Vụ "đòi vợ": Nhà gái quá vội vàng
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, gia đình nhà gái đã quá vội vàng khi chia rẽ đôi vợ chồng người khuyết tật.
Như tin đã đưa, chỉ sau đám cưới 20 ngày, chú rể bại liệt Nguyễn Quốc Hùng (xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương), bỗng dưng bị nhà gái đòi lại cô dâu vì lý do cặp đôi này không thể tự phục vụ, chăm sóc cho bản thân.
Về phía mình, Hùng khẳng định, đám cưới của anh với chị Nguyễn Thị Yến (bị bại não bẩm sinh) diễn ra trước đó đã được hai gia đình đồng ý nên mới tổ chức. Chính vì thế, Hùng đã viết đơn yêu cầu chính quyền phải công nhận đám cưới giữa anh và Yến là hợp pháp, tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho hai người; đồng thời yêu cầu nhà gái trả lại vợ cho anh.
Anh Hùng cho biết từ khi bị nhà gái đòi lại cô dâu, ngày nào anh cũng nhớ vợ
Trước vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần xác định rõ “đám cưới” của anh Hùng với chị Yến chỉ là được thực hiện theo nghi lễ của phong tục tập quán hay đã làm thủ tục kết hôn theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Thơm, để đúng quy định pháp luật, anh Hùng và chị Yến phải có đủ giấy tờ hợp lệ về hộ tịch. Nếu xét thấy đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức đăng ký kết hôn, trường hợp từ chối thì phải thích rõ bằng văn bản. Nếu người bị từ chối không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
“Như vậy, nếu anh Hùng và chị Yến chưa làm hồ sơ đăng ký kết hôn gửi lên UBND thì không thể yêu cầu UBND tiến hành làm thủ tục kết hôn cho hai người được”, Luật sư Thơm lý giải.
Về mặt pháp lý, Luật sư Thơm khẳng định: Luật hôn nhân-Gia đình và Luật người khuyết tật không có quy định nào cấm những người khuyết tật được kết hôn với nhau.
Song Luật Hôn nhân và gia đình cũng có quy định “người mất năng lực hành vi dân sự” thuộc một trong những trường hợp bị cấm kết hôn.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, gia đình nhà gái đã quá vội vàng khi chia rẽ đôi vợ chồng này
Luật sư Thơm cho rằng trong trường hợp này, gia đình người vợ cũng quá vội vàng khi giải quyết vấn đề tình cảm của đôi bạn trẻ. Không thể nói Yến bị mất năng lực hành vi bởi cô đã từng học nghề ở Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương. Nếu đã bị mất năng lực hành vi thì cũng không thể học nghề được”, Luật sư Thơm phân tích.
Từ lập luận trên, Luật sư Thơm cho rằng, hoàn toàn có thể đặt khả năng Yến chỉ bị “hạn chế” năng lực hành vi dân sự. “Cô vẫn có thể đi lại, có nói được nhưng không rõ và vẫn có khả năng tiếp thu tình cảm và học nghề được… Nếu chỉ bị “hạn chế” thì vẫn đủ điều kiện kết hôn theo qui định” - Luật sư Thơm nói.
Theo Luật sư Thơm, nếu gia đình Yến vẫn không yên tâm để cô kết hôn với Hùng thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết xác định Yến thuộc trường hợp "mất" hay "hạn chế năng lực hành vi". Trên cơ sở hồ sơ bệnh án, Tòa sẽ ra quyết định yêu cầu giám định tâm thần tại tổ chức giám định cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
“Trong trường hợp gia đình Yến cố tình không thực hiện thủ tục xác định năng lực hành vi cho Yến thì anh Hùng có quyền yêu cầu Hội người khuyết tật bảo vệ quyền lợi của mình và Yến. Mặt khác anh Hùng có quyền đề nghị UBND nơi cư trú của Yến xử lý hành vi “cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật” được quy định tại điều 14 Luật khuyết tật”, Luật sư Thơm nói.
Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dung một số điều của Luật hôn nhân gia đình quy định: “Người mất năng lực hành vi dân sự là người mất khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Bộ luật Dân sự cũng quy định “Mất năng lực hành vi dân sự”: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở của tổ chức giám định”. |