Vụ 14.000 thuê bao bị nghe lén: Chủ yếu theo dõi đời tư

Lãnh đạo phòng Cảnh sát điều tra hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, trong vụ 14.000 thuê bao bị nghe lén, phần lớn nội dung liên quan đến vấn đề đời tư cá nhân.

Trong cuộc giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ngày 1/7,  Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra hình sự Công an TP Hà Nội, cho biết đến nay đã khởi tố vụ án hình sự về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet".

Đồng thời khởi tố 4 bị can gồm: Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Hồng; Lê Thanh Lâm (1982), Trưởng phòng kỹ thuật công ty; Trần Minh Ngọc (SN 1990), Nhân viên hỗ trợ khách hàng; Nguyễn Thị Nga, nhân viên tư vấn khách hàng hỗ trợ văn phòng.

Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, do chưa chứng minh được giám đốc công ty Việt Hồng có liên quan đến vụ án nên chưa thể khởi tố lãnh đạo cao nhất của công ty này.

Hiện cơ quan công an đã bắt tạm giam 3 tháng với 3 bị can Hùng, Lâm, Ngọc để phục vụ công tác điều tra. Còn bị can Nga do đang mang thai nên cho tại ngoại.

Vụ 14.000 thuê bao bị nghe lén: Chủ yếu theo dõi đời tư - 1

Nhiều thiết bị nghe lén cuộc gọi điện thoại được chào bán trên Internet tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nội dung tin nhắn của các thuê bao nghe lén, Đại tá Dương Văn Giáp cho hay, cơ quan điều tra đã kiểm tra thử một vài trường hợp, cho thấy phần lớn nội dung liên quan đến vấn đề đời tư cá nhân.

Cũng theo Đại tá Giáp, pháp luật không cho phép một cơ quan hay người nào nào có quyền nghe lén, lấy thông tin cá nhân cá nhân người khác, trừ những trường hợp đặc biệt, có quy định riêng.

Trong vụ 14.000 thuê bao bị nghe lén, người thuê công ty Việt Hồng cài đặt phần mềm nghe lén để theo dõi người khác cũng là vi phạm pháp luật. Những người này sẽ bị xem xét xử lý.

Về việc có thông báo tới chủ thuê bao của hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén hay không, phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố cho biết, phải mất rất nhiều thời gian nữa các lực lượng chức năng mới có thể lấy thông tin từ máy chủ ra, nghe lại từng người một xem họ thỏa thuận với công ty vi phạm như thế nào, thì mới nắm được nội dung. Còn việc có thông báo hay không là một vấn đề rất nhạy cảm, nên cơ quan chức năng sẽ phải bàn bạc lại. Ví dụ giờ vợ hoặc chồng mà biết mình bị theo dõi thì họ có thể bỏ nhau, nên vấn đề này cần xem xét kỹ.

Đại tá Giáp cho hay: “Thời gian tới, để ngăn chặn việc này, ngoài tuyên truyền cho người dân, đối với các công ty kinh doanh viết và bán phần mềm nghe lén, chúng tôi sẽ kiến nghị nên cấp phép viết phần mềm ở lĩnh vực nào, về cái gì, chứ như bây giờ là quá rộng”.

“Chúng tôi không thể khẳng định có còn công ty nào như Việt Hồng hơn, nhưng với tình hình hiện nay thì rất có thể sẽ vẫn còn”.

Cũng tại cuộc họp, bà Trần Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, hiện nay phần mềm giám sát không phải trên sim điện thoại, nếu thay sim vẫn bị giám sát nên không đề cập đến trách nhiệm nhà mạng.

Bà Huệ cũng cho biết, máy chủ của công ty Việt Hồng không phải ở nước ngoài, hiện đang niêm phong nên phần mền nghe lén không hoạt động được nữa. Sở TT&TT  bàn giao cho cơ quan điều tra để xem xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN