Việt Nam phản ứng việc tàu Hải Dương 8 quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam

Sự kiện: Thời sự

Ngày 13-8, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam

Ngày 16-8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13-8-2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. "Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982" - Người phát ngôn khẳng định.

Người phát ngôn nhấn mạnh Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. "Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế" - Người phát ngôn nhấn mạnh.

Một trong các tàu thuộc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel

Một trong các tàu thuộc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel

Trung Quốc từ đầu tháng 7 triển khai tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 dưới sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và dân binh có các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Từ khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Sự việc nghiêm trọng này luôn là nội dung được trao đổi tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Bangkok - Thái Lan. Nhiều nước thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến này. Đặc biệt, việc đại diện Việt Nam đã nêu rõ Trung Quốc là bên có hành vi gây hấn ở biển Đông khi họp với đại diện các nước ASEAN đã được giới quan sát đánh giá là đã thúc đẩy các nước bày tỏ quan điểm của mình.

Trong các cuộc họp, các cuộc gặp song phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiều lần đề cập thẳng thắn các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng cho rằng những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển; làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam, nêu rõ hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết thỏa đáng tranh chấp tại biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Sau khi Việt Nam nhiều lần kiên quyết phản đối và lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế, nhóm tàu Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào chiều 7-8.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - bà Lê Thị Thu Hằng - trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 8-8 cho biết trong những ngày qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua trao đổi, đối thoại với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại biển Đông cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.

Về câu hỏi Việt Nam sẽ có biện pháp gì nếu nhóm tàu Trung Quốc quay lại, bà Hằng nói rằng Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bằng các biện pháp hòa bình, đồng thời cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi.

Clip: Người phát ngôn lên tiếng về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

Clip Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài về hành động vi phạm của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN