Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “bầu Kiên”

TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng ACB để tiến hành điều tra bổ sung thêm một số tình tiết chưa được làm sáng tỏ trong vụ án “bầu” Kiên từng gây chấn động dư luận.

Ngày 9/1, tin từ TAND TP Hà Nội cho biết cơ quan này đã quyết định trả hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) để tiến hành điều tra bổ sung.

Hồ sơ vụ án đã được trả về VKSND TP Hà Nội để chuyển tới VKSND Tối cao thực hiện theo thẩm quyền, trình tự tố tụng tiến hành điều tra bổ sung thêm một số tình tiết chưa được làm sáng tỏ trong hồ sơ vụ án.

TAND TP Hà Nội yêu cầu điều tra, bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết liên quan tới việc xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các bị can và một số người liên quan khác nhằm đảm bảo căn cứ cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “bầu Kiên” - 1

Bị can Nguyễn Đức Kiên bị truy tố với 4 tội danh

Trước đó, VKSND Tối cao đã truy tố 7 bị can, trong đó ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên, là cổ đông của Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) bị truy tố về 4 tội danh: “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”, trong đó tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt cao cao nhất lên tới tù chung thân.

Hai bị can Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về cùng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị can Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỉ đồng.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “bầu” Kiên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thép Hòa Phát.

Về hành vi kinh doanh trái phép, ông Kiên bị cáo buộc từ ngày 15-5-2007 đến ngày 3-8-2012 đã thông qua danh nghĩa 6 công ty để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với số tiền hơn 21.000 tỉ đồng.

Về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cùng các bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải.

Ông Giá là người quản trị lớn nhất của Ngân hàng ACB, biết rõ các quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng các bị can này vẫn đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng. Số tiền này bị “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt và không có khả năng trả lại.

Vụ án này được coi là một trong 10 “đại án” tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được VKSND Tối cao đề xuất với Đoàn kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu vào 12-9/2/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ng.Quyết (Người lao động)
Xét xử vụ án "bầu Kiên" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN