TP.HCM: Chính thức định đoạt “số phận” 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng
Trong số 258 cây xanh nói trên có 143 cây bị chặt, còn lại sẽ được bứng dưỡng để trồng lại trong các công trình khác thuộc TP.HCM.
Sẽ phải chặt nhiều cây cổ thủ trên tuyến đường Tôn Đức Thắng để xây dựng cây cầu Thủ Thiêm 2 hiện đại.
Đã lựa chọn nhiều phương án
Thông tin trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường công bố tại kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra vào chiều ngày 5/7. Như vậy sau gần 3 năm đắn đo, chính quyền đã có quyết định chính thức về số cây này.
Báo cáo trước HĐND TP ông Cường cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông TP đến năm 2020 thì hệ thống cầu kết nối qua sông Sài Gòn sẽ bao gồm cầu đường bộ, cầu đường sắt, hầm đường bộ… với tổng số 26 công trình.
Riêng Khu đô thị Thủ Thiêm hiện đã được kết nối bằng cầu Thủ Thiêm 1, đường hầm sông Sài Gòn và trong tương lai sẽ là cầu Thủ Thiêm 2 (kết nối từ đường Tôn Đức Thắng), cầu Thủ Thiêm 3, 4 và đường hầm metro (nối từ đường Hàm Nghi sang).
Theo ông Cường, trước khi quyết định TP đã cân nhắc nhiều phương án, trong đó có làm hầm. Nhưng sau khi xem xét, các cơ quan chức năng nhận thấy nếu làm hầm sẽ có 4 bất lợi so với làm cầu.
“Thứ nhất là vướng hầm metro số 1 nên việc xử lý rất khó khăn. Thứ hai, khi xây dựng hầm thì đường dẫn vào phải dìm sâu, từ đó ảnh hưởng tới đường Tôn Đức Thắng. Thứ ba, nếu xây dựng hầm thì kết nối với đường Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Thánh Tôn rất khó khăn. Thứ tư là chi phí xây dựng cầu thường cao hơn hầm và đặc biệt là chi phí duy tu, bảo trì rất tốn kém” - ông Cường cho biết.
Ông Cường nói thêm: “Hiện nay với đường hầm sông Sài Gòn chúng tôi phải hình thành riêng một trung tâm để quản lý, trong khi quy mô khai thác chỉ tương tự như hệ thống cầu Thủ Thiêm”.
Chính vì vậy, sau khi xem xét và được sự góp ý của Hội đồng Quy hoạch kiến trúc của TP, tập thể Thường trực Thành ủy, UBND TP đã thống nhất chọn phương án xây dựng cầu dây văng, với chiều dài 1.465m (bao gồm đường dẫn) với 6 làn xe.
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối hàng cây nhưng cho rằng trong quá trình phát triển TP không thể tránh khỏi việc phải "đánh đổi".
Mong người dân đồng thuận
Do quy mô công trình như vậy nên sẽ có 258 cây xanh thuộc 8 loại bị ảnh hưởng, trong đó nhiều nhất là sọ khỉ (xà cừ) với 196 cây, thứ 2 là lim xẹt với 45 cây.
Ngoài ra còn phải di dời 9 đơn vị hạ tầng kỹ thuật, 10 tổ chức, cá nhân với tổng cộng 13.000m2 (phía quận 1). Tổng chi phí để di dời và giải phóng mặt bằng khoảng 305 tỷ.
Ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh rằng việc di dời cây xanh sẽ được thực hiện theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc đốn hạ; số lượng trồng mới phải lớn hơn số cây bị chặt; độ che phủ phải lớn hơn mảng xanh hiện hữu.
Đặc biệt số gỗ có được sẽ dùng vào mục đích công cộng, tương tự như những cây dầu của Nhà hát TP được dùng làm ghế ngồi tại đường Nguyễn Huệ.
Sau khi tính toán, TP quyết định đốn hạ 143 cây – là những cây có kích thước lớn, nếu di dời rất phức tạp, tốn kém trong khi khả năng trồng lại gần như không có.
Còn lại sẽ di dời 115 cây, có kích thước trung bình. Số cây này được chuyển về trường ĐH Nông Lâm chăm sóc, sau đó sẽ đưa trở lại các công trình khác của TP.
Về tiến độ thực hiện, ông Cường cho biết sẽ không xử lý đồng loạt mà chia ra thành 4 mốc là: tháng 8, tháng 10/2017 và tháng 3, tháng 5/2018.
Chia sẻ thêm về quyết định này, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định rằng TP đã rất cân nhắc khi chọn các phương án và cuối cùng nhận thấy đây là phương án phù hợp nhất.
“Mong các đại biểu HĐND góp sức tuyên truyền với cử tri về chủ trương này, vì một cây cầu phục vụ cho sự phát triển của TP, mong chúng ta cơ sự đồng thuận” – bà Tâm cho hay.
Cũng theo bà Tâm, đã có những công trình bị yêu cầu thay đổi thiết kế để tránh cây xanh. Tuy nhiên với công trình này TP “không có sự lựa chọn khác”.
Đồ họa hình dáng cầu Thủ Thiêm 2.
Dự án cầu Thủ Thiêm có mức đầu tư 4.260 tỷ đồng (cả xây dựng và đền bù giải tỏa), được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Cây cầu có hai điểm đầu cuối tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (quận 1) và Đại lộ Vòng cung (quận 2). Cây cầu có kiến trúc nổi bật, được coi là điểm nhấn trên sông Sài Gòn với trụ tháp chính cao 113m, nghiêng về phía quận 2. Công trình đã được khởi công vào tháng 2/2015.
Những cong đường từng rợp bóng cây xanh giờ đây “mọc“ lên những khối bê tông bốc hơi hầm hập trong những ngày nắng...