TQ từ chối "đóng băng" hành vi khiêu khích ở Biển Đông

Sự cố chấp của Trung Quốc lại một lần nữa được thể hiện trong Diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra hôm qua.

Ngày 10/8, trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự cố chấp của mình khi khăng khăng bác bỏ đề xuất “đóng băng” mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông cũng như kế hoạch của Philippines nhằm làm giảm thiểu căng thẳng trên vùng biển chiến lược này.

Phát biểu tại hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Thật không ngoa khi nói rằng những gì đang diễn ra trên vùng biển này không chỉ là vấn đề của khu vực và của Mỹ mà là vấn đề của tất cả mọi người trên thế giới.”

TQ từ chối "đóng băng" hành vi khiêu khích ở Biển Đông - 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

“Đó là lý do tại sao chúng tôi hối thúc các bên tự nguyện thống nhất chấm dứt một số hành động nhất định làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”, ông Kerry nói.

Mặc dù trong thời gian gần đây Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược trên Biển Đông, thách thức các quốc gia láng giềng như Việt Nam và Philippines, song Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng cho rằng việc các nước nói về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông là “phóng đại”.

Ông Vương Nghị nói: “Chúng tôi không đồng ý với cách làm này và chúng tôi kêu gọi mọi người cảnh giác trước các động cơ đằng sau nó. Bất cứ đề xuất nào về các biện pháp trên Biển Đông chỉ làm gián đoạn cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử”.

Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không ngừng các hoạt động đào đắp, xây dựng, cải tạo các hòn đảo mà họ chiếm giữ trái phép trên Biển Đông trong nỗ lực thay đổi hiện trạng phục vục cho mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà của họ, và Bắc Kinh đang đem Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ra làm “con tin” để gây sức ép với các quốc gia trong khu vực.

TQ từ chối "đóng băng" hành vi khiêu khích ở Biển Đông - 2

Trung Quốc không chịu từ bỏ các hoạt động khiêu khích, gây căng thẳng trên Biển Đông

Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán COC từ rất lâu, song với sự cố tình chây ỳ, trì hoãn của Bắc Kinh, đến nay COC vẫn chưa thể là một văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc đối với các quốc gia trên Biển Đông.

Trong lúc đàm phán gần như rơi vào bế tắc, Trung Quốc tranh thủ thời gian tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu mỏ, xây dựng công trình trên các bãi đá trên vùng biển tranh chấp bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã khiến Mỹ ngày càng phải quan tâm hơn tới tình hình căng thẳng tại Biển Đông, nơi Mỹ có đồng minh chiến lược là Philippines. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông của Mỹ từ trước tới nay luôn vấp phải sự phản đối, chỉ trích quyết liệt của Trung Quốc, và điều đó được thể hiện rõ ràng trong cuộc gặp giữa ông Kerry và người đồng cấp Vương Nghị.

Ngay từ lúc bắt đầu cuộc họp báo chung, ông Vương Nghị đã “phủ đầu” ông Kerry bằng cách chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ đến muộn, bắt ông Vương phải đợi “nửa giờ đồng hồ”, khiến người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ phải lúng túng  xin lỗi.

TQ từ chối "đóng băng" hành vi khiêu khích ở Biển Đông - 3

Ông Kerry (trái) bắt tay với ông Vương Nghị

Trong khi đó, tại Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho hay: “Căng thẳng trên Biển Đông đã trở nên tồi tệ trong vài tháng qua và sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi. Tất cả chúng ta đều đang chứng kiến cách hành xử hung hăng và hành động khiêu khích trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”.

Còn ông Richard Bitzinger, chuyên viên cấp cao tại Đại học Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore thì nhận định: “Đối với người Trung Quốc, vấn đề Biển Đông đã được định đoạt rõ ràng. Họ cho rằng họ có chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, và họ chỉ cần người khác công nhận điều đó”.

Cũng tại hội nghị này, Philippines đã đề xuất một “kế hoạch ba hành động” kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua trọng tài trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và yêu cầu các bên chấm dứt những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thế nhưng, ông Vương Nghị lại kiên quyết phản đối kế hoạch trên của Philippines với lý do rằng Manila đã “vội vàng đề cập ngay đến bước thứ ba mà bỏ qua hai bước đầu tiên”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN