Trả lương nghìn đô cho "osin" ngoại quốc
Trung bình, lao động là người nước ngoài nhận giúp việc trong gia đình tại Việt Nam được trả lương từ 700-1.200 USD/tháng.
Ngày 18/10, đại diện Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hiện đã có khoảng 200 lao động nước ngoài làm nghề giúp việc gia đình trú tại Q 2, TP. Hồ Chí Minh. Lương của các lao động này từ 700-1.200 USD, nhưng chưa được chi trả các khoản BHYT và BHXH khác. Đa phần các lao động đều có mong muốn có quan hệ lao động chính thức với chủ sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay chưa một lao động nào trong số này được điều chỉnh bởi Luật Lao động.
Theo bà Nguyễn Diệu Hồng (Vụ Bình đẳng giới thì chính do Luật chưa có những quy định cụ thể thế nào là lao động giúp việc tại nhà nên các nội dung kèm theo cũng chưa được rõ ràng. Theo bà Hồng, hiện nay, lao động giúp việc tại nhà có nhiều dạng, có người làm việc và ở luôn tại nhà chủ, có người thì làm việc như một viên chức theo giờ hành chính.
Một nghiên cứu của Viện Gia đình và Giới thực hiện trong năm 2011, trên 600 lao động giúp việc tại nhà cũng cho thấy, đa phần người lao động đi giúp việc không coi đây là một nghề. Chính vì vậy họ chỉ sử dụng khoảng 50% thời gian để làm nghề, số còn lại có thể làm thêm các công việc thời vụ khác như làm ruộng, buôn bán vặt… Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đa phần họ không có BHYT và BHXH. Kết quả trong gần 300 người giúp việc gia đình ở tại nhà chủ chỉ có 3% có BHXH và 18% có BHYT. Số này phần lớn là tự mua hoặc do Nhà nước chi trả do thuộc diện hộ nghèo.
Nếu như Luật lao động cũ chỉ điều chỉnh quan hệ với lao động làm việc từ 3 tháng trở lên, thì nay Luật Lao động năm 2012 có sửa và điều chỉnh quan hệ ngay từ khi tham gia lao động. Tuy nhiên, theo bà Hồng không phải lao động nào cũng hào hứng với quy định mới này. Việc quy định như vậy quá cứng nhắc, luật hoá sâu sắc. về lâu dài có thể gây nên tình trạng tranh chấp lao động, khó khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. “Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lao động không thích ký hợp đồng lao động. Chỉ thích thoả thuận miệng”. bà Hồng cho biết.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhận định trước mắt cần tuyên truyền để người lao động giúp việc gia đình thấy rõ được nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân khi tham gia ký kết hợp đồng lao động. Có như vậy, thì việc quản lý đối tượng lao động này mới được thực hiện.