Vụ nổ ở Hà Đông: Khó quy trách nhiệm bồi thường
Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án nổ bom làm 4 người chết ở khu đô thị Văn Phú - Hà Đông vì người gây ra vụ nổ đã chết nên khó xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm nạn nhân vụ nổ tại Bệnh việnĐa khoa Hà Đông. Ảnh: hanoi.gov.vn
Thu được nhiều vật liệu chế tạo bom mìn
Ngày 20/3, trao đổi với Báo Giao thông ngay tại hiện trường của vụ nổ, Đại tá Dương Văn Giáp, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến sáng 20/3, công an xác định có 4 người tử vong và 10 người bị thương trong vụ nổ.
Cũng trong sáng 20/3, Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Bộ Công an và TP Hà Nội về kết quả điều tra ban đầu vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông ngày 19/3. Theo đó, căn cứ kết quả xác minh, anh Phạm Văn Cường (SN 1975, quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là người thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ.
Hàng ngày, anh Cường mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn. 8h30 sáng 19/3, anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) một khối kim loại hình trụ bằng sắt khoảng trên 100 kg.
Quá trình anh Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.
Hai mẹ con đi khám bệnh bị chết oan
Những căn nhà bị hư hỏng nặng sau vụ nổ
Đại tá Dương Văn Giáp cho biết vụ nổ khiến 4 người tử vong, gồm chủ cơ sở thu mua phế liệu - cũng chính là người cưa vật liệu nổ và 3 người đi đường khác. Đặc biệt thương tâm là trường hợp hai mẹ con chị Đào Thị Soản (31 tuổi, nhà ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) và con gái là cháu Đào Thị Quỳnh (7 tuổi) đi ngang qua, bị sức ép vụ nổ làm tử vong tại chỗ. Hoàn cảnh của chị Soản rất khó khăn khi có chồng vướng vòng lao lý, chị phải gánh vác mọi công việc để lo nuôi hai con ăn học và gia đình nhà chồng.
Cháu Quỳnh là con gái út của chị. Người nhà chị Soản cho biết, trước đó một tuần, đoàn bác sĩ tình nguyện về trường bé Quỳnh khám bệnh và có thông báo với gia đình cháu gặp vấn đề ở mắt trái. Ngày 19/3, cháu Quỳnh được nghỉ học, chị Soản sau giờ bán trứng đã chở con đi khám. Trên đường về qua khu vực đó thì gặp nạn khiến cả hai mẹ con đều tử vong.
Các nạn nhân bị sức công phá quá lớn của vụ nổ làm ảnh hưởng nên có người chết không được nguyên vẹn, nhiều phần thi thể bay khắp hiện trường khiến người nhà phải đến thu gom lại để đem về an táng.
Cũng đúng thời điểm xảy ra tai nạn, anh Đặng Cao Thủy (SN 1984 ở Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993 ở Thanh Thủy, Thanh Oai, Hà Nội) cùng ngồi trên chiếc xe tải đi qua khu vực này. Vụ nổ tác động làm anh Thủy mất tay lái khiến chiếc xe đâm vào một nhà ven đường, cả hai người cùng bị mắc kẹt trên xe. Phải hơn 1 tiếng sau đó, lực lượng chức năng mới giải cứu được họ để đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại bệnh viện Quân y 103, các bác sĩ cho biết, chị Lệ bị chấn thương sọ não, dập não, chảy máu trong não và vết thương hàm mặt, mắt. Đêm 19/3, chị đã được phẫu thuật sọ não cầm máu và giảm áp. Tình trạng của anh Thuỷ nặng hơn với vết thương thấu sọ, có dị vật kim khí trong não (đến tối 20/3 vẫn đang hôn mê sâu).
Khó xác định việc bồi thường thiệt hại
Trao đổi với Báo Giao thông về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người và tài sản trong vụ nổ này, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc này phải căn cứ vào kết quả xác minh tài sản của người gây ra vụ việc. Tuy nhiên, việc xác minh tài sản sẽ rất mất thời gian và phức tạp.
“Xét về tổng thể, việc xác định và quy trách nhiệm bồi thường trong vụ nổ ở Hà Đông khá phức tạp và rất khó thực hiện. Với những người thiệt mạng hoặc bị thương có tài sản bị hư hỏng, về luật thì họ phải được bồi thường. Nhưng trong trường hợp này, người gây ra vụ nổ đã chết và không có tài sản thì rất khó”, ông Huế nhận định.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cũng cho rằng, về nguyên tắc, người gây ra vụ nổ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại. Tuy nhiên, trong vụ việc này, người gây ra thiệt hại đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại, cũng không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối tượng.
Thống kê sơ bộ, có 36 căn nhà bị ảnh hưởng do vụ nổ, trong đó có 12 căn nhà bị hư hại nặng, 4 căn nhà do trực tiếp bị ảnh hưởng của vụ nổ nên chính quyền địa phương đã tổ chức di dời người dân lên chung cư Văn Phú - Victoria cách đó 500 m.
Tối 20/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trần Hiển, Phó chánh văn phòng UBND quận Hà Đông thông tin, ngay sau khi xảy ra vụ nổ, BQL dự án Khu đô thị Văn Phú đã bố trí một số phòng ở tại chung cư Văn Phú - Victoria để các hộ bị thiệt hại tạm cư.