Triều Tiên có từ bỏ TQ, tiếp bước Myanmar?

Một câu hỏi mà các nhà làm chính sách có thể nghĩ tới trong chiến lược dài hạn với Triều Tiên là: Liệu quốc gia cô lập này có thể trở thành một Myanmar tiếp theo?

Myanmar từng bị coi là vùng đất hoang, nhưng nay đang gây ngạc nhiên khi trở thành "giấc mơ" của các nhà đầu tư phương Tây. Dù có rất nhiều khác biệt giữa Triều Tiên và Myanmar, nhưng hai quốc gia này chia sẻ nhiều đặc điểm tương đồng khiến giới đầu tư vào Đông Nam Á dự đoán đúng hướng đi của Myanmar có thể cũng nghĩ như vậy về tương lai của Triều Tiên.

Mãi cho đến gần đây, đồng minh duy nhất của Myanmar cũng là Trung Quốc. Suốt hơn 1 thập kỷ, phương Tây trừng phạt Myanmar vì cho rằng nước này thường xuyên vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vụ quản thúc tại gia nhà hoạt động nổi tiếng Aung San Suu Kyi. Năm 2011, chính phủ quân sự đổi hướng đi và chấp nhận con đường cải tổ, dẫn tới việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận xuất khẩu đối với Myanmar từ tháng 9 năm ngoái. Nhà hoạt động Suu Kyi được giải phóng, đang làm việc với chính phủ để tìm ra chính sách cải cách, và người phương Tây mang theo nhiều va li tiền đến đây để đầu tư.

Triều Tiên có từ bỏ TQ, tiếp bước Myanmar? - 1

Nông dân Triều Tiên làm việc trên cánh đồng hôm 8/4/2013

Có rất nhiều lý do khiến Myanmar trở nên hấp dẫn đối với giới đầu tư đến từ tây bán cầu.

Đất nước này có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn phì nhiêu, trữ lượng đá quý, dầu, khí, than và kim loại phong phú. Số lượng văn phòng cho thuê ở một số khu vực của cựu thủ đô Yangon còn nhiều hơn cả khu vực trung tâm thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Trẻ em thường ăn xin trên đường phố giờ chuyển sang bán tài liệu luật đầu tư (bằng tiếng Myanmar và tiếng Anh).

Sự chuyển đổi ở Myanmar một phần là do thế hệ lãnh đạo nhận ra rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc làm đe dọa đến an ninh quốc gia. Chính phủ chuyển sang ưu tiên đa dạng hóa đối tác thương mại.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với Triều Tiên.

Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều cho Triều Tiên về ngoại giao và kinh tế. Theo Hội đồng quan hệ đối ngoại, Trung Quốc thỏa mãn phần lớn nhu cầu năng lượng cho Triều Tiên cùng với rất nhiều hàng hóa tiêu dùng và gần một nửa nguồn cung thực phẩm. Nhưng dù Trung Quốc hỗ trợ nhiều như vậy, lãnh đạo Triều Tiên vẫn phớt lờ các yêu cầu của Bắc Kinh. Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2 bất chấp Trung Quốc công khai phản đối.

Áp lực kinh tế và chính trị không có tác dụng nhiều đối với lãnh đạo Triều Tiên vì Bình Nhưỡng theo đuổi tư tưởng Juche, nghĩa là “tự lực”, dẫn đến phản ứng tiêu cực trước áp lực từ bên ngoài. Tâm lý kẻ yếu là hệ quả của nhiều thế kỷ phải cúi đầu trước hàng xóm quá mạnh là Trung Quốc và Nhật. Khi chế độ cảm thấy bị khiêu khiến, họ thường hành động theo hướng ngược lại để thể hiện sự tự lực, độc lập.

Đối với Trung Quốc, việc bị Triều Tiên phớt lờ quả thật là điều đáng xấu hổ. Chiến lược của Trung Quốc là kết hợp khiển trách với ràng buộc kinh tế, nhằm hy vọng tạo ảnh hưởng để thay đổi suy nghĩ của Triều Tiên. Trong khi đó, lãnh đạo Triều Tiên ý thức được rằng họ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và hệ tư tưởng Juche có thể là chất xúc tác dẫn đến quá trình đa dạng hóa – giống như Myanmar.

Và giống như Myanmar, Triều Tiên có thể rất hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Triều Tiên cũng có trữ lượng khoáng sản lớn chưa được khai thác, mà theo đánh giá của Hàn Quốc là trị giá khoảng 6.000 tỷ USD. Đất nước này cũng có lực lượng lao động giá rẻ dồi dào, với tỷ lệ mù chữ lớn hơn cả Myanmar.

Khác biệt lớn nhất giữa hai quốc gia là: Thái độ của người dân đối với phương Tây.

Ngay cả khi Mỹ cấm vận Myanmar, người dân nước này cũng không được tuyên truyền để ghét Mỹ. Trong khi đó, chiến dịch tuyên truyền đều đặn của Triều Tiên khiến người dân đất nước này có cái nhìn không thiện cảm về Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm được chào đón gần đây của một số người Mỹ như Chủ tịch Google Eric Schmidt và cựu sao bóng rổ Dennis Rodman cho thấy Mỹ vẫn có quyền lực mềm và họ có thể làm đòn bẩy. Tuy Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Schmidt, nói rằng thời gian của chuyến thăm không “đặc biệt hữu ích”, nhưng thực tế lại khác.

Tất nhiên, chiến lược quyền lực mềm rất khó để áp dụng trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Từ khi vụ thử hạt nhân được thực hiện vào tháng 2, Triều Tiên nhiều lần đe dọa tấn công các căn cứ của Mỹ ở châu Á. Triều Tiên đã đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong và tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc. Có những hành động không thể bỏ qua. Nhưng khi quyết định phản ứng lại thì điều quan trọng là phải hiểu lãnh đạo Triều Tiên nghĩ gì.

Quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên là vấn đề được các nhà đầu tư vào Đông Nam Á theo dõi sát sao nhất. Có lẽ Triều Tiên sẽ nhận thấy và hiểu những bước đi của Myanmar.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN