Xác chết khô níu phu đèn Trường Sa

Sự kiện: Thời sự

Những xác tàu hoang phế, những con người chết khô ngửa mặt nhìn trời đã thôi thúc các phu đèn biển Đông quên mình vì nghĩa cả.

Xác chết khô níu phu đèn Trường Sa - 1

Một trong những con tàu ma còn chưa rã xác ở Đá Lát.

Vừa từ đất liền bước lên tàu Hải Đăng 05 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông để hướng về Trường Sa, anh Võ Sỹ Lưu tháo vát, bưng bê hàng hóa cùng anh em. Từ khi anh Lưu lên, tàu chúng tôi có thêm nhiều tiếng cười. Với năng khiếu hài bẩm sinh, anh đã làm mọi người cuốn hút theo từng câu chuyện, quên những cơn say sóng dài ngày trên biển.

Những con tàu ma

Đêm đầu tiên, anh kể về những con tàu. “Những cái xác tàu mà các anh thấy còn trơ thây ở đảo Đá Lát ấy, ngư dân vùng này gọi là những con tàu ma. 23 năm trước, khi tôi mới đến giữ đèn hải đăng Đá Lát, thấy cảnh mà sợ ma quá trời”, anh bắt đầu câu chuyện.

Cái cảnh rợn người mà anh Lưu tiếp cận là một cái xác người chết khô, ngồi trên ghế thuyền trưởng, mặt ngửa lên trời. Mọi người gọi là anh Hai, rồi đặt luôn cho cái tên con tàu có cái xác ấy là tàu anh Hai.

Xác chết khô níu phu đèn Trường Sa - 2

Mỗi hải đăng ở Trường Sa có năm công nhân túc trực 24/24 giờ. Trong ảnh là hải đăng ở đảo Đá Lát.

“Cái xác còn nguyên thịt nhưng khô quắp lại. Tôi hình dung ông ấy phải ngồi ở đó mà chờ cứu hộ đến hết lương thực rồi chết dần mòn. Khi cơ thể không còn mỡ nữa, cộng với không khí đầy chất muối, xác ông ấy không ướp vẫn không phân hủy” - anh lý giải.

Anh Lưu thú thật ban đầu rất sợ nhưng ở năm này sang tháng nọ lại thành quen. Anh Lưu kể tiếp: “Quen mà nói gì, thành thân luôn đó chứ. Mấy cái bận tàu cung cấp lương thực của công ty ra chậm vì thời tiết xấu, anh em hết thuốc hút thì qua anh Hai xin vài bao thuốc lá, trái cây. Bà con ngư dân hồi đó cúng anh Hai hoa quả, quà cáp đầy. Tất nhiên là không phải lấy không, mà chúng tôi đem quần áo mới qua thay cho anh Hai. Có đi có lại”.

Thế nhưng anh Lưu và tất cả anh em giữ hải đăng mà chúng tôi gặp qua đều không nắm được lý lịch của những con tàu này, chỉ biết gọi đó là những con tàu ma. Các anh chỉ biết đó là những con tàu hàng hải của nước ngoài, chạy bằng máy hơi nước.

Do thời đó các đảo chưa có đèn hải đăng, công nghệ định vị, rà độ sâu, vật cản chưa có nên các con tàu này đã vướng vào bãi đá ngầm, san hô rồi không rút ra được, mọi người chết mòn vì đói khát.

Cuối câu chuyện về những con tàu ma, anh Lưu bất ngờ hỏi chúng tôi biết tại sao anh đem câu chuyện này kể ra đây. Không đợi trả lời, anh lý giải: “Thật ra những con tàu ấy gắn liền với đời sống, với nghề nghiệp giữ hải đăng biển Đông của anh em chúng tôi. Nó ám ảnh chúng tôi về những cái chết mòn mỏi, đau đớn nhất. Nó thôi thúc chúng tôi về trách nhiệm thắp sáng không ngơi nghỉ những ngọn hải đăng. Thời xưa, tàu vướng bãi đá ngầm thì mọi người sẽ chết vì đói. Thời nay, với dầu hỏa và điện, tàu vướng bãi đá có thể gây cháy nổ, thảm họa khó lường”.

Xác chết khô níu phu đèn Trường Sa - 3

Tiếp tế lương thực cho các trạm hải đăng là công việc vô cùng khó khăn. Ảnh : TRẦN VŨ

Sinh ra để thắp sáng hải đăng

Hôm sau, chúng tôi ghé thăm ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây. Anh Vũ Duy Tiến, đèn trưởng nơi đây, cũng có chung những ký ức về các con tàu ma và sự ảnh hưởng của nó đến nghề giữ hải đăng biển Đông.

Anh Tiến vào nghề giữ đèn từ 25 năm qua. Khi đó, anh vào nghề với mục đích đơn giản là lúc khó khăn về kinh tế, đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Rồi anh đến và thấy những con tàu ma, cảm nhận ra những cái chết đớn đau nhất hành tinh…

Tự lúc nào không biết, anh phát hiện ra bản thân mình như sinh ra để thắp sáng những ngọn hải đăng. Anh tâm sự: “Giờ thì các con đã học hành thành đạt, nên người, sống ổn định. Vợ tôi cũng có cơ ngơi kinh tế kiếm ra bạc trăm triệu đồng mỗi tháng ở Hải Phòng. Tôi chẳng còn bận bịu gì về kinh tế nhưng không bỏ nghề được, không xa đèn được. Ý nghĩ mình đang làm cái việc gián tiếp cứu nhiều người khỏi những tai nạn khủng khiếp đã trở thành hạnh phúc của anh em chúng tôi”.

Nhìn ra biển, anh kể về một sự cố tàu vướng bãi đá ngầm mà anh từng chứng kiến. Đó là vào năm 2007, khi anh đang giữ hải đăng đảo Đá Lát. Hôm đó, sáng sớm, anh em báo có một tàu cá bị vướng bãi san hô Đá Lát đang cần cứu hộ. Cả năm anh em ở đèn lập tức xuống canô, tiến ngay ra con tàu gặp nạn.

“Lúc ấy, cả năm đứa đều rất căng thẳng. Chúng tôi không lo về cứu hộ, vì tàu cá nhỏ, chúng tôi giúp được dễ dàng. Tuy nhiên, trong đầu ai cũng đặt ra câu hỏi tại sao tàu bị vướng? Có phải chúng tôi đã tắc trách để đèn không sáng trong một lúc nào đó? Đứa nào cũng nghe lòng khó chịu, ray rứt. Nhưng không phải, chủ tàu cá bảo vẫn thấy đèn nhưng không nghĩ là đảo chúng tôi rộng lớn vậy”.

Mọi người nghe vậy mới an tâm, thở phào, nhắc nhở thuyền trưởng phải chú ý nguyên tắc không vào tầm quét của đèn.

Khi nghe các anh say sưa kể chuyện, tôi hiểu được vì sao những người công nhân giữ đèn biển Đông rất ít người bỏ nghề, dù cái nghề buộc họ phải hy sinh nhiều thứ. Họ phải xa vợ, xa con, xa quê, xa hết những cuộc vui ở đất liền những chín tháng mỗi năm. Họ cũng không được nắm bàn tay động viên, chia sẻ khi vợ sinh con. Tứ thân phụ mẫu qua đời cũng lắm người đành ngồi ghềnh đá mà nhìn về góc trời thân yêu sụt sùi, rấm rứt… Tất cả là vì sự an toàn hàng hải trên biển Đông, vì không muốn tiếp tục có những con tàu ma, những anh Hai ngửa mặt nhìn trời và vì những điều lớn lao hơn thế nữa.

Những cột mốc chủ quyền

Trên đây là câu chuyện chúng tôi ghi nhận được trong chuyến đi dài ngày đầu tháng 10-2016 thăm hệ thống hải đăng khu vực quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Tại khu vực này hiện có hơn 80 công nhân giữ sáng cho chín ngọn hải đăng, với phần lớn có thâm niên trong nghề từ 15 đến trên 20 năm.

Hải đăng Đá Lát được đặt trên đảo Đá Lát nằm ở vị trí cực tây quần đảo Trường Sa, có chiều cao tháp đèn 42 m. Thân đèn có màu trắng, đỏ xen kẽ. Hải đăng phát ánh sáng trắng, chu kỳ chớp năm giây.

Hải đăng Đá Tây có thân màu xám sẫm, nằm trên đảo chìm Đá Tây. Chiều cao tháp đèn là 20 m. Chu kỳ chớp 10 giây.

Hải đăng Nam Yết có thân màu trắng - đỏ - trắng, chiều cao tháp đèn là 24,9 m, chu kỳ chớp 15 giây…

Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải trong khu vực quần đảo, chín ngọn hải đăng Trường Sa còn là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông.

Anh Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo, tâm sự: “Chúng tôi tự hào về đội ngũ công nhân giữ đèn của mình. Họ là những con người hiểu rõ nhất về lẽ sống cao đẹp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN