Vietnam Airlines có bao nhiêu máy bay ATR-72?

Đây là loại máy bay chở khách tầm ngắn loại nhỏ hai động cơ tuốc bin cánh quạt. ATR chở 72 tới 74 khách. Máy bay đều có đội bay hai người.

Chiều 21/10, chiếc máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines (số hiệu VN1673) với 41 hành khách xuất phát từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) sau khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đã phát hiện ra máy bay bị mất một bánh trước và gãy trục càng trước.

Vào tuần trước, một chiếc ATR-72 của Hãng Hàng không Lào cũng gặp sự cố nghiêm trọng khi máy bay chở 48 người đã đâm xuống sông Mekong ở miền Nam nước Lào làm toàn bộ 43 hành khách và 5 người thuộc tổ lái cùng các tiếp viên thiệt mạng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ATR-72 là kiểu máy bay do hãng sản xuất máy bay Ý - Pháp Avions de Transport Régional (ATR) sản xuất.

Đây là loại máy bay chở khách tầm ngắn loại nhỏ hai động cơ tuốc bin cánh quạt. ATR chở 72 tới 74 khách. Máy bay đều có đội bay hai người.

ATR-72 được ra mắt năm 1985 tại Triển lãm hàng không Paris và thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 27 tháng 10 năm 1988.

Đúng một năm sau đó, ngày 27 tháng 10 năm 1989, hãng Kar Air của Phần Lan trở thành công ty đầu tiên đưa loại máy bay này vào sử dụng.

Tháng 4/2000, ATR chuyển giao chiếc ATR thứ 600, một chiếc ATR 72-500 cho Air Dolomiti. Các hãng hàng không trên thế giới sử dụng loại máy bay này gồm: Air New Zealand, Alitalia, Czech Airlines, JAT Airways, LOT Polish Airlines, Olympic Airlines, TAROM, Vietnam Airlines và Thai Airways International.

Vietnam Airlines có bao nhiêu máy bay ATR-72? - 1

Một chiếc máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines.

Tại Việt Nam, cả nước hiện có 14 máy bay ATR-72, đều thuộc sở hữu của Vietnam Airlines, đây là loại máy bay ATR thế hệ mới, có tuổi đời khai thác thấp.

Theo Vietnam Airlines, ATR72 là loại máy bay này không có tính năng thông báo tín hiệu mất áp suất lốp nên khi gặp sự cố như việc mất lốp ở trên, tổ bay không thể phát hiện ra. “Không giống như các dòng máy bay Airbus hay Boeing, chỉ cần áp suất lốp căng quá hay giảm đi, hệ thống máy tính thông minh sẽ phát cảnh báo. Trường hợp với dòng máy bay ATR 72, không có hệ thống cảnh báo trên. Do đó, khó xác định được một chiếc lốp mũi (trong 2 chiếc nằm sát nhau phía trước máy bay) bị rơi ở đâu, lúc nào. Rất nhiều khả năng sự cố này là lý do kỹ thuật” - đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Vietnam Airlines đã cho dừng bay lập tức đối với chiếc máy bay mất bánh, đồng thời, toàn bộ đội tàu bay ATR-72 cũng sẽ bị dừng khai thác để kiểm tra trục càng trước, ngay khi hoàn tất các hành trình đang thực hiện.

Đến trưa ngày 22/10/2013, Vietnam Airlines cho biết, hãng đã hoàn tất kiểm tra tính tuân thủ các quy trình bảo dưỡng và trạng thái của các cụm càng mũi và càng chính ngay trong đêm đối với toàn bộ các máy bay còn lại của đội tàu bay ATR-72 tại 02 cơ sở kỹ thuật của hãng ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Riêng đối với càng mũi, hãng đã cùng chuyên gia nước ngoài tiến hành kiểm tra ‘không phá huỷ’ tất cả các trục (NDT - sử dụng các phương pháp kiểm tra bằng vòng xoáy, sóng âm, từ tính... không can thiệp trực tiếp đến bộ phận được kiểm tra) và sẵn sàng đưa các máy bay này vào khai thác từ 05 giờ 00 phút ngày 22/10/2013.

Kết quả kiểm tra kỹ thuật đội tàu bay đã được Vietnam Airlines báo cáo chi tiết tới Cục Hàng không Việt Nam ngay sáng ngày 22/10/2013.

Đối với tàu bay ATR-72 số đăng ký VN-B219, ngay sau sự cố xảy ra, Vietnam Airlines đã ngay lập tức thành lập và cử ngay 02 đoàn công tác tới sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và sân bay Đà Nẵng phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam điều tra theo quy định. Hãng cũng đang tiếp tục làm việc với Nhà sản xuất máy bay để phối hợp điều tra nguyên nhân sự cố và yêu cầu các giải pháp tiếp theo.

Đặc điểm kỹ thuật của máy bay ATR 72: Chở khách tối đa 74 người. *Tốc độ tối đa là 275 knots (509 km/h). Tốc độ tiết kiệm xăng 556 km/h. Tầm bay 910 hải lý (1.685 km). Sải cánh 27,1 m (88 ft 9 in). Diện tích cánh 54,5 m². Dài 27,2 m (89 ft 2 in). Cao 7,7 m (25 ft 2 in). Hàng/hành lý 10,6 m³ (375 ft³). Trọng lượng cất cánh tối đa 21.500 kg. Động cơ Pratt & Whitney Canada PW124 (2400shp) × 2

Các nhà máy sản xuất của Alenia Aeronautica tại Pomigliano gần Napoli, Ý, sản xuất thân và phần đuôi. Cánh máy bay được lắp ráp tại EADS Sogerma Services ở Bordeaux phía nam nước Pháp của Airbus Pháp. Lắp ráp hoàn thành, bay thử, chứng nhận và chuyển giao thuộc trách nhiệm của ATR tại Toulouse, Pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Tuyết (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN