Trung Quốc “chấm thi” tổng thống Mỹ
Thường xuyên “đao to búa lớn” về việc ủng hộ bán thêm vũ khí cho Đài Loan, chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ…, nhưng ông Mitt Romney vẫn được Trung Quốc “chấm” cho vào Nhà Trắng.
Barack Obama và Mitt Romney, ứng viên tổng thống nào sẽ tốt hơn cho quan hệ Trung - Mỹ? Đây là câu hỏi quan trọng đối với Bắc Kinh. Năm 2011, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Vì hàng triệu công ăn việc làm tại nước mình đang bị đe dọa, Trung Quốc không chỉ quan tâm đến quan điểm cứng rắn của ứng viên tổng thống Mỹ về chính sách tiền tệ của Trung Quốc mà còn để ý một vấn đề lớn hơn là ứng viên sẽ định hướng chính sách kinh tế như thế nào trong 4 năm tới.
Và mối quan tâm này của Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi mà Bắc Kinh đang theo dõi Mỹ trở lại châu Á và tái cân bằng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cùng với vấn đề lao động, môi trường, tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ, chính sách trở lại châu Á và tái cân bằng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ ảnh hưởng sự ổn định trong nước của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ ra mắt vào tháng 11, chỉ vài hôm trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Mitt Romney (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (Ảnh: Getty Images)
Phe Cộng hòa nắm quyền, quan hệ Mỹ - Trung tốt hơn
Dù có lối nói khoa trương, cứng rắn, nhưng ứng viên Romney có thể tốt hơn ứng viên Obama, xét về lợi ích đối với Trung Quốc. Xưa nay, các thành viên đảng Cộng hòa luôn ủng hộ thương mại tự do, doanh nghiệp tự do và việc không có quá nhiều quy định, luật lệ. Những điều này ít nhiều tương thích với triết lý kinh tế nhà nước hiện hành của Trung Quốc về phát triển, đầu tư, thương mại, doanh nghiệp và hiệu quả.
Từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ chính thức năm 1979, quan hệ tổng thể của hai nước tốt hơn mỗi khi phe Cộng hòa nắm quyền. Mấu chốt vấn đề rất đơn giản: không có ảo tưởng ngay từ đầu, những vấn đề về nhân quyền ít hơn, thảo luận thẳng thắn và hợp tác cụ thể mỗi khi có điều kiện. Cách tiếp cận đơn giản này dường như giúp ổn định quan hệ song phương Trung – Mỹ, vì nó giúp tránh được sự đồn đoán và rủi ro.
Ứng viên Romney nhắc đi nhắc lại rằng, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Nhưng, ông có thực sự làm được điều này?
Năm ngoái, Trung Quốc bỏ ra 120 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa Mỹ và xấp xỉ 1 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ, mỗi người chi tiêu trung bình 7.000 USD. Dù kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, những con số này sẽ tăng trong năm 2012. Nếu trở thành tổng thống, ông Romney liệu có thực sự muốn chọc giận Trung Quốc, để rồi đánh mất hàng nghìn việc làm ở Mỹ?
Hai ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, ông Obama ra một thông báo tương tự để bảo vệ ngành dệt của Mỹ trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua tới Nhà Trắng, chính quyền Obama dành gần 4 tháng để điều tra xem thực tế Trung Quốc có thao túng nội tệ hay không. Kết luận là Trung Quốc không thao túng đồng nhân dân tệ.
Nếu giành chiến thắng trong đợt bầu cử tháng 11 tới, ông Romney có thể sẽ theo gương ông Obama. Rốt cuộc, ông không chỉ nghĩ cho kinh tế Mỹ, mà còn nghĩ cho nhiệm kỳ hai của mình.
Nếu đắc cử tổng thống, Romney nên hiểu rằng, Trung Quốc đem lại cả cơ hội và sự cạnh tranh, nhưng cơ hội nặng cân hơn. Sự suy thoái kinh tế và tài chính Mỹ hiện nay là kết quả của toàn cầu hóa và bội chi của Mỹ, đặc biệt là do hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Washington có thể đổ lỗi cho Bắc Kinh vì làm khủng hoảng tài chính Mỹ trầm trọng hơn, hoặc có thể cùng nhau làm việc để có được một giải pháp có lợi chung.
Vì cuộc chiến kéo dài một thập kỷ của Mỹ ở Trung Á đang đến hồi kết, nên nhu cầu hợp tác Trung – Mỹ trên mặt trận chống khủng bố sẽ giảm mạnh. Việc tái phân bổ nguồn lực này có thể gây ra vấn đề. Chứng kiến sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc về nhiều mặt, chính quyền Obama đã chuyển chiến lược trọng tâm sang cân bằng Trung Quốc ở Đông Á và nhiều khu vực khác.
Ngày càng có nhiều xích mích giữa hai nước, do những lo ngại của mỗi bên gây ra (như Mỹ nghi ngờ ý định của Trung Quốc ở biển Đông), khiến sự tin tưởng chiến lược của họ giảm dần. Nếu tái đắc cử tổng thống, ông Obama chắc chắn sẽ tiếp tục hướng đi này.
Ông Romney và những lời nói gió bay
Nếu ông Romney trở thành tổng thống, chính sách đối ngoại của ông cũng không hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Ông từng hứa tăng cường bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan và sẽ không quan tâm việc dành nhiều thời gian giải thích chính sách an ninh châu Á của Mỹ cho Bắc Kinh nghe. Thay vào đó, chính quyền của ông sẽ khẳng định sự dẫn dắt của Mỹ trong khu vực.
Nhìn bề ngoài, những tuyên bố thẳng thắn của ông Romney nếu biến thành chính sách đối ngoại thì chúng sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại nhiều hơn là vui mừng. Tuy nhiên, vì những phát biểu này quá trực diện, nên cuối cùng, chúng có thể ít gây ra sự hiểu nhầm cũng như sự bực mình.
Hiện nay, ông Obama vẫn cố gắng trong vô vọng để giải thích rằng, chiến lược trọng tâm châu Á của mình không nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ông cũng phát tín hiệu rằng sẽ hợp tác với Trung Quốc khi nào có thể. Việc làm của ông Obama (trước khi áp dụng chính sách trọng tâm châu Á) thành công trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, nhưng kể từ cuối năm 2009, quan hệ song phương Mỹ - Trung xấu đi.
Nếu tháng sau ông Romney trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai được dự đoán là Tập Cận Bình có thể sẽ bắt tay nhau và quên hết những gì ứng viên Romney đã nói từ trước tới nay, giống như Bắc Kinh và Washington đã vượt qua những tuyên bố hùng hồn trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008.