và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Xa hơn nữa, năm 2003, Hà Nội đã nạo vét và kè hai bên bờ sông… 

Không chỉ sử dụng nhân lực, công nghệ trong nước, đến thời điểm này, TP. Hà Nội đang thử nghiệm cả 2 công nghệ của Nhật Bản (dùng công nghệ Nano-Bioreactor) và Đức (dùng Redoxy 3C) trên các đoạn sông Tô Lịch với kỳ vọng tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất xử lý ô nhiễm trên sông. “Các chất này (RedOxy-3C) mà đưa xuống sông Tô Lịch nếu như nước “đứng” thì xử lý được như các hồ. Nhưng vấn đề khó nhất là nước đang chảy, cho nên chúng tôi đang thí điểm toàn bộ các công nghệ”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói về việc này.

Trước đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) đã đề xuất lãnh đạo UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm công suất lớn bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. 

Máy móc dùng để xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Máy móc dùng để xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Hay như vào cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Để thực hiện kế hoạch, công ty  đã huy động công nhân xuống nạo vét lòng sông Tô Lịch để khơi thông lòng chảy trước khi triển khai. Đến thời điểm này, dọc theo sông Tô Lịch hằng ngày các công nhân vẫn lấy lên hàng chục nghìn m3 bùn.

Thậm chí, mới đây, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV (diễn ra từ 8-10/7), Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đã có ý kiến đề nghị UBND TP xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu… "Điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, cũng như nhiều đề xuất khác, phương án này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi của các chuyên gia khi cho rằng đây là giải pháp không có tính căn cơ và đồng bộ, không những vậy còn đánh mất giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân. “Tất cả cái đó cũng chỉ là làm có tính chất chắp vá để người dân hài lòng và biến sông Tô Lịch trở thành chỗ thoát nước tốt của TP”, GS Hồng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thời gian tới TP sẽ cố gắng làm hết mùi và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải Yên Xá. Khi làm xong một phần rác thải của quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng sẽ được thu gom và xử lý.

Chuyên gia nói gì về đề xuất bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch?

Các chuyên gia cho rằng, dự án bơm nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch có tính khả thi nhưng để thực hiện được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành An ([Tên nguồn])
Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN