Thêm 2 người nguy kịch do ăn tiết canh lợn

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận 2 người nguy kịch do ăn tiết canh lợn.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, ông Lương Văn Ô. (52 tuổi, Quan Hoá, Thanh Hoá) đang nguy kịch vì ăn tiết canh.

Được biết, nhà ông Ô. có lợn chết nhưng ông và gia đình cố tình mổ thịt ăn.

Sau khi ăn một ngày, ông Ô. lên cơn sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, ý thức lơ mơ. Khi được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, bệnh tình của ông đã rất nặng.

Bác sĩ ở đây cho biết, ý thức của ông bị tụt rất nhanh, phải làm thủ tục chuyển thẳng đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, đến ngày điều trị thứ 4, tình trạng viêm nhiễm của ông Ô có giảm nhưng tình trạng rối loạn chức năng chuyển hoá của cơ thể vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Thêm 2 người nguy kịch do ăn tiết canh lợn - 1
Bệnh nhân đang nguy kịch do ăn tiết canh lợn 

Trường hợp khác, bệnh nhân Vũ Mạnh Q. (Lĩnh Nam, Hà Nội) ăn tiết canh và nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rất nặng.

Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, ông và gia đình có ăn tiết canh lợn. Ngay sau đó, ông Q. có biểu hiện sốt, nổi những vết tím ở chân, hôn mê sâu. Chiều 12.6, các bác sĩ ở đây cho biết, nhiều khả năng ông Q. sẽ bị trả về vì vô phương cứu chữa.

Trước đó 4 ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 4 người cấp cứu do ăn tiết canh trong đó có 1 người xin về và đã tử vong, 1 ca đang hôn mê.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đoàn Duy Thành, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, liên cầu khuẩn thường lây qua đường tiêu hoá gây triệu chứng đau bụng, buồn nôn, có biểu hiện xuất huyết hoại tử trên da. Xuất huyết trên da có thể thấy những vết tím trên mặt rồi lan ra toàn thân.

Bệnh gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm, có tháng không có trường hợp nào. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.

Ngoài ra, chi phí điều trị cho bệnh này thường rất đắt. Có người phải mất đến hàng trăm triệu đồng mà chưa chắc đã khỏi được bệnh hoặc có khỏi cũng để lại nhiều di chứng về não hay suy giảm nhiều chức năng khác của cơ thể.

Thêm 2 người nguy kịch do ăn tiết canh lợn - 2
Chân bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử do ăn tiết canh 

BS Đới Ngọc Anh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, liên cầu lợn đôi khi không rõ nguồn lây. Tuy nhiên, những người mổ lợn vô tình để xảy ra những vết xước trên cơ thể cũng có thể lây bệnh liên cầu khuẩn. Bệnh chưa có hiện tượng lây từ người sang người.

Để phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn tiết canh và thịt lợn chưa chín dù là lợn nuôi. Nếu để nhiễm liên cầu khuẩn lợn thì bệnh cảnh hết sức đa dạng, vừa có thể có nhiễm trùng huyết, vừa viêm màng não, sốc và suy đa chức năng phủ tạng khác.

“Về lý thuyết, tiết canh vịt không gây bệnh nhưng tại các hàng quán, không thể có cơ sở nào chắc chắn là ở đó, tiết canh này không bị pha trộn (với tiết canh lợn). Ngoài ra chưa kể mức độ đảm bảo vệ sinh ở đó ra sao. Tốt nhất là tránh xa món khoái khẩu”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn thường được ghi nhận rải rác tại tất cả các tháng trong năm.

Theo ông, do thói quen của người dân ở địa phương thường mổ lợn và làm tiết canh. Thói quen này tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn… Ngoài ra, quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu.

Người mắc liên cầu lợn thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN