Tường trình xót xa từ tâm điểm bệnh “lạ”

Phóng viên đã có mặt tại làng bệnh “lạ” ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm bệnh bùng phát trở lại sau một thời gian tạm lắng, với số người mắc và tử vong liên tục gia tăng.

Hàng chục đoàn chuyên gia y tế vào rồi lại ra, nguyên nhân vẫn không thể xác định nổi. Với người dân Ba Tơ thì đây là bệnh “lạ”, nhưng cách phản ứng của các cơ quan chức năng cho chúng ta cảm giác là bệnh này rất “quen”.

Mắc bệnh - tử vong


Con đường quanh co, gồ ghề dẫn về làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - tâm điểm của bệnh “lạ” - nắng như đổ lửa. Nếu không có sự xuất hiện của các đoàn khảo sát của Bộ Y tế, có lẽ ngôi làng chỉ còn tiếng ve rừng xao xác kêu giữa trưa là âm thanh đáng kể. Sự im ắng đáng sợ này biểu hiện nỗi hoang mang của đồng bào, khi lần lượt những người bị bệnh “lạ” rời làng “về với đất”.

Ngôi nhà tuềnh toàng của chị Phạm Thị Sao tựa lưng vào núi. Thấy khách đến, chị gượng dậy nhưng mắt cứ nhìn vô hồn ra đồng, lơ lớ cất giọng: “Đã mấy ngày rồi, mình chẳng muốn ăn uống gì cả. Con ma nó bắt chồng mình đi rồi. Không biết bao giờ đến lượt mình đây”. Ngó lên vách nhà, sống lưng lạnh ngắt khi tôi thấy dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng than củi, còn đen rờ rỡ: “Phạm Văn Nhọc chết 7/5”. Phạm Văn Nhọc (55 tuổi) là chồng chị Phạm Thị Sao.

Tường trình xót xa từ tâm điểm bệnh “lạ” - 1

Các bệnh nhân mắc bệnh “lạ” đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ

Trong lần về khảo sát, truy tìm nguyên nhân gây bệnh vào cuối tháng 4, người đứng đầu ngành y tế đã “lệnh” cho “thuộc cấp” chuyển gấp ông Nhọc ra Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị. Thế nhưng, không lâu sau đó, ông Nhọc chết do men gan quá cao, sần sùi, lở loét toàn thân.

Cám cảnh gia đình bà Sao, tự dưng tôi nhớ đến thằng cu Trách (17 tuổi) mới gặp ở đầu làng. Thấy người lạ, nó không ngại kéo áo, để lộ tấm thân chi chít những vết sần, còn ri rỉ máu. Hồi trước tết, đang học lớp 9 trường xã, nó bị thủy đậu nên bỏ giữa chừng. Về nhà được ít hôm, nó mắc thêm bệnh “lạ”. Hai căn bệnh nhập vào một lúc, tước đi sức khỏe của một thằng con trai ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào làng, qua những ngôi nhà đóng kín cửa, bỏ đi nơi khác, phân súc vật vương vãi khắp nơi, bốc mùi nồng nặc. Đến nhà chị Phạm Thị Lẩy, tôi bước ngay vào nhà, với ý định xem bàn thờ bà Phạm Thị Tiến (Ngợt) - mẹ chồng chị Lẩy - để chụp tấm ảnh làm minh họa cho phóng sự này, nhưng không thấy. Anh bạn đồng nghiệp lắc đầu lý giải: “Đồng bào ở đây không lập bàn thờ người chết như người Kinh. Họ nghĩ đơn giản, chết là hết nên không thờ phụng, nhang khói làm gì”.

Phạm Thị Lẩy ngồi trước mặt tôi. Mái tóc rụng gần hết. Bàn tay, bàn chân lỗ chỗ những mảng sẹo của bệnh “lạ”. Cạnh đó, cháu Phạm Văn Thu - con trai chị Lẩy, 10 tuổi - rơm rớm mắt nhìn xuống đôi bàn chân bắt đầu xuất hiện những vết sần đầu tiên thường thấy ở bệnh “lạ”. Bà Tiến chết hôm 6/5, sau thời gian chạy chữa theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Chồng chị Lẩy - anh Phạm Văn Gương - cũng đang bị bệnh “lạ” hành hạ. Nhìn dáng vẻ tiều tụy, khô khan của người đàn bà Hrê 30 tuổi, chúng tôi cảm nhận được nỗi hoang mang, khiếp sợ đang ám lấy gia đình này.

Lẩy kể, chị đang điều trị ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa thì hay tin mẹ chồng mất nên về nhà chôn cất. Cạnh nhà chị Lẩy, chị Phạm Thị Ân cũng đang nằm... chờ chết. Bởi, sau nhiều tháng chạy chữa ở nhiều bệnh viện trong, ngoài tỉnh, nhưng bệnh của chị cứ ngày một nặng thêm. Theo già làng Phạm Văn Đang, có nhiều trường hợp được chữa khỏi nhưng khi trở về làng một thời gian lại tái phát, dẫn đến tử vong.

Tường trình xót xa từ tâm điểm bệnh “lạ” - 2

Cả gia đình chị Phạm Thị Lẩy đều mắc bệnh “lạ”, người mẹ chồng đã chết

Chắc tại... con trâu (?)

Sau nhiều lần “cùng ăn”, “cùng ở” với dân trước đây để truy tìm nguyên nhân gây bệnh, rất nhiều giả thiết được các chuyên gia, bác sĩ trong đoàn khảo sát Bộ Y tế đưa ra, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ... đoán mò. “Thủ phạm” bị điểm mặt đầu tiên “thì ra là con bọ chét”. Nghi can thứ hai là gạo mốc. Điều này gặp ngay sự phản ứng của người dân bản địa và những người hiểu biết. Tất cả những người dân làng Rêu mà chúng tôi tiếp xúc, đều khẳng định rằng, từ đời ông kỵ, ông cố đến giờ, dân làng vẫn ăn gốc (gạo) mốc “gạo già hơi” nhưng có thấy bệnh “lạ” đâu. Người Hrê không có thói quen phơi lúa. Gặt xong, họ ủ lúa, sau đó, giã lấy gạo ăn dần, nhưng đồng bào vẫn khỏe mạnh đấy thôi.

Tôi gặp Phạm Văn Gây - người làng Rêu - ở Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Gây nói cà lăm nhưng giọng điệu rất quả quyết: “Không phải bây giờ mới có cái bịnh này đâu. Mình đảm bảo đó. Bịnh này (nó) có từ 5-6 năm trước rồi. Hồi đó cũng có người chết, nhưng mà cứ tưởng chết bình thường. Bây... bây giờ nhiều người chết quá nên nó mới nói là bệnh “lạ” thôi”.

Theo lời Gây, vào thời điểm ấy, khi dịch lở mồm long móng xảy ra, dân làng bắt trâu, bò giết thịt, chia nhau ăn, sau đó có người mắc bệnh chết. Cũng theo Gây, dân làng thường đưa trâu, bò bị lở mồm long móng ra đầu nguồn con suối - nơi tắm rửa, giặt giũ, lấy nước nấu ăn - để giết thịt nên mầm bệnh bị phát tán từ đây(?). Dĩ nhiên, quả quyết “tại con trâu” của Gây cũng chỉ là một giả thiết đáng lưu tâm, trong khi các chuyên gia, bác sĩ trong đoàn khảo sát của Bộ Y tế đang loay hoay phỏng đoán nguyên nhân gây bệnh.

Quá tải - “quá khổ”


Số bệnh nhân tử vong, tái phát, mắc mới bệnh “lạ” nhích lên từng ngày, dồn Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ vào thế quá tải. Nhiều người đã tỏ ra mệt mỏi, không điều trị ở các cơ sở y tế ngoài huyện, vì thực tế, có điều trị cũng không bớt, hoặc giả có bớt cũng sẽ tái phát, tử vong. Do vậy, họ đổ dồn về bệnh viện tuyến huyện để cầu may.

Theo bác sĩ Đinh Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ - phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế đưa ra cũng không có gì khác lắm so với phác đồ lần trước. Khác lớn nhất là ở chỗ phân tuyến để điều trị cho hợp lý, giảm tải cho tuyến dưới. Trung tâm hiện chỉ có 15 giường, 3 khoa - phòng, 7 y - bác sĩ, nhưng riêng số bệnh nhân mắc bệnh “lạ” hiện thường xuyên đã lên đến gần 30 người. Và, chắc gì con số này đã chịu dừng lại, bởi sau “điệp khúc” đoàn đến - đoàn đi, bệnh vẫn không hề thuyên giảm, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa tìm ra.

Thú thật, nhìn cung cách làm việc “mỗi đoàn một phách” của các đoàn khảo sát do Bộ Y tế cử vào làng Rêu, ai cũng có quyền nghi ngờ họ đang giấu giếm một điều gì đấy. Trước cảnh quá tải kéo dài, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ phải tận dụng toàn bộ những gì có thể từ phương tiện, giường, ghế, thuốc men để cứu chữa bệnh nhân.

Đồng bào Hrê có tín ngưỡng thần linh. Mọi nỗ lực giúp họ thoát khỏi những tập tục lạc hậu có nguy cơ trở thành công cốc, bởi, chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị dứt điểm bệnh “lạ”, nên hễ nuôi được con trâu, bò nào là họ quay trở lại giết thịt để cúng bái. Rốt cuộc, trâu, bò chết mà người mắc bệnh cũng chẳng sống được lâu. Nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói.

Ông Trần Trung Triết - Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ - cho biết, huyện sẽ tích cực chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể cử người thường xuyên vào xã Ba Điền trấn an, giúp đỡ người dân chuyện đồng áng. Là ông nói vậy, chứ tôi e rằng, chắc chẳng ai dám ngâm chân dưới các đám ruộng ở làng Rêu này đâu. Vì những người đã được chữa khỏi bệnh, trở về nhà đi làm đồng thì bệnh tái phát đó thôi.

Cũng theo ông Triết, huyện cũng đã tính đến phương án dời dân làng Rêu đi nơi khác, nếu bệnh “lạ” tiếp tục kéo dài. Hơn 200 người đổ bệnh “lạ”. 21 mạng người bị quật ngã. Hàng chục người đang vật vạ, thoi thóp tại các bệnh viện. Những con số này sẽ không dừng lại với cách truy tìm nguyên nhân gây bệnh theo kiểu rề rà, “mỗi đoàn một phách” của các đoàn khảo sát do Bộ Y tế cử ra.

Bộ Y tế cấp phát thuốc cho địa phương phát sinh bệnh “lạ”

Ngày 13/5, đoàn công tác của Bộ Y tế phối hợp với huyện Ba Tơ tiến hành phun hoá chất khử khuẩn, tổng vệ sinh môi trường, phát gạo và cấp phát thuốc vitamin tổng hợp nhằm nâng cao sức đề kháng và bổ sung khoáng chất cho gần 1.400 hộ dân. Ngoài ra, người dân còn được nhận 1.000 chiếc chiếu, mền có tẩm Icon 2,5cs - hoá chất nhằm xua đuổi côn trùng, các loại bọ chét, đặc biệt là mò đỏ.

Cùng ngày, huyện Ba Tơ đã cấp phát 67,5 tấn gạo trắng cho trên 1.500 khẩu của xã Ba Điền và 31 khẩu của 4 xã có người mắc bệnh là Ba Vinh, Ba Ngạc, Ba Tô và Ba Xa. Đến ngày 13/5, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân - hay còn gọi là bệnh “lạ” - tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã khiến 205 người mắc và 21 trường hợp tử vong.

Lê Bảo

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Khang ([Tên nguồn])
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN