Việt Nam còn hứng chịu bao nhiêu cơn bão trong năm nay?

Sự kiện: Tin bão

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ kết thúc muộn và mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn.

Việt Nam còn hứng chịu bao nhiêu cơn bão trong năm nay? - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 1 và số 2.

Nâng cao năng lực dự báo bão

Chiều nay (8/8), Hội nghị rút kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 1 và số 2 đã diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Hà Nội) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Về công tác dự báo, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng, trước thời điểm bão số 1 vào đất liền, Bắc Bộ và Trung Bộ xảy ra nắng nóng dài ngày làm cho khí quyển bất ổn định nên gây ra lốc xoáy cục bộ kèm theo gió giật mạnh thêm 1-2 cấp so với bình thường. Ngay cả khi bão tan vẫn còn xuất hiện lốc xoáy, vòi rồng nên gây thiệt hại lớn.

“Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động của bão ngày càng trái quy luật hơn, nhất là về cường độ, tốc độ, hướng di chuyển và các hiện tượng mưa lớn, dông, lốc xoáy kèm theo. Trong khi đó, thiết bị dự báo còn nhiều hạn chế dẫn đến việc dự báo chưa chính xác”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, việc thiếu số liệu quan trắc trên biển khiến việc xác định hướng đi, cường độ thực tế, đặc biệt là cấu trúc bão dẫn đến khó khăn trong công tác nhận định sự di chuyển của bão khi vào gần bờ.

Về giải pháp khắc phục, ông Cường cho hay, sẽ rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính. Việc làm này sẽ giúp Trung tâm có nhiều hơn các sản phẩm dự báo bão chất lượng khi bão đổ bộ vào Việt Nam.

Trung tâm sẽ nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Cải tiến nội dung các bản tin dự báo theo hướng chi tiết và rõ ràng các thông tin về gió trung bình, gió giật mạnh tức thời, vùng ảnh hưởng, các hiện tượng nguy hiểm kèm theo bão…

Ông Cường cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ quan tâm, đầu tư nhằm tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống các trạm phao, trạm đo trên giàn khoan . Đồng thời, xem xét khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển của bão chính xác hơn.

Còn 3-4 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền

Nhận định về tình hình mưa bão năm nay, ông Cường cho hay, do trạng thái khí quyển - đại dương toàn cầu đang ở trung tính, chuyển từ pha nóng sang pha lạnh nên mùa mưa bão ở nước ta sẽ kết thúc muộn.

Việt Nam còn hứng chịu bao nhiêu cơn bão trong năm nay? - 2

Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.

Mưa, lũ xuất hiện với tần suất và cường độ nhiều hơn các năm trước. Những tháng cuối năm 2016, gió mùa đông bắc sẽ hoạt động sớm và mạnh hơn.

“Từ nay đến cuối năm sẽ còn 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn trên các khu vực giữa và Nam Biển Đông và khu vực Trung bộ - Nam Bộ so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Cũng theo dự báo, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 8, 9 năm nay ở mức cao hơn TBNN. Các tháng 10, 11/2016 ở mức thấp hơn TBNN, riêng tháng 12 có thể thiếu hụt từ 20-40%.

Trong khi đó, tình trạng khô hạn, thiếu hụt lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới tháng 9 và dần được cải thiện khi mùa mưa được thiết lập trên khu vực.

Lựợng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong các tháng 8,9, 12 ở mức thấp hơn TBNN. Các tháng 10,11 ở mức cao hơn TBNN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN