Tin tức 24h qua: Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh của Việt Nam

Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh của Việt Nam; Bắt nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long... là những tin nóng nhất 24h qua.

Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh của Việt Nam

Sau nhiều lần trì hoãn do điều kiện kỹ thuật và thời tiết, vào lúc 7 giờ 55 phút 16 giây sáng nay 9/11 (giờ Hà Nội), tên lửa đẩy Epsilon số 5 của Nhật Bản điểm hỏa, đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào vũ trụ, đánh dấu một sự kiện mới trong hành trình chinh phục bầu trời của Việt Nam.

Vệ tinh made in Vietnam được phóng lên vũ trụ và tách thành công khỏi tên lửa đẩy trong sáng nay 9/11.

Vệ tinh made in Vietnam được phóng lên vũ trụ và tách thành công khỏi tên lửa đẩy trong sáng nay 9/11.

Trong lần phóng này có vệ tinh NanoDragon - "Made in Vietnam", cùng với vệ tinh NanoDragon có 8 vệ tinh khác của Nhật Bản. Việc phóng 9 vệ tinh này nằm trong khuôn khổ “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2”- Innovative Satellite Technology Demonstration-2” của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Sau khi điểm hỏa được khoảng 52 phút, tên lửa Epsilon bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vào lúc 9 giờ 6 phút 54 giây (giờ Hà Nội), NanoDragon tách thành công khỏi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.

Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.

Bắt nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long

Cơ quan công an xác định các nghi phạm tại Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính về thực hiện, quyết toán hợp đồng đặt hàng, giữ lại 3.848.000 USD tiền giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, công an quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với hai bị can về tội danh trên, gồm Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc) và Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long).

Ngoài ra, công an còn quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long) cùng về tội danh trên.

Miền Trung sẵn sàng sơ tán 360.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lớn

Theo chuyên gia, đợt mưa lần này ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ xảy ra do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió động trên cao. Khác với mưa do bão, 2 hình thái trên kết hợp sẽ gây ra đặc điểm mưa lớn trút xuống liên tục 2-3 giờ, sau đó giảm trong 3-5 giờ rồi mưa lớn trở lại.

Dự báo, từ ngày 9-14/11, ở Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Sau ngày 15/11, ở các địa phương này khả năng vẫn sẽ tiếp tục có mưa với lượng mưa khoảng 50-100mm.

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó mưa lũ ở miền Trung

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó mưa lũ ở miền Trung

Từ nay đến ngày 15/11, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, các địa phương từ Quảng Nam đến Khánh Hòa dự kiến sơ tán trên 360.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở.

Không yêu cầu người dân trình kết quả xét nghiệm khi đi lại

Ngày 9/11, Bộ Y tế công bố 8.133 ca nhiễm COVID-1 mới. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 979.840 ca, trong đó có 839.983 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố).

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, những người ở vùng có dịch chưa tiêm vắc-xin COVID-19 về địa phương cần thực hiện cách ly 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Người có "thẻ xanh" COVID-19 phải theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày.

Tại Hà Nội, theo lãnh đạo quận Long Biên, công tác phòng chống dịch tại Shopee Express thuộc KCN Đài Tư còn yếu, không cung cấp được sơ đồ làm việc nên khi có F0 rất khó xác định được trường hợp F1, vì vậy số F1 tại đây lên đến trên 370 người, gây áp lực lớn trong xử lý dịch tại địa bàn.

Tại TPHCM, sau khoảng 10 ngày cho học sinh đi học trực tiếp, trường THCS - THPT Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM) xuất hiện trường hợp học sinh dương tính với SARS-CoV-2.

Nguồn: [Link nguồn]

Người dân không phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 khi đi lại

Địa phương phải chủ động tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người dân vào thành phố, không yêu cầu người dân trình kết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Quân ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN