Thả thuyền tri ân “Hùng binh Hoàng Sa”
Cùng với câu ca đầy bi tráng là hình ảnh về các vật dụng mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho riêng mình: Một đôi chiếu để quấn xác nếu không may gục ngã; chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi...
Hàng trăm năm qua, cứ đến ngày 16.3 âm lịch, 13 họ tộc ở huyện đảo Lý Sơn lại tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân thế hệ cha ông đã ra đi và ngã xuống vì chủ quyền đối với vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.
Ngay từ sáng sớm, các bô lão trong huyện đã đóng khăn đen, áo dài, tề tựu đông đủ trước đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) để làm lễ. Đây là ngôi đình từng chứng kiến hàng trăm cuộc tiễn đưa con em Lý Sơn “ra trận” nơi Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước.
Trong không khí thiêng liêng, cùng với câu ca đầy bi tráng “… Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề /Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”... là hình ảnh về các vật dụng mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho riêng mình: Một đôi chiếu để quấn xác nếu không may gục ngã; chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quản nếu thi thể chưa kịp làm mồi cho cá dữ... đã làm những người có mặt không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Có mặt trong ngày lễ này không chỉ có những mái đầu tóc bạc, du khách mà còn có những nam nữ thanh niên. Họ nghiêm cẩn theo sau với tất cả lòng thành kính thiêng liêng. Đây được xem như một cuộc “tiếp lửa Hoàng Sa” cụ thể nhất cho thế hệ trẻ hôm nay.
Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, một lần nữa cảm xúc như dâng trào khi hàng ngàn ngọn hoa đăng kết nối trên các bè chuối được thả trôi trên biển. Người Lý Sơn quan niệm rằng, mỗi ngọn hoa đăng là một người lính Hoàng Sa, họ sẽ theo dòng hải lưu để “nhập” vào lòng biển cả.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng là dịp để người dân đất đảo nhắc nhở cho con cháu thế hệ mai sau giữ gìn và tiếp nối truyền thống yêu nước đó.
Video: Thả thuyền tri ân “Hùng binh Hoàng Sa” (Nguồn: ANTV):