Tết của những người hơn 10 năm chưa được đón giao thừa cùng gia đình
Tại Đội Cảnh sát PCCCC&CNCH quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), 100% quân số ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng đảm bảo cho nhân dân vui xuân đón Tết. Ở đây, các chiến sĩ chưa năm nào được đón giao thừa cùng gia đình kể từ khi vào ngành.
Những ngày Tết cổ truyền, khi cả nước quây quần, vui xuân đón Tết cùng gia đình thì tất cả những chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCCC&CNCH quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại có mặt tại Đội để ứng trực, đảm bảo an toàn cho mọi nhà vui xuân đón Tết.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Vũ Thắng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: "Những ngày thường, chúng tôi trực theo ca kíp nhưng ngày Tết, theo yêu cầu đặc biệt, chúng tôi sẽ trực theo hình thức "trực chiến".
Toàn cảnh sum vầy của các chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hai Bà Trưng. Họ cùng nhau gói bánh chưng trước khi bước vào ca trực xuyên Tết.
Theo ông Phùng Vũ Thắng, vì trực theo hình thức trực chiến nên tất cả các chiến sĩ sẽ phải có mặt tại Đội từ ngày 30 Tết để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Năm nay, tranh thủ thời gian rảnh rỗi chưa ứng trực, tất cả Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hai Bà Trưng đã quây quần lại cùng nhau gói bánh chưng đón Tết.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ứng trực đón xuân tại đơn vị nhiều năm liền và để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mọi người đều coi đơn vị như gia đình thứ 2 của mình.
Ghi nhận của phóng viên, những ngày Tết, dưới "mái nhà" chung của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng, bên cạnh những chiếc bánh chưng được gói ghém tỉ mẩn, các chiến sĩ cùng động viên nhau bằng những tiếng cười đùa giòn tan.
Anh Trần Văn Hùng (33 tuổi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là cán bộ điển hình đã vào ngành tròn 12 năm. Cũng từng ấy thời gian, anh Hùng chưa năm nào được đón giao thừa ở nhà cùng gia đình, vợ và con.
Anh Trần Văn Hùng (33 tuổi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là cán bộ điển hình đã vào ngành tròn 12 năm. Năm nay, anh đón Tết cùng gia đình qua "facetime".
Cứ Tết đến Xuân về, anh Hùng không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến bạn bè được đón Tết ở nhà dù họ cũng đi làm xa.
Anh Hùng cho biết, những ngày đầu mới tổ chức đám cươi, vợ anh đã khóc nhiều vì vừa xa nhà về làm dâu, lại lại vừa xa chồng. "Sau đó, tôi và bố mẹ cũng động viên nên vợ tôi chia sẻ và thông cảm cho hoàn cảnh đặc thù công việc của tôi", anh Hùng cho hay.
Đến nay, anh Hùng đã có 2 con nhỏ (cháu lớn 4 tuổi, cháu bé mới sinh được 2 tháng).
Theo anh Hùng, gia đình mới có thêm thành viên và gánh nặng đặt lên vai vợ lớn hơn. Những ngày nghỉ Tết, anh càng muốn bên cạnh vợ để cùng chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho các con nhưng vì nhiệm vụ, nên anh Hùng lấy nhiệm vụ làm động lực để vượt qua mọi khó khăn trước mắt.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ đều coi đơn vị như gia đình thứ 2 của mình.
Tương tự anh Hùng, anh Nguyễn Văn Loan (ở Sóc Sơn, Hà Nội) cũng vào ngành được hơn 10 năm và cũng từng ấy thời gian, anh Loan đón Tết cùng đồng đội.
Năm nay, lại thêm 1 năm anh Loan không được đón giao thừa cùng gia đình. Bởi vì lịch trực của anh bắt đầu từ 8h sáng ngày 30 đến 8h ngày mồng 2 Tết.
Anh Loan cho biết: "Những ngày đầu vào ngành còn bỡ ngỡ, nhớ nhà, tủi thân khi bạn bè người thân đi chơi Tết hay quây quần bên mâm cơm tất niên nhưng vì nhiệm vụ, vì bình yên của người dân yên tâm đón Tết nên chúng tôi đã cố gắng vượt lên tất cả. Lâu rồi thành quen thôi.
Chúng tôi phải coi đơn vị là gia đình thứ 2 của mình thì mới toàn tâm toàn ý đảm bảo sự an toàn cho người dân yên tâm đón Tết".
Những ngày Tết, dưới mái nhà chung của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hai Bà Trưng, các chiến sĩ được phân công nhiệm vụ, người bóc bánh chưng, người rửa bát, người thì pha ấm trà nóng hổi… Giữa những tiếng cười giòn tan, họ như thêm phần gắn kết, ấm áp.
Trong những ngày Tết cổ truyền, điều mong muốn nhất của lực lượng PCCC&CNCH chính là được "thất nghiệp". Bởi khi không có vụ cháy, vụ nổ nào xảy ra trên địa bàn, đồng nghĩa, mọi nhà đều được đón Tết trọn vẹn.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù không được ở cùng gia đình nhưng các nhân viên đường sắt Bắc Nam đều cố gắng đón giao thừa đủ đầy nhất.