Tranh luận vị trí được phong tướng Công an

Sáng 7/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật CAND (sửa đổi). Đây cũng là nội dung được các ĐBQH thảo luận tại tổ chiều cùng ngày.

Tranh luận vị trí được phong tướng Công an - 1

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu trong phiên thảo luận tổ

Không phong tướng thì bất cập trong luân chuyển

Dự thảo Luật sửa đổi lần này không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an. Dự luật cũng đề nghị cấp hàm thiếu tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh loại 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính tán thành việc phong tướng cho Giám đốc Công an tỉnh theo hướng chọn địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự nhưng phải có tiêu chí. Tuy nhiên, ông Chính lưu ý phải khống chế về tiêu chí và số lượng tướng để đảm bảo nếu có quy định này cũng không làm tăng số lượng cấp tướng.

ĐB Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự băn khoăn: Bởi sau khi bỏ tổng cục, cục trưởng và giám đốc công an là cấp liền kề với cấp lãnh đạo Bộ Công an, tương đương nhau nhưng cục trưởng cấp hàm lên đến thiếu tướng, trung tướng trong khi giám đốc công an chỉ đại tá là không hợp lý. “Các giám đốc công an đều tham gia thường vụ, chức năng, nhiệm vụ như nhau. Cục trưởng có 200-300 quân, còn giám đốc công an tỉnh quản lý từ 3.000-4.000 quân. Nếu chỉ ưu tiên tỉnh, thành loại 1 thì rất khó”, bà Xuân nói và cho rằng, nên quy định cấp hàm cao nhất là thiếu tướng đối với toàn bộ giám đốc công an các tỉnh, thành.

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới cũng cho rằng, việc quy định giám đốc công an tỉnh hàm đại tá sẽ xảy ra bất cập khi luân chuyển. Chẳng hạn, cục trưởng làm thiếu tướng, khi luân chuyển về tỉnh chẳng lẽ lại “lột cầu vai xuống”? Từ đó, ông Tới đề nghị tất cả giám đốc công an tỉnh còn lại đều được phong thiếu tướng.

Công an làm tham mưu, làm kinh tế có nên phong tướng?

ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm là “tướng thì phải cầm quân”.

“Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh chúng ta cũng nên có lý giải”, bà Nga nêu ý kiến.

ĐB Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên không đồng tình với giải trình của Bộ Công an về căn cứ phong tướng cho giám đốc công an cấp tỉnh, đề nghị giữ trần quân hàm như hiện nay là đại tá: “Cá nhân tôi là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi nghĩ phong tướng như thế là nhiều quá”.

Giải trình rõ hơn về quy định phong cấp tướng công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không làm thay đổi cơ cấu. “Trước đây, các ĐBQH cứ nói sao mà tướng nhiều thế. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong CAND là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá”, ông Lâm nói và cho rằng còn phải đủ tiêu chuẩn mới được xét.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, những cục đặc biệt mà gộp 5-6 cục thì cục trưởng phải được trung tướng. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 cục, nếu bố trí tất cả cục trưởng và giám đốc công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng thì tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200. Bộ trưởng nêu một bất cập nữa là nếu giám đốc công an tỉnh chỉ đại tá mà được quy hoạch thứ trưởng thì không thể lên thượng tướng, vì phải mất mười mấy năm.

Đưa công an chính quy về, công an xã sẽ đi đâu?

Về nội dung chính quy lực lượng công an xã, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn nếu phân bổ 25.000 công an chính quy về công an xã thì giải quyết lực lượng công an xã với số lượng rất lớn hiện tại thế nào, có tính đến chế độ chính sách cho họ?

Làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phân tích, về việc bố trí lực lượng công an chính quy xuống xã để sát với dân, lắng nghe, giải quyết căn cơ nhiều vấn đề. Trước băn khoăn rằng, việc chuyển 25.000 công an chính quy xuống làm công an xã có gây khó khăn cho địa phương hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua khảo sát, nhiều lãnh đạo địa phương trao đổi rằng như thế này rất “khỏe”. “Trước đây, biên chế công an xã do HĐND tỉnh trả lương, giờ không phải trả nữa mà Bộ Công an trả lương, kinh phí cho lực lượng này. Không hề có gánh nặng gì cả”, ông Lâm nói.

Với số công an xã chưa phải chính quy, bộ sẽ có chính sách tuyển chọn vào lực lượng chính quy và cũng không lo việc này làm tăng biên chế vì số biên chế nghỉ hưu - mỗi năm khoảng vài nghìn suất sẽ bù vào.

Đừng để người dân sợ công an

Nhất trí với dự thảo Luật CAND (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp ý, công an phải công khai, minh bạch tốt hơn, sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng. “Đừng để người dân sợ công an, phần lớn hiện nay người dân còn sợ công an lắm. Không có công an một ngày rất nguy cấp nhưng họ cũng rất e ngại”, Thủ tướng lưu ý công an phải sửa phong cách, nhưng quan trọng nhất là luật phải làm sao để CAND sát dân hơn, gần dân hơn. Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn lực lượng công an cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn. Vừa qua lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập, trách nhiệm một phần thuộc chính quyền, song chính là trách nhiệm của lực lượng công an.

Quốc hội bấm nút thông qua Luật Quốc phòng

8 giờ 30, sáng 8-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng với 88.30% đại biểu tán thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN