Thuyền viên bỏ trốn bị cáo buộc bịa đặt

4 thuyền viên nhảy khỏi tàu Hsieh Ta (Đài Loan) khẳng định họ bị nợ lương và bị ngược đãi triền miên. Trong khi đó, 3 doanh nghiệp phái cử các thuyền viên phủ nhận toàn bộ những thông tin đó.

Sáng 15/8, ngôi nhà nhỏ của anh Lê Đình Anh (29 tuổi; ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vui như Tết. Cha mẹ anh Anh mổ gà, nấu cúng ông bà mừng con trở về sau cuộc “đào tẩu” khỏi tàu cá Hsieh Ta tại vùng biển Tahiti (thuộc Pháp) hôm 8/8.

Không nhảy tàu sẽ chết

Anh Anh cho biết: Tháng 8/2012, biết Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và Du lịch (TTLC) tuyển lao động nghề cá ở nước ngoài, anh đã vay mượn tiền nộp cho công ty 12,5 triệu đồng làm thủ tục, số còn lại làm lộ phí ra Hà Nội. Ngày 20/12/2012, anh cùng một số thuyền viên bay sang Hồng Kông rồi được đưa lên tàu Hsieh Ta.
 
Trên tàu có 22 thuyền viên, trong đó có 10 người Việt. Do bất đồng ngôn ngữ, không quen việc nên các thuyền viên đôi lúc làm sai thao tác kỹ thuật. Khi đó, thuyền trưởng, máy trưởng và 2 người cai lao vào đánh đấm họ liên tục. “Sau 3 tháng sống trên tàu, 10 thuyền viên Việt Nam chịu không nổi nên tập trung trên boong xin nghỉ việc. Cai trưởng dùng tấm ván to phang chúng tôi tới tấp, còn cai khác dùng gậy thúc vào bụng. Sau đó, họ túm tóc thuyền viên Hoàng Văn Hậu bảo thích về thì xuống biển mà về” - anh Anh kể.

Thuyền viên bỏ trốn bị cáo buộc bịa đặt - 1

Thuyền viên Trần Văn Dũng kể về quá trình lao động trên tàu cá Hsieh Ta. Ảnh: Đức Ngọc

Sáng cùng ngày, vừa trở về nhà ở xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, thuyền viên Hoàng Văn Hậu cho biết anh làm việc ở bộ phận trực máy suốt 5 tháng và bị máy trưởng đánh đập khoảng 15 lần. Khi làm trái ý, máy trưởng dùng búa, cờ lê đánh liên tiếp vào đầu, chân tay. Các lao động khác người Việt Nam, Myanmar, Indonesia cũng bị đánh đập liên tục. Chỉ vào những vết sẹo do bị đánh trên tàu, thuyền viên Nguyễn Văn Hùng (xóm Hoàng Dũ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nói: “Em xác định nếu ở lại thì sẽ không biết chết lúc nào nên em và anh Dũng (Trần Văn Dũng), anh Anh, Hậu quyết định nhảy xuống biển bơi vào bờ”.

Gian nan ngày trở về

Sau khi về nước vào đêm 12/8, thuyền viên Trần Văn Dũng (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) kể dù biết người nhà lo lắng nhưng do mất điện thoại, không nhớ số điện thoại gia đình lại hết tiền nên không có cách nào liên lạc được. Về phía doanh nghiệp (DN) tổ chức đưa đi, chưa thấy liên lạc gì với anh cả.

Theo lời anh Hậu, khi về đến Việt Nam vào đêm 8/8, anh được một người của DN phái cử tên là Tài đón ở sân bay Tân Sơn Nhất, đưa về khách sạn nghỉ, sang sáng 13/8 mua vé xe và cho 300.000 đồng về quê. “Hiện công ty còn nợ em hơn 3 tháng lương và 5 triệu đồng tiền đặt cọc” - anh Hậu cho biết.

Còn anh Anh, sau 8 tháng đi làm, nay hầu như trắng tay. “Số tiền gia đình nhận được từ 4 tháng lương đầu của tôi chỉ đủ trả nợ tiền vay nóng. Gia đình mong nhận được 4 tháng lương (350 USD/tháng) còn lại và 400 USD (8 tháng trên tàu)” - anh nói.

Chiều 15/8, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi đến Báo Người Lao Động kết quả xác minh ban đầu dựa trên báo cáo của chủ tàu cá Hsieh Ta, 3 DN phái cử thuyền viên là TTLC, Nosco và Servico Hanoi.

Trong báo cáo, chủ tàu cá Hsieh Ta quy kết 4 thuyền viên nhảy tàu để kiếm công việc khác trên bờ; đồng thời khẳng định không có chuyện thường xuyên đánh đập họ. Chủ tàu cá Hsieh Ta còn gửi kèm biên bản có chữ ký của 7 thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên tàu, xác nhận các thuyền viên của ta có quan hệ tốt với chủ tàu, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Phía chủ tàu còn gửi kèm bảng lương, lệnh chi cụ thể của 4 thuyền viên. Cả 4 người này làm việc cho tàu từ ngày 20/12/2012 và đã được trả lương đầy đủ đến tháng 6, 7/2013, thông qua chuyển khoản cho các DN phái cử để gửi về gia đình.

Trong khi đó, 3 DN phái cử cũng khẳng định các thuyền viên cố tình phản ánh sai sự thật để biện minh cho hành vi bỏ trốn, vi phạm hợp đồng. TTLC đã đưa ra bản tường trình của 2 thuyền viên Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào đêm 12/8, thừa nhận lý do nhảy tàu là muốn tìm công việc khác ở cảng Papeete.

Không nghe một chiều

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, khẳng định cục sẽ tiếp xúc với các thuyền viên để có thông tin khách quan, chứ không dựa theo một chiều. “Chúng tôi làm việc trên tinh thần khách quan, bảo vệ quyền lợi cho thuyền viên đến cùng nếu thực sự họ bị ngược đãi, xâm hại quyền lợi như phản ánh. Mọi việc đúng sai sẽ phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật” - ông Quỳnh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN