Tìm kiếm QZ8501: Cơ hội phô diễn khí tài của Nga
Tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay QZ8501 là cơ hội rất tốt để Nga phô diễn sức mạnh quân sự và khí tài của mình với các nước Đông Nam Á.
Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay xấu số QZ8501 của hãng hàng không AirAsia trên vùng biển Java của Indonesia đã thu hút sự tham gia của lực lượng cứu hộ, quân sự nhiều nước trên thế giới, trong đó một cái tên trở nên nổi bật với những khí tài, phương tiện tìm kiếm “khủng”, đó chính là Nga.
Từ ngày 22/1, Bộ Các tình trạng Khẩn cấp Nga đã cử 2 máy bay và 22 người nhái lặn sâu tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ8501 theo yêu cầu của chính phủ Indonesia. Sự xông xáo và nhiệt tình của Nga trong chiến dịch này hoàn toàn trái ngược với sự vắng bóng của họ trong lần tìm kiếm chiếc máy bay MH370 hồi tháng Ba.
Máy bay Nga chở các chuyên gia tìm kiếm tới Indonesia
Tham gia vào chiến dịch tìm kiếm QZ8501 cũng là một cơ hội để Nga trình diễn sức mạnh quân sự của mình với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nhiều cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng trên biển của mình trong khu vực.
Động thái này cũng diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết tâm khôi phục quan hệ với các quốc gia trên trường quốc tế, trong đó có Indonesia sau khi Moscow bị cáo buộc cung cấp tên lửa cho phe ly khai miền đông Ukraine để bắn hạ máy bay MH17 hồi tháng Bảy. Trên chiếc máy bay này có tổng cộng 12 công dân Indonesia trong tổng số 298 người thiệt mạng.
Xây dựng thành ý
Ông Malcolm Davis, phó giáo sư tại Đại học Bond (Úc) nhận định: “Vụ MH17 đã khiến Nga chịu một đòn nặng nề, và điều này đã ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Nga. Nhiều quốc gia trở nên dè chừng Nga, và họ sẽ phải mất nhiều thời gian mới khắc phục được”.
Các chuyên gia Nga tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ8501
Hiện tại Indonesia vẫn đang tiếp tục chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhằm xác định xác của chiếc máy bay và hộp đen để làm sáng tỏ nguyên nhân khiến chiếc Airbus A320 này đâm xuống biển trong đêm định mệnh đó. Đến nay họ mới chỉ tìm thấy 39 thi thể trong tổng số 162 người tử nạn, tuy nhiên hộp đen và xác máy bay vẫn chưa thể nào định vị được do thời tiết xấu.
Đoàn tìm kiếm của Nga là một phần trong tổng số hơn 5.000 người, 20 máy bay, 60 tàu chiến, 40 xe cứu thương và 95 thợ lặn đến từ các quốc gia khác nhau như Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia cùng giúp đỡ Indonesia thực hiện chiến dịch.
Ngay từ hôm 29/12, một ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, Bộ Các tình trạng Khẩn cấp Nga đã đề nghị đưa khí tài và các chuyên gia tìm kiếm cứu nạn đến giúp Indonesia.
Máy bay BE-200 của Nga đã phát hiện nhiều mảnh vỡ trên biển
Ông Collin Koh, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Singapore) nói: “Đối với người Nga, tôi cho rằng đây là một cơ hội rất tốt để phô diễn sức mạnh của họ. Việc tham gia và chiến dịch tìm kiếm sẽ xây dựng thành ý với Indonesia, biến nước này thành một thị trường xuất khẩu vũ khí tiềm năng”.
Thiết bị thủy âm
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay ông dự định tăng cường ngân sách quốc phòng của nước này lên mức 1,5% GDP, trong đó chú trọng vào xây dựng một lực lượng hải quân mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong khi đó, Nga điều đến biển Java nhiều khí tài tìm kiếm rất hiện đại, trong đó có một tàu ngầm điều khiển từ xa nặng 500 kg có thể hoạt động ở độ sâu hơn 300 mét. Ông Alexander Shilin, quan chức ngoại giao Nga ở Indonesia cho biết tàu ngầm này được trang bị một thiết bị thủy âm đặc biệt có thể giúp phát hiện tín hiệu từ hộp đen máy bay.
Ngoài ra, Nga còn điều thêm máy bay thủy phi cơ đa năng BE-200 tham gia cuộc tìm kiếm, và chính chiếc máy bay hiện đại này đã phát hiện 30 vật thể trôi nổi trên mặt biển giống như mảnh vỡ máy bay và một thi thể nạn nhân.
“Chúng tôi sẽ ở đây chừng nào còn cần thiết để giúp đỡ những người bạn Indonesia”, ông Shinlin tuyên bố.