Xót xa ba cháu nhỏ sống trong túp lều rách giữa đồng

Sự kiện: Hòa Bình

Nhiều năm ba đứa trẻ ngây dại buộc phải nương tựa vào nhau, sống ở túp lều rách nát giữa cánh đồng mía tự mình vượt qua những tháng ngày khốn khó.

Mẹ nghe theo người lạ bỏ sang Trung Quốc, còn bố là anh Sa Phương Lực (thôn Gò Búi, xã Đú Sáng, Kim Bôi, Hòa Bình) phải đi tha phương khắp nơi để kiếm tiền nuôi các con. Nhiều năm ba đứa trẻ ngây dại buộc phải nương tựa vào nhau, sống ở túp lều rách nát giữa cánh đồng mía tự mình vượt qua những tháng ngày khốn khó.

1. Những trận mưa phùn đầu xuân cũng đủ làm cho con đường dẫn  ra ngôi nhà của anh Lực thêm trơn trượt, nhão nhoét. Gọi là nhà, chứ thực nó chỉ là căn lều tạm bợ quây bạt nằm lẻ loi giữa cánh đồng mía. Vì mẹ bị lừa sang Trung Quốc không hẹn ngày về, bố đi làm xa mà 3 em Sa Mạnh Hùng (13 tuổi), Sa Thị Dung (11 tuổi) và Sa Thị Linh (10 tuổi) phải tự lo cho mình, dựa vào nhau sống qua những ngày không có bố mẹ ở bên. 

Nhắc đến gia cảnh của cha con anh Lực, bà con trong bản ai cũng xót xa, bà Bùi Thị Hoàng buồn buồn: "Ba anh em chúng nó mấy năm nay cứ bấu víu vào nhau mà sống trong căn lều đó. Nắng thì như đứng giữa trời, còn mưa bão thì khỏi phải nói rồi. Xót xa lắm!".

Thật hiếm hoi túp lều ấy lại vang lên tiếng cười đùa của 3 đứa nhỏ, anh Lực đưa mắt buồn rười rượi nhìn về các con nói: "Mấy ngày tết em mới về ở cùng các cháu được. Chỉ hết rằm tháng giêng là em phải xa chúng nó rồi, phải đi làm thôi. Ở nhà thì cả 4 bố con sẽ không có gì mà ăn, chúng nó lại không được đi học". 

Nhắc đến người vợ của mình, anh Lực như không muốn nhìn thẳng vào mắt chúng tôi. Nhiều năm trước, anh có tình cảm rồi nên duyên với chị Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi), cô gái nghèo mãi tận huyện Đà Bắc (Hòa Bình). 

Đôi vợ chồng trẻ bắt tay vào xây dựng gia đình riêng, họ nỗ lực làm việc để mong có cuộc sống đủ đầy hơn. Thế nhưng, ở mảnh đất khô cằn, xa với trung tâm, vợ chồng anh Lực làm đủ thứ nghề cũng chỉ ngày 3 bữa rau cháo. Cuộc sống vốn chẳng khấm khá, trong 4 năm chị Nhung lại sinh một chặp 3 đứa con (1 trai, 2 gái). 

"Thực sự là từ khi sinh đến cháu thứ 2, cuộc sống vợ chồng tôi đã quá khó khăn rồi. Chỗ ở ngày trước chỉ có vài hộ gia đình, xa xôi, thiếu thốn đủ bề. Thương các con, tôi bàn với vợ chuyển các cháu về thôn Kim Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) để sống" - anh Lực tâm sự.

Xót xa ba cháu nhỏ sống trong túp lều rách giữa đồng - 1

Túp lều ba cháu nhỏ sinh sống hàng ngày giữa cánh đồng mía.

Không nghề nghiệp, không ruộng nương, vợ chồng anh Lực cùng 3 con nhỏ sống qua ngày cũng chỉ bằng đồng công đi làm thuê của hai vợ chồng. Con thì nhỏ, chị Nhung chẳng thể làm được gì, mọi lo toan cơm áo đè hết lên đôi vai anh Lực. 

Khi thì anh đi làm mía thuê, lúc thì vác dao lên rừng kiếm củi bán. Bước chân ra khỏi nhà từ sáng sớm mãi đêm tối mò anh với về đến nhà, thậm chí có đêm còn nằm rừng ngủ chờ sáng lại làm tiếp. Vất vả là thế, cái đói cái nghèo cứ bám riết lấy vợ chồng anh.

Thế rồi cuộc sống vốn khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn khi mà người vợ bị rủ rê sang Trung Quốc lao động rồi từ đó bặt vô âm tín. Một mình anh Lực vừa phải làm cha lại phải làm mẹ. 

"Khoảng năm 2009, có chị bạn đến chơi rồi bảo vợ tôi có muốn sang Trung Quốc làm việc không thì chị ấy xin cho. Ban đầu tôi cũng không đồng ý để vợ đi nhưng cô ấy cứ nhất quyết đòi đi nên tôi cũng không biết làm thế nào" - anh Lực kể.

Chị Nhung đi khoảng 7 tháng mới liên lạc về với anh và nói là đang làm ô sin cho người ta. Kể từ sau lần đó, chị cũng chẳng nhắn lại cho chồng một câu… khoảng 3 năm sau đó chị Nhung trở về đúng dịp giáp tết để thăm con. 

Khi ấy anh Lực lại đang làm thuê dưới Hà Nội, điện thoại cũng không có nên chả ai thông báo. Lúc anh trở về nhà thì vợ lại đi rồi. "Nghe nói cô ấy về nhà có 2 hôm thôi, cô ấy đưa cho mẹ tôi 1,6 triệu nhờ bà mua thức ăn cho các cháu. Cũng lạ là về đến nhà rồi sao cô ấy không tìm cách liên lạc với tôi" - anh Lực chia sẻ.

Thông tin liên lạc hạn chế, bao nhiêu năm xa nhà là bấy nhiêu thời gian anh Lực cùng các con mỏi mòn chờ đợi tin tức của vợ. Khi vợ ra đi cháu út mới được vài tháng. 

Nhiều đêm khát sữa, nhớ mẹ đứa bé lại khóc thét lên, người đàn ông vụng về chẳng biết làm gì lại dậy vét nốt ít gạo còn sót nấu bát cháo loãng cho con uống. 

Ba đứa nhỏ trạc tuổi nhau, lại còn quá nhỏ, để nhà không yên tâm nên anh Lực đưa luôn các con đến chỗ làm để tiện chăm sóc. Thế nên cả xã, cả bản này ai cũng nhớ hình ảnh người đàn ông gầy còm, vừa địu con, dắt theo 2 đứa nhỏ vừa nhổ cỏ mía thuê. 

Tuổi thơ của bé Hùng, Dung, Linh không chỉ là những bữa cơm cách nhật mà còn là theo bố lên rừng kiếm củi, đi làm thuê. Thấy cảnh cha con nheo nhóc, nhà nào thương thì mới mướn làm còn không họ lắc đầu. Đơn giản vì sợ anh Lực bận bịu con nhỏ, làm việc không năng suất. Những lúc đó 4 bố con lại trở về nhà ôm nhau chờ qua cơn đói.

Khi các con lớn hơn một chút, anh Lực quyết định xuống Hà Nội tìm kiếm công việc, chỉ vậy anh mới có tiền lo cho con cái ăn, cái mặc. "Tôi được một người bạn giới thiệu  xuống Hà Nội làm công nhân chuyên phá dỡ nhà. Tôi cắn răng mà ra đi, chỉ có như vậy mới mong có tiền nuôi con, để các con có cơ hội đến trường. Tôi đưa 3 đứa nhỏ về xóm Gò Bùi gửi gắm mẹ già và người em trai" - anh Lực cho hay.

Thương các con lúc nào cũng thèm khát có mẹ ở bên, anh Lực đã lên nhà vợ nói với bố mẹ vợ rằng, nếu bố mẹ vẫn đang liên lạc với vợ con thì xin hãy nhắn cho vợ con biết các con của cô ấy rất cần mẹ. Nếu cô ấy chấp nhận về thì mọi chuyện con bỏ qua hết. 

Cô ấy có thể đã từng có người đàn ông khác cũng không sao. Chỉ cần các con con có mẹ. Thế nhưng khi anh Lực giãi bày như vậy thì chính người chị gái của vợ anh đã khuyên anh rằng hãy chủ động tính chuyện tương lai. Cũng nên lấy vợ để người ta chăm sóc con cho mình. 

Anh Lực buồn rầu chia sẻ: "Chắc gì mình đã may mắn lấy được người phụ nữ yêu thương con mình thật lòng. Gặp phải người ác, con mình còn khổ hơn nhiều. Hơn nữa, giờ một mình tôi phải cáng đáng 3 miệng ăn còn chầy chật thế này, lấy vợ rồi lại sinh thêm con thì chắc tôi không kham nổi". 

Bao nhiêu ngày xa các con là bấy nhiêu ngày lòng anh như lửa đốt. Những ngày trời yên bể lặng thì không sao, cứ những đêm giông bão là anh không sao chợp mắt nổi. Cứ nghĩ đến cảnh các con co rúm, sợ hãi trong túp lều nhỏ mà anh như cháy cả ruột gan. Lo cho các con mà chẳng thể về được, bởi anh làm công nhật, nghỉ một ngày là đói một ngày nên dù có lo có sợ thì vẫn phải cố.

Xót xa ba cháu nhỏ sống trong túp lều rách giữa đồng - 2

Bé Sa Thị Linh vui mừng vì đã được đến trường cùng bạn bè.

2. Mẹ đẻ anh Lực sống cách túp lều nơi các con sống chừng vài trăm mét. Thế nhưng bà cũng không giúp gì được nhiều vì gia cảnh không mấy khấm khá. Nhà đông người, bà bàn với anh Lực dựng túp lều tạm ở khu cánh đồng mía của người em cho các cháu sinh sống, hàng ngày mẹ anh sẽ qua lại để thăm nom các cháu. 

Để thêm đồng ra đồng vào, phụ giúp bố nuôi các em, Hùng thường theo bà đi kiếm củi mang ra chợ bán. Khó khăn lại thêm chồng chất khi mà bà nội lại bị gãy tay trong lúc bẻ ngô thuê, sức khỏe ngày một yếu đi. Từ đó, việc trông nom các cháu không còn được sát sao như trước. Hùng phải tự tay nấu cơm và chăm sóc hai em của mình. 

Gạt nước mắt, anh Lực bùi ngùi: "Tôi đi làm thì không thể nghỉ được vì thế cũng không thường xuyên về nhà. Được bao nhiêu tiền dành dụm gửi về cho mẹ để nhờ chăm sóc các cháu. Thấy các cháu vất vả quá, định bụng gửi vào trại trẻ mồ côi nhưng lại không đành".

Xót xa ba cháu nhỏ sống trong túp lều rách giữa đồng - 3

Anh Lực luôn động viên bé Hùng cố gắng chăm sóc các em khi không có bố ở nhà.

Bé Hùng dù mới 13 tuổi nhưng đã có thể thay bố chăm sóc hai em. Chúng tôi hỏi em về chuyện ăn uống hàng ngày, Hùng trả lời gọn lỏn: "Anh em cháu hôm thì ăn cơm, hôm lại ăn mì tôm. Rau nếu các bác hàng xóm không cho thì cháu đi tìm ở ngoài bờ ruộng. Đồ dùng sinh hoạt cho các em thì cháu ra quán mua, khi nào bố gửi tiền về cháu sẽ mang ra trả sau". 

Nhìn đôi mắt của Hùng liên tục đưa mắt về phía hai em đang ngồi học bài nơi góc nhà chúng tôi hiểu những khát khao của em. Có lẽ em cũng muốn được đến trường như 2 em, như bạn bè cùng trang lứa. Có lẽ Hùng cũng mơ ước được tự tay mình viết lên những con chữ. 

Nhắc đến chuyện đến trường, bé Hùng cúi gằm mặt: "Những lúc 2 em và các bạn trong xóm đi học cháu buồn lắm. Chẳng có ai mà chơi cùng, chỉ lang thang hết quả đồi này đến quả đồi khác. Cháu thích đi học, cháu cũng muốn được đến trường như các bạn".

Anh Lực bảo, mới cuối năm 2017 vừa qua, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, các ban, ngành địa phương đã xin cho cháu Dung và cháu Linh đi học tại trường Tiểu học Đú Sáng B. Nhà trường cũng tặng gia đình anh 1 chiếc xe đạp để các con thuận tiện đến trường. 

"Tôi cũng đã có lời với ban giám hiệu nhà trường nhưng chưa được vì do cháu đã quá lớn tuổi. Nếu học cùng sợ bị ảnh hưởng đến nhiều thứ, hơn nữa thầy cô sợ cháu không theo được. Tôi biết cháu thích đến trường lắm nhưng chắc phải tính sau" - anh Lực tâm sự. 

Hoàn cảnh bi đát của nữ công nhân bị nhánh cây “trên trời” đập trúng

Trên đường mưu sinh kiếm tiền cho con nhỏ mổ tim, người phụ nữ không may bị nhánh cây “trên trời” rơi trúng, nguy kịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Anh (Cảnh sát toàn cầu)
Hòa Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN