Tử tù thoát chết vì được người nhà bị hại xin ân xá

Rời quê mang trong mình khát khao được trở thành một bác sĩ cứu dân, giúp bản, ấy thế mà chưa hết năm thứ nhất, Quân vướng chuyện tình cảm. Khi bị bạn gái khước từ, Quân đã điên rồ giết người trong mộng rồi tự sát. Bản án tử hình được tuyên sau đó không lâu.

Thế nhưng, một chuyện hy hữu gần như là kỳ diệu đã xảy ra. Một ngày đầu tháng 10/2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định ân giảm cho Lê Ngọc Quân, từ án tử hình xuống chung thân. Điều đáng nói là để có được tờ giấy tái sinh này, công lao một phần không nhỏ thuộc về chính bố mẹ nạn nhân và 155 người dân quê hung thủ.

Mẹ bị hại và bị cáo ôm nhau cùng khóc

Chính tình mẫu tử và tấm lòng thành tâm ấy của bà Sơn đã làm lay động bố mẹ nạn nhân. Họ không chỉ tha thứ mà còn hứa sẽ đứng ra nói lời xin giảm tội cho Quân trước tòa. Có lẽ vì thế mà hôm đưa vụ án của bị cáo Lê Ngọc Quân ra xử, cả những người cầm cân nảy mực tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cũng như phóng viên các báo đài và nhân dân dự đều không khỏi xúc động, khi án vừa tuyên thì hai bà mẹ của bị cáo và bị hại ôm nhau khóc nức nở. Điều này rất hiếm khi xảy ra tại một phiên tòa, đặc biệt là tòa án hình sự, án giết người.

Từ bác sĩ tương lai thành tử tù

Lê Ngọc Quân (SN 1991) quê ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Quân từng là sinh viên Đại học Y khoa Vinh, mang trong mình ước mơ trở thành bác sĩ giúp làng, giúp bản. Bởi chưa bao giờ rời nhà đi xa, lại mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, nên ngày Quân nhập học, bà Nguyễn Thị Sơn (SN 1969, mẹ của Quân – PV) vừa mừng vừa lo.

Cầm tay mẹ, Quân hứa sẽ chăm chỉ học hành, chăm sóc bản thân thật tốt để mẹ không phải phiền lòng. Thời gian đầu, Quân đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình, khi luôn chú tâm dùi mài kinh sử. Rồi Quân cũng được bạn bè tin tưởng bầu làm cán bộ lớp phụ trách học tập. Sóng gió bắt đầu ập đến, khi chàng sinh viên trường y ngoan ngoãn ấy bước vào học kỳ 2. Để tiện đường đến trường, Quân và bạn cùng phòng đã chuyển tới một khu trọ khác ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh).

Suốt khoảng thời gian ở đây, Quân chơi khá thân với một bạn nữ trong khu trọ là Thái Thị Th. (SN 1991), quê ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) và nảy sinh tình cảm nam nữ. Sống được 6 tháng thì mọi người trong xóm trọ quyết định chuyển đi, vì nơi này mất nước thường xuyên. Thế là Quân và Th. chuyển đến 2 xóm trọ khác nhau.

Khoảng cách và thời gian quả là thước đo tình người, khi xa nhau, Quân mới nhận ra tình cảm dành cho Th. ngày càng sâu đậm. Con tim mách bảo cho Quân biết mình đã có những rung cảm đầu đời. Từ đó, hai người nói chuyện với nhau thường xuyên hơn, khi không gặp thì nhắn tin, điện thoại. Cứ thế, tình cảm của đôi trẻ lớn dần lên. Bản tính vốn có phần nhút nhát, nên phải đắn đo rất lâu Quân mới dám ngỏ lời với cô hàng xóm cũ.

Tử tù thoát chết vì được người nhà bị hại xin ân xá - 1

Lê Ngọc Quân ngày xử án (Ảnh: Infonet.vn)

Sau bao đêm thổn thức vì hình bóng, nụ cười của người trong mộng, ngày 14/2/2011, cũng là ngày Lễ tình nhân, Quân đã ra chợ chọn một con gấu bông to bằng nửa người thường, trang trí cẩn thận, đóng hộp, buộc nơ rất đẹp để mang đến phòng bạn gái, lấy cớ nói lời yêu thương. Đúng như niềm hy vọng của chàng trai, trước những tình cảm chân thành từ Quân, cô gái quê lúa Yên Thành đã đồng ý.

Thế nhưng, chưa kịp quen với cảm xúc lâng lâng vui sướng, thì chỉ 4 ngày sau, Quân lại bất ngờ nhận được tin nhắn của bạn gái đề nghị chia tay. Bi kịch được nhen nhóm từ đây.

Bạn gái chia tay không một lý do khi ngày hạnh phúc quá ngắn ngủi, Quân thấy không cam tâm. Lững thững sang phòng trọ người yêu, Quân gặng hỏi mà Th. vẫn nhất quyết không chịu nói rõ vì sao. Cảm xúc đau khổ dày vò Quân suốt mấy ngày. Có lẽ do bị mối tình đầu làm tổn thương, trong đầu Quân nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Một đêm lành lạnh cuối tháng 2/2011, cách mấy hôm Quân bị Th. từ chối tình yêu, quân lại tìm sang phòng Th. chơi. Khi qua phòng trọ đầu tiên, Quân thấy có một con dao nhọn để ở chậu bát ngoài sân liền lấy giấu vào ống tay áo, lúc đó, một ý định điên rồ đã lướt qua đầu Quân.

Sau một hồi bị Quân gặng hỏi lý do vì sao lại từ chối tình yêu của Quân, Th. mới lí nhí nói do Quân bị bệnh tim, nếu lấy nhau về sau này sẽ khổ nên không thể đáp lại. Trước lý do quá phũ phàng và có sự kỳ thị vì bệnh tật, Quân cảm thấy thất vọng về người con gái mình tin tưởng chia sẻ tâm sự và trao yêu thương. Trong lúc mất bình tĩnh, Quân đã rút con dao thủ sẵn trong người ra cắt cổ tự sát nhưng Th. ngăn cản. Sau hồi giằng co, Quân dùng dao đâm một nhát vào bụng người yêu, làm nữ sinh này ngã xuống nền nhà. Ngay lúc đó, Quân chốt cửa lại, rồi quay vào tiếp tục dùng dao cứ chằng chịt khắp cổ, mặt nạn nhân. Khi biết Th. đã chết, Quân dùng dao cắt cổ tay, đâm vào bụng mình để tự sát.

Hàng xóm xung quanh thấy bất thường chạy sang xem tình hình. Mọi người đạp cửa vào thì đã chứng kiến cảnh Th. và Quân đang nằm sõng soài giữa một vũng máu. Hai nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện đa khoa Nghệ An cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây kết luận Th. đã bị tử vong trước đó, còn Quân thì may mắn thoát chết.

Sự việc đã nhanh chóng được trình báo lên cơ quan công an tỉnh Nghệ An. Sau khi phục hồi sức khỏe, Lê Ngọc Quân đã phải đối diện với một bản án thích đáng dành cho tội Giết người của mình. Ngày 14/7/2011, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử và tuyên mức tử hình cho hành vi giết người của bị cáo. Lê Ngọc Quân trở thành tử tù được đưa về phòng biệt giam tại trại giam Nghi Kim để chờ ngày thi hành án.

Tử tù thoát chết vì được người nhà bị hại xin ân xá - 2

Nước mắt người thân của Quân khi nghe tòa tuyên án tử hình Lê Ngọc Quân vì hành vi giết người (Ảnh: Gia đình & Xã hội)

Thoát “chuyến đò về âm phủ” nhờ tình người

Đối với nhiều người đến dự phiên phúc thẩm của TANDTC ngày 27/9/2011 xét xử bị cáo Lê Văn Quân về tội danh Giết người, có lẽ không ai quên được hình ảnh người mẹ khốn khổ của nạn nhân đứng trước tòa khẩn thiết xin được tha chết cho kẻ đã cướp đi mạng sống, tương lai của con gái bà. Tuy nhiên, mức án vẫn được giữ nguyên đã khẳng định cơ hội sống của tử tù Lê Ngọc Quân không còn nữa.

Sau những ngày đau đớn như thể chết đi sống lại, bà Nguyễn Thị Sơn đã tự vực lòng mình dậy để an ủi con. Bằng tình mẫu tử mãnh liệt, bà vẫn cố gắng làm tất cả mọi điều để có thể mong muốn giữ lại mạng sống cho con trai mình, dẫu biết đó là điều khó xảy ra. Một mặt, bà động viên con không được bi quan ở chốn lao tù, dẫu phải đối diện với bất cứ điều gì cũng phải lạc quan, viết đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước. Đều đặn mỗi tháng một lần, bà cùng chồng lại khăn gói thay nhau xuống trại giam Nghi Kim để thăm con, kể cho con nghe nhiều chuyện vui xung quanh, động viên để Quân cố gắng sống tốt những ngày cuối đời trong hy vọng, dù rất nhỏ nhoi. Mặt khác, ngay khi vụ án xả ra, người mẹ chân lấm tay bùn này đã đến nhà nạn nhân, thay mặt con trai cầu xin sự tha thứ.

Sau khi được đưa về phòng biệt giam của trại giam Nghi Kim chờ ngày ra pháp trường, Quân biết rằng đường về của mình đã bị cắt. Chứng kiến những tình cảm yêu thương của bố mẹ và sự tha thứ, bao dung của bố mẹ Th., Quân hối hận vô cùng, nhưng tiếc rằng tất cả đã quá muộn. Trong đầu mình, Quân luôn lẩm nhẩm câu giá như được sống lại lần nữa, mình sẽ sống thật tốt.

Phía ngoài song sắt, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên có một việc làm rất đặc biệt đang diễn ra trong cái xóm Đào Nguyên nhỏ bé của tử tù Lê Ngọc Quân, đó là gia đình bị hại và 155 người dân ở đây đã đồng loạt ký vào lá đơn gửi Chủ tịch nước xin cho Quân được sống, để làm lại cuộc đời và tạ lỗi với gia đình bị hại Thái Thị Th.. Có lẽ, tất cả những tấm chân tình ấy đã làm lay động trái tim của những người cầm cán cân công lý. Một ngày tháng 10/2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định ân giảm cho Lê Ngọc Quân từ án tử hình xuống chung thân.

Cầm tờ giấy tái sinh, Quân đã bật khóc nức nở, một cảm xúc khó gọi thành tên. Bây giờ thì Lê Ngọc Quân đã được chuyển đến trại giam Đồng Sơn (Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình) để thụ lý bản án chung thân. Hy vọng với món quà vô gái có được từ những tấm lòng của người dân Đào Nguyên và gia đình Th., Quân sẽ biết mình phải làm gì cho xứng đáng. Thời gian thụ án của Quân tuy còn dài lắm, nhưng may rằng vẫn còn đường để về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Loan Nguyễn (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN