Thuyền viên bỏ trốn: Cần cơ quan trung lập phân xử

Ngày 16/8, lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục yêu cầu các Cty XKLĐ xác minh đúng sai để bảo vệ quyền lợi cho 4 thuyền viên Việt Nam nghi bị đối xử tồi tệ trên tàu đánh cá Hiệp Đại (Hsieh Ta) của Đài Loan. Có ý kiến cho rằng, cần cơ quan trung lập phân xử.

Chưa rõ đúng sai

Đến chiều 15/8, cả 4 thuyền viên đã về đến nhà an toàn. Trong khi các thuyền viên một mực khẳng định họ bị đánh đập dã man, các Cty XKLĐ trưng ra tài liệu từ đối tác Đài Loan chứng minh thuyền viên tự ý nhảy xuống biển. Trước thông tin trái chiều, lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước yêu cầu 3 Cty XKLĐ Việt Nam (TTLC, Servico, Nosco) tiếp tục yêu cầu phía đối tác Đài Loan xác minh, làm rõ đúng sai.

Ngày 16/8, ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Tổng GĐ Cty TTLC cho biết, TTLC tiếp tục gửi văn bản sang Cty Liên Hiệp (Cty môi giới phía Đài Loan), yêu cầu Cty này làm việc với Cty chủ tàu xác minh rõ vụ việc. “Nếu đúng các thuyền viên bị đánh đập, hành hạ, TTLC sẽ tìm mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho các thuyền viên”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, nếu không sớm rõ đúng sai, chính TTLC sẽ đối mặt nhiều khoản phạt từ đối tác Đài Loan. “Chúng tôi đang bị sức ép từ nhiều phía. Việc quan trọng là phải sớm làm rõ vấn đề để không gây ảnh hưởng đến chương trình thuyền viên”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm XKLĐ (thuộc Cty Servico), nói rằng, xác minh được đúng sai mới có biện pháp để bảo vệ thuyền viên. Theo ông Tường, vụ việc xảy ra ở Pháp, chủ tàu lại ở Đài Loan nên các Cty Việt Nam khó phối hợp xác minh. “Dù thuyền viên đúng hay sai, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo vệ cho họ, vì Cty cũng sẽ liên đới bị thiệt hại nặng nề”, ông Tường nói.

Ông Tường cho rằng, cần phải có một cơ quan trung lập đứng ra phân xử. Để chứng minh đúng sai giữa các bên, phía thuyền viên và Cty chủ tàu phải đưa ra bằng chứng xác thực. Trên cơ sở đó, cơ quan trung lập sẽ kiểm chứng, sau đó đưa ra kết luận cuối cùng. “Điều mừng là 4 thuyền viên đã về Việt Nam an toàn, sức khỏe tốt. Trường hợp thuyền viên nào muốn đi kiểm tra, Cty Servico sẵn sàng hỗ trợ để đưa đến bệnh viện khám”, ông Tường nói.

Thuyền viên bỏ trốn: Cần cơ quan trung lập phân xử - 1

Các thuyền viên khẳng định họ bị thuyền trưởng và cai tàu đánh đập, hành hạ (Trong ảnh: thuyền viên Lê Đình Anh). Ảnh: Nguyễn Đình Quân

Bảo vệ cả 11 thuyền viên

Theo ông Phong, trong trường hợp Cty môi giới phía Đài Loan xác minh là có việc đánh đập, hành hạ thuyền viên, mọi quyền lợi của thuyền viên sẽ được đảm bảo. Ngược lại, nếu có bằng chứng các thuyền viên tự ý nhảy tàu để bỏ trốn, thiệt hại của thuyền viên và Cty phía Việt Nam sẽ rất lớn. “Nếu lỗi thuộc về thuyền viên, phía đối tác Đài Loan sẽ phạt các Cty Việt Nam một khoản tiền rất lớn, nên chúng tôi cũng phải tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi cho thuyền viên”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, nếu phía bạn xác minh là lỗi do thuyền viên, các Cty Việt Nam sẽ phải nộp hơn 2.000 USD tiền vé máy bay chiều đi và về, tiền phạt tại nước sở tại, tiền trả cho tàu cứu hộ vớt thuyền viên vào bờ... “Các khoản tiền này, phía đối tác Đài Loan sẽ bắt các Cty Việt Nam phải chi trả thay cho thuyền viên”, ông Phong nói.

Trong khi đó, ông Tường khẳng định, với các khoản tiền phạt nói trên, đối tác Đài Loan sẽ trừ hết vào lương của các thuyền viên sau thời điểm 15/10 (quyết toán lương tháng 7-8-9 của thuyền viên). “Vì đã ứng lương cho thuyền viên nên chúng tôi phải chịu khoản tiền nộp phạt lớn nếu lỗi đó do thuyền viên gây ra”, ông Tường nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, cho biết, đang yêu cầu Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan làm việc với phía Nghiệp đoàn Tàu cá Đài Loan. Khi có kết quả, mới có văn bản kết luận chính xác lỗi thuộc về ai. “Việc quan trọng hiện nay là sớm ổn định tình hình. Vì nếu không sẽ ảnh hưởng hàng ngàn thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên các tàu đánh cá Đài Loan. Thậm chí, cũng phải có biện pháp để bảo vệ 7 thuyền viên còn lại vẫn đang làm việc trên tàu Hiệp Đại”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, sau khi làm việc với các bên liên quan, nếu xác minh là có việc đánh đập, Cty chủ tàu Hiệp Đại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho thuyền viên Việt Nam. Ngược lại, nếu là lỗi của thuyền viên, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trao đổi với PV Tiền Phong, các thuyền viên cho biết, sẵn sàng đối chất với các cơ quan liên quan về thông tin họ bị thuyền trưởng và cai tàu đánh đập, hành hạ khi đang làm việc trên tàu. Họ nói rằng, vì sợ bị đánh đập nên mới rủ nhau nhảy xuống biển bỏ trốn khỏi tàu, dù biết nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN